Mới đây, 1 đoạn clip được gửi đến báo giới, quay lại cảnh HLV trưởng Đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia Việt Nam, thuộc Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) dùng cán chổi đánh học trò.
Trong clip, ông Hà còn dùng cách xưng hô “mày – tao” với VĐV trẻ: “Thứ Bảy mày biết mày thi đấu với ai không, nhớ không? Làm được cái gì, không làm được những gì? Nhớ không...”.
Chuyện ông Hà đánh học trò và sử dụng ngôn từ đã tạo nên những tranh luận trái chiều. Không ít người làm HLV, VĐV ở các bộ môn khác cho rằng đó là cách huấn luyện vẫn thường được sử dụng. Có những người lại cho rằng phản giáo dục.
Vậy ở bộ môn bóng đá tại Việt Nam, câu chuyện giáo dục cầu thủ trẻ như thế nào?
“Huấn luyện đội trẻ các môn, nhất là bóng đá, có 1 điều vui mà ở ngoài họ không hiểu, nó giống như 1 gia đình.
Người HLV luôn chăm sóc tất cả từ ăn, ngủ, đi lại, cách phát ngôn và cũng có những em chưa hiểu hết điều cần phải làm, có em thì ngoan, nói công bằng là thế” – HLV Lê Thụy Hải mở lời.
HLV Lê Thụy Hải chia sẻ quan điểm khi giáo dục cầu thủ mắc lỗi.
Bản thân ông Lê Thụy Hải chưa từng phải cầm cán chổi đánh học trò nào giống HLV Bùi Xuân Hà. Nhưng ông cho rằng, cách làm của ông Hà cũng là một phương pháp giáo dục VĐV trẻ, nhưng quan trọng là cách làm và cái tâm khi làm.
“Trong 1 gia đình như vậy, HLV đối xử với các em, thì lời nói (mày-tao) không nặng nề đâu. Khi người ta quá bực thì muốn nói cho bạn kia hiểu như thế là không được. Chứ không phải dùng lời lẽ như bố mẹ dạy con, mà là người thầy nhưng giống như bố mẹ.
Rồi còn phải xem ông ấy quật có thật không. Vì dụ như tôi vẫn đá đít học trò, nhưng phải biết cách.
Đó là cách giáo dục vừa đùa vui, vừa mang điều gì đó hơi hơi bực tức 1 chút, hài hòa chứ không phải nghiến răng nghiến lợi mà đánh thì không được”.
Huấn luyện viên quốc gia đánh VĐV tuyển trẻ bóng bàn
Trong làng bóng đá Việt Nam, ông Lê Thụy Hải là HLV nội thành công nhất với 3 lần vô địch V-League, đều cùng B. Bình Dương. HLV này nổi tiếng cá tính, phũ mồm và giỏi "điều trị" các cá tính trong tập thể.
Ông Lê Thụy Hải cho rằng, người ngoài nhìn vào cách làm của HLV thì sẽ thấy nặng nề. Bản thân ông nhiều lần câu chuyện chẳng có gì, nhưng cũng bị suy nghĩ to ra.
“Ở ngoài nhìn vào thì rất nặng nề. Nhưng tôi nói thế này, khi mình rèn luyện môn đối kháng có va chạm, 2 cầu thủ bực mình cãi nhau, đánh nhau, mình vào can thì đá cho mỗi thằng một phát để thôi đi, nó là hết sức bình thường.
Nhưng bên ngoài thì lại suy nghĩ nó phải thế này, thế kia, khó nói lắm.
Trong cuộc sống hàng ngày, huấn luyện rồi sống với các em, hầu hết HLV đội trẻ sống cùng, sinh hoạt cùng, chăm lo cho các em nên mới có thái độ như vậy.
Cần phải xem xét thấu đáo chứ như bạn kia là sai rồi. Quan trọng, thái độ của bạn ấy như thế nào, với thầy ra sao. Nếu bạn ấy có ngôn ngữ, thái độ không đúng đắn với thầy, thì thầy đối xử như nào là vấn đề khác”.
