Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga
Ông Lukashenko nói: "S-400 rất được chúng tôi quan tâm. Và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ nhận được những tổ hợp này. Hơn nữa, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân".
Belarus được xem là một trong những nhà khai thác nước ngoài đầu tiên của loại tổ hợp S-400. Quân đội nước này đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất quốc phòng Nga Almaz Antey vào ngày 24/8/2020, về việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến này trong vòng 5 năm tới.
S-400 được đánh giá cao nhờ một số tính năng tiên tiến bao gồm tính cơ động rất cao, khả năng đánh chặn mục tiêu siêu vượt âm cách xa 400km, khả năng nhận biết tình huống rất cao và khả năng tấn công 80 mục tiêu.
Các năng lực đó, kết hợp yếu tố chi phí hoạt động tương đối thấp so với máy bay tiêm kích hoặc máy bay đánh chặn và khả năng chống tàng hình, đã khiến nó trở thành một khí tài được đánh giá cao trong việc chống lại các mối đe dọa có thể đến từ phương Tây.
Có lẽ là quốc gia châu Âu duy nhất hoàn toàn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của NATO, Belarus đã phải chịu áp lực đáng kể của phương Tây. Khi các quan chức Belarus liên tục ám chỉ đến mối đe dọa ngày càng tăng do các lực lượng NATO gây ra ở biên giới của họ, đặc biệt là từ sự mở rộng các cơ sở quân sự của Mỹ ở Ba Lan láng giềng và việc Mỹ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung vào năm 2019, cho phép nước này triển khai các tên lửa đất đối không tầm xa hơn tới châu Âu.
Vào tháng 5/2021, các lực lượng vũ trang của Belarus đã cảnh báo rằng NATO đang huấn luyện để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Belarus.
Cùng với việc mua S-400, Tổng thống Lukashenko cam kết duy trì an ninh trên không cho nhà máy điện hạt nhân mới do Nga xây dựng, đồng thời xác nhận rằng hệ thống tên lửa Tor-M2 do Nga cung cấp đã được triển khai để bảo vệ nó.
Hiện nay ngoài Nga, mới chỉ có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400.