Vào chiều ngày 24/8/2024, Vườn Quốc gia Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, tại khu vực đỉnh núi Bạch Mã cao 1.444m so với mực nước biển, các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện một loài rắn hoàn toàn mới có tên rắn ráo xanh Bạch Mã (danh pháp khoa học: Ptyas bachmaensis).
Researchgate cho biết, rắn ráo (còn được gọi là rắn chuột (chi Ptyas) bao gồm 13 loài rắn phân bố khắp châu Á lớn có kích thước lên tới 3,8 mét. Trong hơn 100 năm, không có loài mới nào thuộc chi rắn ráo được phát hiện cho đến ngày 24/8/2024.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng dữ liệu hình thái và trình tự nucleotide từ gen MT-CYB, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã xác định được loài rắn ráo mới hoàn toàn có tên khoa học Ptyas bachmaensis.
Tính cho đến nay, loài rắn Ptyas bachmaensis (rắn ráo xanh Bạch Mã) mới được phát hiện này chỉ có tại Việt Nam.
Đây là loài rắn có chiều dài rất ấn tượng. Con đực trưởng thành có thể dài đến 2,4 mét. Phần lớn chiều dài cơ thể (phần lưng) được bao phủ bởi màu xanh lục đậm, phần đuôi còn lại có màu đen. Phần bụng rắn có màu trắng/vàng nhạt.
Đến với câu hỏi, loài rắn mới được phát hiện ở Việt Nam là loài rất độc? - Theo các nhà khoa học, vì rắn ráo xanh Bạch Mã thuộc chi Ptyas nên chúng không có độc.
Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế cho biết, núi Bạch Mã (thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) - nằm trong khu vực vườn Quốc Gia Bạch Mã, nơi giáp ranh giữa thành phố Huế và Đà Nẵng - là nơi có thảm động-thực vật đa dạng với hàng trăm loại sinh vật quý hiếm, trong đó có những loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Núi Bạch Mã cũng là nơi sinh sống của loài rắn ráo xanh (danh pháp khoa học: Ptyas nigromarginata). Loài này có các đặc điểm sau: Đầu dài, phân biệt với cổ; mắt to với đồng tử tròn. Môi trường sống ưa thích của loài này chủ yếu bao gồm rừng ôn đới và rừng núi hoặc đồi núi rậm rạp.
Điểm phân biệt cụ thể nhất giữa rắn ráo xanh Ptyas nigromarginata và rắn ráo xanh Bạch Mã Ptyas bachmaensis là sọc trắng/vàng nhạt lẫn đen ở phần đuôi.
Rắn ráo xanh Ptyas nigromarginata có sọc trắng này - còn rắn ráo xanh Bạch Mã Ptyas bachmaensis không có đặc điểm này (phần đuôi còn lại chỉ có màu đen).
Việc phát hiện ra loài rắn hoàn toàn mới này cho thấy bức tranh đa dạng của loài rắn nói chung và chi rắn ráo Ptyas nói riêng.
Tham khảo: Researchgate, Tiền Phong