“Tôi muốn nói rằng về cái chung trong cuộc sống thường là như vậy, rồi cũng giải quyết được mọi vấn đề, đơn giản chứ không phức tạp đâu” – ông Lê Thụy Hải chốt lại.
HLV Phan Thanh Hùng nổi tiếng hiền lành, hòa đồng với các học trò nên rất được yêu quý.
Vốn là một HLV nổi tiếng lành tính, tình cảm, HLV Phan Thanh Hùng cùng cho rằng đôi khi trong huấn luyện thể thao, việc dùng biện pháp mạnh với học trò là bình thường.
“Trong giáo dục thể dục thì có nhiều cái, tùy lứa tuổi, chuyên nghiệp hay không sẽ có các cách sửa sai cho cầu thủ. Điều này cũng phụ thuộc cả vào quan điểm của HLV, rồi thuộc vào ý thức cầu thủ.
Cầu thủ trẻ khi mắc sai lầm thì cần để họ hiểu ra và sửa chữa sai lầm. Còn cách làm của HLV cũng chỉ luôn là để học trò hiểu ra, chứ không phải vì cảm xúc hay gì cả, chỉ là ở cách thức thôi.
HLV sẽ tùy thuộc phương pháp nào có hiệu quả để huấn luyện, giúp đỡ VĐV”.
Với cá nhân mình, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ không lại chưa từng phải dùng bất cứ biện pháp mạnh nào với cầu thủ, dù là tăng khối lượng tập luyện cũng vô cùng hạn chế.
“Chú chưa bao giờ phải đánh học trò mà luôn nói chuyện với cầu thủ. Mưa dầm thấm lâu thôi, mỗi ngày nói một chút, mình tập trung vào cầu thủ để họ nhận ra.
Điều này cần phải kiên nhẫn. Khi sửa sai cho cầu thủ thì cần quan sát, kiểm soát họ, giảng giải rõ ràng để họ thấy điều đó không đúng. Mỗi HLV có cách làm khác nhau nhưng đều phải quan sát, hiểu cầu thủ và kiên nhẫn.
Với chú thì không phạt đòn roi hay tăng tập luyện cũng rất hạn chế. Tất nhiên nó cũng còn tùy vào lỗi gì, ý thức, chuyên môn... mà ngay cả chuyên môn cũng có nhiều cách khắc phục, chứ bắt tập nặng hơn chỉ là 1 phương pháp thôi”.
Các cầu thủ tung hô HLV Phan Thanh Hùng trong một lần ông cùng Hà Nội T&T đoạt giải. HLV này mới từ chức tại CLB thủ đô.
Tất nhiên trong sự nghiệp dài hàng chục năm của mình, HLV Phan Thanh Hùng cũng gặp các trường hợp không thể thuyết phục nổi. Khi đó, ông buộc phải xử lý theo cách chuyên nghiệp.
“Rất nhiều trường hợp xảy ra, về sinh hoạt, ý thức, kể cả cãi lại HLV, rất nhiều. Nhưng thường thường các vấn đề này chú vẫn theo phương pháp nói chuyện với cầu thủ để phân tích, cho họ hiểu và sửa.
Sự kiên nhẫn là rất quan trọng, khi biết cầu thủ có lỗi mình cần quan sát để nói họ, mai nhắc lại để họ thay đổi, giải thích cho họ hiểu tốt cho họ thôi. Còn nếu không thay đổi được thì mình không tiếp tục cùng họ nữa.
Đúng là có những trường hợp không dung hòa được, khi cầu thủ với HLV không còn muốn hợp tác nữa thì sẽ đưa ra tập thể. Nếu vẫn không hợp tác thì họ sẽ mất cơ hội. Khi đó thì phải đưa họ theo hướng khác, tự họ thải loại mình ra khỏi tập thể”.