Từ chuyện cái cây và cậu bé
Cách đây rất lâu, có một cái cây vừa cao vừa lớn mọc lên trong ngôi làng nọ. Và trong ngôi làng đó, có một cậu bé ngày nào cũng đến chỗ cái cây, leo lên trên hái quả ăn rồi nằm dưới bóng mát của cây ngủ ngon lành.
Cậu bé rất thích cái cây đó, và có vẻ như cái cây cũng rất thích chơi đùa cùng cậu bé.
Về sau, khi lớn lên, cậu bé không còn ngày ngày đến chỗ cái cây chơi như trước. Một hôm, cậu đến dưới gốc cây, dáng vẻ rất đau khổ.
Cái cây muốn chơi với cậu, nhưng cậu bé đáp: "Không được, tôi không còn nhỏ nữa, không thể chơi đùa với cây nữa, tôi muốn chơi đồ chơi nhưng lại không có tiền để mua."
Cái cây nói: "Thật tiếc, ta cũng không có tiền. Tuy nhiên, hãy cứ hái tất cả quả chín trên cây đem bán, chẳng phải con sẽ có tiền đó sao?"
Cậu bé nghe vậy thì vô cùng phấn khởi, liền leo lên cây hái quả rồi mang đi trong tâm trạng vô cùng phấn khích.
Sau đó rất lâu, cậu không quay lại chỗ cái cây. Cây đau lòng lắm.
Rồi cũng đến ngày cậu bé ấy quay trở lại. Lúc này, cậu đã là một thanh niên trẻ có gia đình. Cây vui lắm, đề nghị chàng trai chơi với mình.
Nhưng chàng trai từ chối: "Không được đâu, tôi không có thời gian. Tôi phải làm việc để nuôi gia đình, chúng tôi cần một căn nhà, cây có thể giúp tôi không?"
"Ta không có nhà", cây nói. "Nhưng con có thể chặt cành cây của tôi để lấy gỗ làm nhà."
Chàng trai trẻ liền chặt cành cây, đem gỗ về xây dựng một ngôi nhà. Nhìn chàng trai vui vẻ, cây cũng rất vui. Nhưng kể từ đó, chàng thanh niên không quay lại nữa, cây lại một lần nữa rơi vào trạng thái cô đơn và bi thương.
Mùa hè năm đó, chàng trai lại quay lại và lúc này, anh đã là một người đàn ông đứng tuổi. Cây rất mừng, nói: "Nhanh lên, nhanh lên con trai, mau lại đây chơi với ta."
Nhưng chàng trai nói: "Tâm trạng của tôi không tốt, tôi muốn căng buồm ra khơi để thư giãn một chút, cây có thể cho tôi một con thuyền không?"
Cây trả lời: "Hãy chặt thân cây của ta rồi lấy gỗ đem đi đóng thuyền đi."
Người đàn ông làm theo lời cây nói, chặt cây mang gỗ đi đóng thuyền rồi lái thuyền đi, rất lâu không quay lại.
Cây vui lắm… nhưng thực ra không phải vậy.
Nhiều năm nữa qua đi, chàng trai lúc này đã là một ông già - cuối cùng cũng quay lại. Lúc này cây nói: "Xin lỗi, con trai, ta đã không còn gì để cho con nữa, ta không còn quả nữa."
Người đàn ông đứng trước cây, nói: "Răng của tôi cũng đã rụng hết rồi, chẳng thể ăn được quả nữa."
Cây lại nói: "Ta không còn thân cây để con trèo lên nữa."
"Tôi già mất rồi, không leo nổi nữa", người đàn ông lớn tuổi nói.
"Ta chẳng còn gì để có thể cho con nữa, chỉ còn cái gốc cây khô cằn đang héo mòn dần này thôi", cây rơi nước mắt nói.
Lúc này, người đàn ông nói: "Bao nhiêu năm qua đi, bây giờ tôi thấy mệt rồi, chẳng cần gì nữa, chỉ cần một nơi để nghỉ."
"Được thôi, cái gốc này là nơi thích hợp nhất để con ngồi xuống nghỉ, lại đây, ngồi xuống và cùng ta nghỉ ngơi nào!"
Người đàn ông ngồi xuống, nước mắt tuôn rơi…
Đến tình thân cha mẹ - con cái
Thực ra, đây chính là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta. Cái cây vừa cao vừa to kia chính là bố mẹ của chúng ta. Bạn có thể cho rằng cậu bé trong câu chuyện thật vô tình nhưng đây chính là cách chúng ta đang đối xử với bố mẹ mình.
Chúng ta đòi hỏi từ bố mẹ mà chẳng hề tiết chế. Trong khi đó, bố mẹ cho chúng ta mọi thứ mà không một lời ca thán oán trách.
Nếu như có một ngày, bạn thấy đồ mẹ nấu thật khó ăn, bố ho mãi không ngừng; mẹ muốn ăn cơm nát, bố chậm chạp từng bước qua đường hay cả hai đều không muốn ra khỏi nhà, điều đó cho thấy họ đã già thật rồi.
Bận rộn cả ngày, liệu bạn có chú ý đến điều này?
Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con cái muốn chăm sóc nhưng bố mẹ không chờ đợi thêm được nữa, thế nên người làm con hay tranh thủ thời gian được ở bên bố mẹ, bày tỏ lòng biết ơn đến bậc sinh thành.
Thực tế bao đời nay luôn chứng minh rằng: Cho đến cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra, trên đời này sẽ không có bất cứ ai yêu chúng ta như yêu sinh mệnh mình, ngoại trừ bố mẹ!
Khi chúng ta đòi hỏi ở bố mẹ, họ chỉ sợ cho ta không đủ mà thôi. Vì thế, khi bố mẹ cần chúng ta, chỉ hi vọng chúng ta không bớt xén!
* Câu chuyện có tính hư cấu để truyền tải vấn đề về nhân sinh thế sự.