Theo dấu khủng long, vô tình phát hiện siêu lục địa

Anh Thư |

Những hóa thạch "song sinh" được tìm thấy ở 2 bờ Đại Tây Dương đã xác thực cho giả thuyết về siêu lục địa Pangea.

Theo Science Alert, vào tháng 1-2012, nhà địa vật lý người Đức Alfred Wegener đã đề xuất một ý tưởng mà giới khoa học cho là vô lý, điên rồ: Tất cả đất đai Trái Đất từng là một siêu lục địa.

Ông Wegener gọi siêu lục địa giả thuyết đó là Pangea, sau khi xem xét kỹ lưỡng các hóa thạch thực vật và động vật có hình dạng tương tự trên các khối đất liền khác nhau thời hiện tại.

Ngày nay, lý thuyết về kiến tạo mảng và những lần đất đai địa cầu hợp thành siêu lục địa rồi lại tách ra đã được đông đảo ý kiến chấp nhận, với một số bằng chứng gián tiếp được đưa ra.

Tuy vậy, mới đây, các nhà khoa học mới có thể khẳng định Pangea có thực, nhờ vào các dấu chân khủng long.

Theo dấu khủng long, vô tình phát hiện siêu lục địa- Ảnh 1.

Hai dấu khủng long chân thú được cho là của cùng một loài, thậm chí cùng một con, từ lưu vực Sousa ở Brazil (trái) và lưu vực Koum ở Cameroon - Ảnh: SMU

Hơn 100 năm sau khi công trình của TS Wegener bị nhiều người cho là "lời nói mê sảng", một nhóm nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy một "con đường mòn" thời khủng long, hiện bị chia thành 2 nửa, ở những bờ khác nhau của Đại Tây Dương.

Con đường này được xác định bởi những bộ dấu chân khủng long gần như giống hệt nhau đã được tìm thấy ở Cameroon thuộc Trung Phi và Brazil thuộc Nam Mỹ, cách nhau hơn 6.000 km.

Những dấu chân này có niên đại khoảng 120 triệu năm, trùng với thời điểm ngay trước khi lục địa phía Nam Gondwana - một trong 2 mảnh của Pangea sau đợt tách ra đầu tiên - chính thức bị xé nát.

Tổng cộng, có hơn 260 dấu chân của các loài khủng long chân chim, khủng long chân thằn lằn và khủng long chân thú in trên bùn ở bờ sông.

Các nhà khoa học tin rằng vào thời điểm mà hai mảnh của siêu lục địa sắp hoàn toàn lìa nhau, con đường này là cây cầu đất liền cuối cùng nối liền Châu Phi với Nam Mỹ.

"Chúng tôi xác định rằng về mặt tuổi tác, những dấu chân này tương tự nhau" - nhà cổ sinh vật học Louis Jacobs từ Đại học Southern Methodist (Mỹ) cho biết.

Theo ông, về mặt địa chất và kiến tạo mảng, chúng cũng tương tự nhau. Về mặt hình dạng, chúng gần như giống hệt nhau.

Nhờ mối liên hệ này, nhóm nghiên cứu suy ra rằng các loài động vật khác, có lẽ có bàn chân ít nặng nề hơn, cũng có thể đi theo những con đường tương tự.

Từ đó, họ đã xác định rằng Châu Phi và Nam Mỹ bắt đầu tách khỏi nhau vào khoảng 140 triệu năm trước.

Các vết nứt hình thành trong lớp vỏ và khoảng cách giữa hai mảnh Gondwana bắt đầu mở rộng. Trong các vết nứt này, magma chảy lên từ bên dưới, đông cứng thành lớp vỏ mới hình thành nên đáy Đại Tây Dương.

Khi hai lục địa mới tiếp tục tách ra, các điểm mà động vật có thể di chuyển giữa chúng trở nên nhỏ hơn và ít hơn. Các mô hình địa chất cho thấy cây cầu đất cuối cùng có thể đã nối từ khu vực giống như khuỷu tay nhô ra của Brazil đến bờ biển Cameroon dọc theo Vịnh Guinea.

Đó cũng là những nơi mà những cặp dấu chân khủng long "song sinh" được tìm thấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại