Bên cạnh những hội kín nổi tiếng như Skull and Bones Club, Illuminati,… Tu viện Sion (Priory of Sion) cũng được nhắc đến với nhiều truyền thuyết thần bí.
Người ta đồn rằng Tu viện Sion là tổ chức quy tụ hàng loạt các danh nhân lỗi lạc trong lịch sử thế giới, nhưng người được cho là hậu duệ của vua David. Chính vì những lời đồn đại này mà Tu viện Sion đã được tác giả Dan Brown nhắc đến trong cuốn sách Mật mã Da Vinci.
Lời đồn về hội kín Tu viện Sion
Vào thập niên 1960, giới trí thức Âu – Mỹ lan truyền một câu chuyện bí ẩn kể về hội kín có tên Tu viện Sion (Priory of Sion). Một phiên bản khác lại cho rằng Tu viện Sion được thành lập trước đó rất lâu, vào năm 1099 với người đứng đầu là Godfrey de Bouillon. Tên hội lấy theo tên ngọn núi Zion trong thành Jerusalem – địa điểm đặt trụ sở chính.
Tu viện Sion hoạt động với tôn chỉ bảo vệ cho con cháu hoàng gia thuộc dòng dõi vua David và hậu duệ của Chúa Jesus. Ngoài ra, mục tiêu hàng đầu của hội là thành lập một đế chế Thần thánh (Holy Empire) thống nhất toàn bộ châu Âu. Từ đó, hội sẽ mở ra một trật tự thế giới mới, hòa bình, thịnh vượng hơn thế giới đầy sự đau khổ ở hiện tại.
Hội kín Tu viện Sion còn được cho là có sự tham gia của nhiều danh nhân lỗi lạc trong lịch sử nhân loại thuộc mọi lĩnh vực như Leonardo Da Vinci, Isaac Newton, Victor Hugo,… Hơn nữa, các danh nhân này còn được phong làm "đại pháp sư", nhận trách nhiệm điều hành hội.
Những lời đồn đại cùng truyền thuyết bí ẩn về Tu viện Sion hấp dẫn đến mức nhiều người tin theo tư tưởng của nó cũng như tìm cách gia nhập hội. Tuy nhiên, sự thật về hội kín này lại khiến không ít người vỡ mộng.
Trò lừa bịp thế kỷ
Thực chất, Tu viện Sion không hề có thật. Nó là sản phẩm hư cấu của một người Pháp tên là Pierre Plantard. Cái tên Tu viện Sion chỉ là tên gọi của một tổ chức từng đăng ký hoạt động tại thị trấn Annemasse, miền đông nước Pháp từ năm 1956 và tan rã sau 6 tháng hoạt động.
Để nổi tiếng, Plantard đã thực hiện nhiều chiêu trò lừa bịp nhằm thuyết phục mọi người tin vào huyền thoại Tu viện Sion như trà trộn sách vào thư viện Paris, công bố các bức thư giả mạo, các danh sách đại pháp sư giả… Tất cả các chiêu trò của Plantard đã bị vạch trần vào năm 1993, trong một cuộc điều tra.
Tuy đã được chứng minh là không có thật trong lịch sử, thế nhưng cần phải thừa nhận rằng những huyền thoại giả mạo về Hội kín Tu viện Sion vẫn hấp dẫn, lôi cuốn đến mức truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh phương Tây. Một trong số các tác phẩm đại chúng đề cập đến Tu viện Sion là cuốn sách Mật mã Da Vinci của nhà văn người Mỹ Dan Brown.