Nếu “Cố lên” mà Việt Nam vô địch...

Việt Phương |

(Soha.vn) - Chẳng biết từ giải đấu nào, cụm từ “Việt Nam vô địch”và tiếng hò reo “cố lên” đã định hình thành thương hiệu của các fan Việt.

Dẫu biết “Cố lên” là sự thôi thúc hồn nhiên, dẫu biết trong bóng đá, “Vô địch” là cái đích cuối cùng nhưng dường như trong đó còn ẩn chứa sự ngộ nhận, áp đặt từ phía khán đài cho những đôi chân trên sân cỏ.

Bóng đá tác động đến tâm lí xã hội. Nhưng rồi chính tâm lí đám đông lại ít nhiều nhào nặn nên hình ảnh của bóng đá bằng diện mạo của một thứ văn hóa bóng đá. Tâm lí ấy chẳng khác nào sự duy ý trí nghĩa là cứ “cố lên”, “cố nữa”, thêm nữa biết đâu sẽ thắng, hẳn là sẽ thắng.

Nhưng ta quên mất rằng không phải đối thủ nào cũng có thể thắng và không phải trận thua nào cũng là thất bại. Một sự dũng cảm dám nhìn lại khung thành “tan hoang” sau trận thua để mà tự hoàn thiện mình chứ không phải liêu xiêu gục ngã như con bạc mất cả cơ nghiệp. Một cái bắt tay bình đẳng với kẻ vừa bị mình đánh bại (chứ không phải cưỡi lên lưng họ nâng cao chiếc Cúp) sẽ là cơ hội để giúp chính bản thân vươn lên.

Cái hào khí “Cố lên” đôi khi còn phản ánh cả sự bảo thủ. Trên cái nền tảng không cơ bản của cầu thủ về: thể lực, kĩ chiến thuật, nhân cách, của bộ máy quản lí bóng đá cũ kĩ…các HLV biết cố đến bao giờ để vá víu được lỗ hổng đó. Trong khi đáng ra phải tỉnh táo lùi lại 7 năm để ươm mầm lại từ đầu như cách nghĩ hiếm hoi của bầu Đức trong việc xây dựng lựa U19 của ông.

Sự cuồng nhiệt trên khán đài có lẽ là chưa đủ cho một nền bóng đá tồn tại quá nhiều bất cập
Sự cuồng nhiệt trên khán đài có lẽ là chưa đủ cho một nền bóng đá tồn tại quá nhiều bất cập

“Có lên” là vậy còn “Việt Nam vô địch” lại kệch cỡm hơn dù trọng trận vòng loại Word Cup hay trận giao hữu. Nhiều người sẽ cho đây chỉ là ước mơ trong thể thao. Nhưng ngẫm ra nó là sự biến tướng của bệnh háo danh đã lây lan sang từ nhiều lĩnh vực đời sống khác. Bằng chứng là bất kế là Cúp tập huấn nào dù là nhỏ nhất người ta cũng cay cú nếu đội nhà không vô địch.

Sự nóng vội thích dẫn đầu ấy đã hóa thành căn bệnh ăn xổi. Ví như lứa cầu thủ đầu tiên của một học viện đầu tiên đã đòi hỏi phải chơi được giải này giải nọ cho kịp bằng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…Trong khi cái đường băng để các em chạy đà là giải quốc nội đang còn lồi lõm bao vấn nạn tiêu cực. Trong tương quan ấy, những “vô địch”. “vô địch” kia mới tự huyễn làm sao.

Có lẽ, nếu chỉ cần “cố lên” thêm nữa mà “Việt Nam vô địch” thì bóng đá nước nhà đã đăng quang nhiều giải đấu rồi. Nhưng điều đáng tiếc đó chỉ là cái hạn chế của một nền bóng đá, của một thứ văn hóa bóng đá còn phải cố lên nhiều lắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại