Chàng thư sinh cầu xin Phật Tổ và chuyện xảy ra trước cửa miếu
Chuyện xưa kể rằng, tại ngọn núi phía Nam ở vùng đất nọ có ngôi miếu thờ một pho tượng Phật.
Tương truyền rằng, pho tượng Phật này vô cùng linh nghiệm, chỉ cần người tới dâng hương thành tâm cầu khẩn, Phật Tổ sẽ rủ lòng từ bi giúp người đó hoàn thành ước nguyện.
Năm xưa, có người thư sinh mực tin vào điều ấy, liền tự mình cõng 3 chồng đồ lễ tới miếu dâng hương vào dịp lễ Phật Đản.
Suốt chặng đường xa xôi từ nhà tới núi Nam, dù cho mệt mỏi tới đâu, người ấy cũng không một lần đặt đồ lễ xuống để dừng chân nghỉ ngơi.
Lúc tới nơi, thư sinh cung kính dâng lễ lên bàn thờ rồi quỳ xuống cầu xin Phật Tổ:
"Phật Tổ linh thiêng, con đã ứng thí suốt 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được như ý nguyện. Ngài có pháp lực vô biên, xin hãy thương cho lòng thành kính mà giúp con được đề tên trên bảng vàng năm nay".
Sau đó, thư sinh hạ lễ và chuẩn bị lên đường về phủ. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa miếu, anh bắt gặp một người hành khất xin ăn.
Người ấy hướng về phía anh và nói:
"Thí chủ rộng lượng, tôi đã không được ăn gì suốt ba ngày ba đêm. Xin người rủ lòng thương xót, cho tôi một chút đồ ăn cho đỡ đói".
Thấy người hành khất lấm lem, bẩn thỉu, anh ta liền tỏ thái độ chán ghét ra mặt, một mực xua đuổi, sợ người ấy sẽ làm bẩn đồ lễ của mình.
Ngày hôm ấy, người hành khất kia đã đói lả, chỉ có thể nằm bên cạnh cửa miếu, suốt đêm co ro trong một mảnh chăn rách rưới.
Đêm đó, có một con chó toàn thân lở loét không biết từ đâu xuất hiện. Nó nằm xuống bên cạnh người hành khất, liên tục rúc vào chăn để sưởi ấm.
Máu và mủ từ vết thương của nó dính khắp chăn và dính cả lên người hành khất. Ngay lập tức, con chó ấy bị chủ nhân của chiếc chăn rách rưới đạp ra ngoài không thương tiếc.
Bị đạp một cái đau điếng, con chó nhỏ lê người chạy ra chỗ khác. Tối hôm ấy, nó chết vì lạnh ngay trước cửa ngôi miếu thờ Phật.
Ngày hôm sau, kẻ hành khất kia tuy chưa đến nỗi chết vì lạnh, nhưng cũng mất mạng vì cái đói.
Ảnh minh họa.
Hồi kết
Nửa năm sau, người thư sinh hay tin mình thi trượt, tức giận chạy đến cửa miếu rồi buông lời oán trách Phật Tổ:
"Nói cái gì mà pháp lực vô biên, thực ra là chỉ biết lừa gạt người khác. Nếu Ngài thực sự linh thiêng, vì sao ngay đến cả một cuộc thi đơn giản cũng chẳng giúp được con, còn để cho con bị đánh trượt".
Phật Tổ lúc bấy giờ xuất hiện, từ tốn hỏi: "Vì sao ta lại phải giúp con?".
Thư sinh kia đáp lại: "Con thành tâm cõng đồ lễ lên núi, để đến được ngôi miếu này trước ngày sinh thần của ngài, con một khắc cũng không dám nghỉ ngơi. Chỉ dựa vào phần thành ý này, Ngài cũng nên giúp con mới phải".
Phật Tổ liền gọi linh hồn của người hành khất năm nào ra đối chất. Vừa nhìn thấy thư sinh, linh hồn ấy lên tiếng trách móc:
"Tôi chỉ xin anh có ít đồ lễ để ăn cho đỡ đói mà anh cũng không cho. Một chút lòng thành bố thí cũng chẳng có, Phật Tổ vì cái gì mà phải giúp anh?".
Nói đoạn, linh hồn ấy lại quay sang oán trách Phật Tổ:
"Ngài cũng thật tàn nhẫn, thà trơ mắt nhìn con chết đói trước miếu của Ngài chứ nhất quyết không chịu ban cho con một chút đồ ăn. Lẽ nào Ngài cũng không có lòng thương xót hay sao?".
Lúc này, Phật Tổ lại gọi linh hồn của chú chó nhỏ ra. Vừa mới nhìn thấy người hành khất, nó liền kêu lên:
"Tôi chỉ xin ông cho tôi nằm cạnh chăn để sưởi ấm một chút, ông cũng chẳng mất cái gì. Chỉ có thế mà ông còn không chịu, vậy thì lấy gì mà đòi thư sinh kia phải giúp ông, lấy gì đòi Phật Tổ thương xót ông?".
Cuối cùng, Phật Tổ chỉ vào thư sinh và người hành khất mà nói:
"Cho con đề tên lên bảng vàng, cho con cơm no áo ấm, những việc ấy đối với ta mà nói chỉ là một cái nhấc tay. Thế nhưng, các con có năng lực để giúp đỡ những sinh linh khác nhưng không chịu động tay, vậy thì các con có gì đáng giá để cho ta giúp?".
Nói xong, Phật Tổ phất tay một cái, đem bảng tên của thư sinh ném xuống vách núi. Kể từ đó, người ấy vô duyên với con đường công danh.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Nếu một người không có lòng từ bi giúp đỡ, vậy người đó lấy tư cách gì để đòi có được sự giúp đỡ của người khác?
Người không biết tới chữ "ân", chẳng mấy chốc sẽ mất đi tất thảy những gì mình đang có. Sống trên cuộc đời, muốn nhận được một điều gì, trước nhất phải học cách cho đi.
Khi ta cầu nguyện một điều ước, chư Phật và Bồ Tát sẽ không trực tiếp thành toàn cho ta một, mà họ sẽ cử người tới bên cạnh để giúp đỡ ta hoàn thành tâm nguyện đó.
Những người cầu xin lòng từ bi của ta như hành khất, cô nhi, người bệnh… đều là sự an bài của chư Phật, Bồ Tát để ta có cơ hội hành thiện, tạo đức, tích phúc.
Vì thế, hãy đối xử thiện lương với tất cả chúng sinh trên đời này. Bởi gieo nhân nào, gặt quả nấy vốn là quy luật muôn đời không thay đổi.