Thị Nghè là ai?

NGUYỆT ÁNH/VTC News |

Thị Nghè, tên một khu vực, một con rạch, một khu chợ, 2 cây cầu… tại TP.HCM liên quan đến một người phụ nữ sống ở thế kỷ 18, bà là ai?

Thị Nghè là địa danh có bề dày lịch sử 200 năm qua. Khu vực Thị Nghè hiện nay bao gồm các phường 17, 19 và 21 của quận Bình Thạnh.

Thị Nghè cũng là tên một con rạch đổ ra sông Sài Gòn, bắt nguồn từ rạch Nhiêu Lộc. Hai cây cầu bắc qua rạch nối quận 1 với quận Bình Thạnh gồm cầu Thị Nghè 1 nối đường Nguyễn Thị Minh Khai với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cầu Thị Nghè 2 nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngoài ra, TP.HCM còn có chợ Thị Nghè nằm trên đường Phan Văn Hân, phường 19, quận Bình Thạnh, nhà thờ Thị Nghè nằm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng thuộc phường này.

Cũng như nhiều địa danh khác của Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng gắn liền với tên của người có công khai hoang hoặc có ơn với người dân địa phương, cái tên Thị Nghè liên quan đến một phụ nữ. Vậy Thị Nghè là ai?

Trong cuốn Gia Định thành thông chí , học giả Trịnh Hoài Đức viết về người phụ nữ gắn với địa danh này: "Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè".

Thị Nghè là ai?- Ảnh 1.

Cầu Thị Nghè năm 1927.

Tác giả Huỳnh Minh trong Gia Định xưa và nay viết: "Dân chúng địa phương gọi là Bà Nghè theo chức tước của chồng bà là một vị quan văn trong phiên trấn ". Qua thời gian, cái tên Bà Nghè (vợ ông nghè - tiến sỹ) dần biến đổi thành Thị Nghè.

Bà Nghè ở đây là bà Nguyễn Thị Khánh, con gái lớn của quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân, một vị tướng được chúa Nguyễn Phúc Chu sai lo việc an dân, mở mang vùng đất mới. Bà Khánh cũng theo chân cha lo việc khai khẩn đất hoang.

Công lao của Nguyễn Cửu Vân được ghi lại trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn: “Về việc mở mang bờ cõi Nam, công Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục”. Tên Nguyễn Cửu Vân hiện được đặt cho một con đường ở quận Bình Thạnh, ngay khu vực Thị Nghè.

Hai người con trai ông là Nguyễn Cửu Chiêm và Nguyễn Cửu Đàm cũng có công lớn trong việc khai hoang ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Cửu Đàm chính là người xây dựng luỹ Bán Bích và đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) vào năm 1772, nối rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè, tạo một “con hào” bao quanh, biến Gia Định thành một hòn đảo lớn khoảng 50km2 để chống quân Xiêm. Nguyễn Cửu Đàm tử trận năm 1777.

Về rạch Thị Nghè, Trịnh Hoài Đức cho biết trong Gia Định thành thông chí như sau: “ Sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị, về phía Bắc Trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (tức cầu Bông hiện nay), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ là cùng nguyên. Nơi đây có nhiều ao vũng… ”.

Thị Nghè là ai?- Ảnh 2.

Chợ Thị Nghè được xây dựng kiên cố thành khu nhà lồng dài vào khoảng cuối thập kỷ 1920, sau đó được tu sửa nhiều lần. (Ảnh: Wikimapia)

Sông Bà Nghè được nói đến ở trên chính là con rạch Thị Nghè dài chừng 4,5km ngày nay. Rạch từng mang nhiều tên khác.

Đến thế kỷ 18, Bà Nghè Nguyễn Thị Khánh cho người khai khẩn đất hoang, dựng cầu gỗ bắc qua nên người dân tiện qua lại giữa hai bờ, khu vực chân cầu ngày càng có người kéo đến buôn bán, dần dần hình thành khu chợ, giao thương nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Đó là chợ Thị Nghè - khu chợ đầu mối trung tâm của cả vùng hồi đó. Thậm chí số thuế thu được từ chợ vào năm 1837 cao nhất nhì Nam Kỳ, hơn 13.000 quan tiền.

Chợ Thị Nghè được xây dựng kiên cố thành khu nhà lồng dài vào khoảng cuối thập kỷ 1920, sau đó được tu sửa nhiều lần, xây thêm tường bao, vách ngăn, sạp chợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại