Kế hoạch 50 điểm của Tập Cận Bình và sự yếu kém nhức nhối của TQ

Anh Dũng |

Ông Tập Cận Bình luôn được giáo huấn rằng bóng đá sản sinh ở Trung Quốc, môn thể thao đại chúng này là công cụ thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

Trung Quốc là cường quốc thể thao hàng đầu thế giới không cần bàn cãi. Tại đấu trường ASIAD, Trung Quốc tạo lập thế thống trị tuyệt đối với 9 kỳ đại hội liên tiếp xếp thứ nhất toàn đoàn (từ 1982 đến 2014).

Họ đã giành tổng cộng 1342 HCV qua các kỳ đại hội, bỏ xa Nhật Bản xếp thứ hai đến 385 HCV.

Trên đấu trường Olympic, Trung Quốc và Mỹ tạo thành thế “lưỡng trụ” cạnh tranh cực kỳ quyết liệt ở từng môn thi đấu. Đặc biệt ở môn bơi lội, trình độ của Trung Quốc đã tiệm cận siêu cường Mỹ số 1 thế giới.

Thế nhưng bóng đá Trung Quốc lại nằm ở địa hạt tách biệt. Lần gần nhất và cũng là duy nhất ĐT Trung Quốc tham dự World Cup là năm 2002. Năm ấy, họ rời giải trong thất bại ê chề, thua cả 3 trận, thủng lưới 9 bàn và không ghi được bàn nào.

Chủ tịch Tập Cận Bình dĩ nhiên không thể chấp nhận thực trạng yếu đuối, không tương xứng với tầm vóc của cả nền thể thao của bóng đá Trung Quốc.

Là một con người của thế hệ cũ, ông Tập Cận Bình luôn được giáo huấn rằng bóng đá sản sinh ở Trung Quốc, môn thể thao đại chúng này là công cụ thể hiện lòng tự tôn dân tộc.


Ông Tập Cận Bình đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ nền bóng đá Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ nền bóng đá Trung Quốc.

"Trung Quốc rồi sẽ sớm thực hiện những thương vụ giá trị tới 100 triệu bảng. Premier League nên sớm cảm thấy e ngại trước thế lực này" - HLV Wenger.

Từ sự yếu kém đến nhức nhối của bóng đá quốc gia, ông Tập đã vạch ra kế hoạch 50 điểm.

Bao gồm đẩy mạnh phát triển mô hình “bóng đá học đường”, phát triển CLB chuyên nghiệp, nâng tầm chuyên môn giải VĐQG, giúp LĐBĐ hoạt động hiệu quả hơn, tự chủ hơn, đặc biệt về khía cạnh kinh tế.

Dưới định hướng của chủ tịch Tập, Trung Quốc đang vươn vòi bạch tuộc ra khắp thế giới để thâu tóm cổ phần các đội bóng lớn và chiêu mộ hàng loạt ngôi sao trong thời kỳ đỉnh cao phong độ.

Đại diện hùng mạnh nhất của bóng đá TQ mang tên Guangzhou Evergrande. Đội bóng này mạnh đến nỗi bán cả tiền đạo ngôi sao Elkeson cho Shanghai SIPG để gia tăng sức mạnh quốc gia trên đấu trường châu lục.

Ba năm qua, Guangzhou Evergrande đã vô địch châu Á 2 lần với 2 HLV hàng đầu thế giới là Marcelo Lippi và Felipe Scolari.

Guangzhou Evergrande chính là mô hình điểm của chiến lược lột xác bóng đá Trung Quốc: Vung tiền mua ngôi sao song song với phát triển bóng đá học đường.

Thâm nhập Học viện Guangzhou Evergrande

Chỉ trong 10 tháng, công ty bất động sản Evergrande đã biến một khu vực nông thôn ở miền nam Trung Quốc trở thành học viện bóng đá lớn nhất thế giới trị giá 185 triệu USD.


Hệ thống sân bóng đá thuộc học viện.

Hệ thống sân bóng đá thuộc học viện.

Học viện rộng 150 mẫu anh, trong khuôn viên có 50 sân bóng đá hoạt động ngày đêm. Ngoài ra còn có bể bơi, sân bóng rổ, bóng chuyền, tennis, rạp chiếu phim, phòng tập gym và hàng chục căng-tin.

Tất cả các công trình trên phục vụ 2.800 học viên (2600 nam và 200 nữ) dưới sự huấn luyện của 20 HLV đến từ Real Madrid.

Theo mô tả của hãng tin CNN, lò đào tạo đề cao kỷ luật như một trại lính. Sừng sững tọa trước cổng học viện là mô hình chiếc cúp World Cup cao hàng chục mét để nhắc nhở các học viên luôn hướng về mục tiêu vĩ đại mà chủ tịch Tập đề ra.

Ngoài giờ tập luyện, các cầu thủ được học văn hóa. Tuy nhiên những đứa trẻ này chẳng mấy hứng thú với sách vở nên chúng cũng bày đủ trò nghịch ngợm trong giờ lên lớp.

Một cuộc chơi tốn kém


Nhà điều hành rất giống trường Hogwart trong bộ phim Harry Porter.

Nhà điều hành rất giống trường Hogwart trong bộ phim Harry Porter.

Mỗi sáng thứ 7, HLV tổ chức đấu giao hữu giữa các đội thuộc học viện. Đây là hoạt động nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhiều bậc phụ huynh lặn lội xa xôi đến chứng kiến sự tiến bộ của con em.

Các gia đình gửi con cái vào học viện này đều thuộc tầng lớp “nhà có điều kiện”. Lý do bởi họ phải chi đến 60.000 nhân dân tệ mỗi năm (tương đương 9200 USD), cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc.

Trước đây, bậc cha mẹ Trung Quốc không muốn hướng con em theo nghiệp thể thao bạc bẽo. Họ định hướng con cái đến ngành y hoặc luật, nếu trót yêu thể thao thì cũng phải theo thể dục dụng cụ, cầu lông, bóng bàn hoặc bơi lội chứ không phải bóng đá.

Tuy nhiên, công cuộc tổng động viên của Tập Cận Bình đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong tư duy của người Trung Quốc.

Chặng đường chông gai

Nếu không giàu có thì phải xuất sắc. Cậu bé He Xinje thuộc số ít cầu thủ may mắn nhận học bổng của học viện. Em từ biệt gia đình ở tỉnh Phúc Kiến 4 năm trước nhằm theo đuổi giấc mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Tài năng nhí 14 tuổi thổ lộ: “Em muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đá cho Barcelona hoặc Real Madrid. Không thì chí ít cũng được gọi vào ĐTQG để chiến đấu vì niềm tự hào dân tộc.

Em cảm thấy mình rất may mắn, nếu không có học viện, chắc giờ này em phải lăn lộn đá bóng trên đường phố bụi bẩn ở quê nhà.”


“Nằm gai nếm mật” chờ ngày thành công.

“Nằm gai nếm mật” chờ ngày thành công.

HLV Sergio Zarco Diaz – người có 20 năm kinh nghiệm đào tạo trẻ ở châu Âu, đã xa gia đình và nắng gió Địa Trung Hải được 4 năm. Trong 4 năm ấy, ông tận mắt chứng kiến những bước tiến bộ vũ bão của cầu thủ nhí tại học viện.

Nhưng con đường phía trước còn dài và lắm chông gai, chủ yếu vì khoảng cách về tư duy chiến thuật và tốc độ ra quyết định trong trận đấu.

Ông Sergio nhận định: “Phần lớn các học viên nhí của học viện khó có cửa cạnh tranh ở châu Âu.

Cầu thủ châu Âu đã thực hiện ba bước cơ bản nhất của bóng đá SEE-THINK-DO (quan sát – tư duy – hành động) đến mức điêu luyện. Cầu thủ Trung Quốc mới đang ở điểm khởi đầu.”

Liệu mô hình này có thành công?

Học viện bóng đá Guangzhou Evergrande cực kỳ hoành tráng và hiện đại, lớn gấp nhiều lần những học viện hàng đầu châu Âu nhưng đôi khi điểm mạnh nhất lại trở thành điểm yếu nhất của nó.

Vì quá đắt tiền, vì tuyển chọn cực khắt khe, chỉ có một phần nhỏ gia đình đáp ứng được điều kiện tài chính, nếu không thì người tham gia tuyển mộ phải thật xuất sắc.

Sự giới hạn lựa chọn biến mô hình Guangzhou Evergrande trở thành lò đào tạo gà nòi đúng nghĩa.


Các cầu thủ nhí Trung Quốc đang được đào tạo theo hướng gà nòi chẳng khác gì ở những môn thể thao cá nhân khác.

Các cầu thủ nhí Trung Quốc đang được đào tạo theo hướng gà nòi chẳng khác gì ở những môn thể thao cá nhân khác.

Người Trung Quốc quyết tâm đào tạo những gà nòi tinh túy nhất cho mục tiêu World Cup, giống như cách làm mà họ đã thành công với các môn thể thao khác như thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh…

Nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ bóng đá là môn thể thao của tập thể, chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ. Một đám gà nòi thiện chiến chưa chắc đã tạo ra một đội bóng xuất sắc.

Trên thế giới, các quốc gia có nền bóng đá hàng đầu như Đức, Tây Ban Nha, Brazil… đều không đi theo con đường như Trung Quốc.

Họ hướng đến nền bóng đá đại chúng, phát triển mạnh bóng đá học đường, xã hội hóa bóng đá với tư duy chủ đạo “trong 50000 cầu thủ sẽ có 1 người đạt đẳng cấp thế giới”. Vận động cả quốc gia cùng chơi bóng, nhân tài sẽ tự khắc sản sinh.

Trung Quốc đã xây cho mình lối đi dựa trên những viên gạch sức mạnh kinh tế. Thế nhưng trong bối cảnh Chinese Super League tràn ngập cầu thủ ngoại, cầu thủ nội đào tạo ra liệu có chỗ đứng hay không?

Tệ hơn, những màn khủng bố thị trường chuyển nhượng bằng tiền tấn của các tỷ phú có thể chỉ là thứ ảo ảnh hoang đường. Theo nhận định của chuyên gia bóng đá Trung Quốc Rowan Simons, nhà đầu tư chỉ đơn thuần vung tiền nhằm làm hài lòng chủ tịch Tập.

Họ chẳng có tình yêu, càng không có nghĩa vụ phải nâng tầm bóng đá. Tất cả, đầu tiên và sau cùng, chỉ là cuộc chơi tốn kém.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại