Hiện, AFF đã chính thức chốt phương án các đội tuyển dự môn bóng đá nam SEA Games 29 chỉ là U22. Với quyết định này, Thái Lan sẽ mất 1 loạt các trụ cột tài năng như Chanathip, Kasidech, Thongsong.
Lực lượng từng giúp người Thái vô địch SEA Games 28 sẽ chỉ còn lại 5 cái tên đủ tuổi chinh chiến vào năm 2017.
Đây dĩ nhiên là cơ hội tốt cho Việt Nam nghĩ đến chuyện lần đầu vô địch sân chơi thể thao danh giá nhất ĐNÁ, nhất là khi chúng ta vẫn giữ được lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường (thậm chí còn xuất sắc hơn khi đang được cho sang Nhật Bản, Hàn Quốc tu nghiệp).
Nhưng “đục nước” như vậy, không có nghĩa con cò Việt Nam sẽ chắc chắn vớ “béo bở” ở SEA Games 29.
Thái Lan vẫn luôn là ẩn số đáng sợ, và họ đã vươn tới đẳng cấp châu lục, chạm gần tới thế giới (World Cup) bằng chính sách phát triển bóng đá bền vững, dài hạn.
Bóng đá Thái Lan chẳng lúc nào không có nhân tài. Những Kiatisak qua đi, thì lại nổi lên Chanathip Songkrasin và sẽ là những cái tên khác nữa.
Bao năm qua, Việt Nam vượt được Thái Lan chỉ là nhất thời...
Mới đây thôi, đội trưởng U19 Thái Lan, Worachit Kanitsribampen được mời sang FC Tokyo (J-League 1) thử việc.
Đó là chưa kể một đội U17 Thái Lan gồm toàn các cái tên “bí mật” đang ăn tập tại CLB Leicester City, thế lực mới, tập thể đang đứng trên đỉnh Premier League với 2 điểm nhiều hơn Tottenham và phần còn lại.
Từng ấy là quá nhiều để Việt Nam vẫn phải lo lắng về U22 Thái Lan trong năm tới, nhất là khi thời gian chuẩn bị vẫn còn rất nhiều, để đội bóng áo xanh lên một kế hoạch khác, duy trì sự thống trị bóng đá ĐNÁ bất chấp thiệt hại từ luật lệ kiểu “ao làng” ở SEA Games.
Ngay cả khi giảm bớt gánh lo về Thái Lan, thì Việt Nam cũng cần hết sức thận trọng, trước các địch thủ khác ở khu vực ĐNÁ. SEA Games 28, có ai ngờ thầy trò HLV Miura đang mạnh mẽ, khí thế là vậy lại bất ngờ ngã ngựa 1-2 trước U23 Myanmar đầy toan tính, hiệu quả?
Ngược về SEA Games 2013, U23 Việt Nam thậm chí còn thê thảm hơn, bị loại ngay từ vòng bảng, khi thua Singapore 0-1 rồi Malaysia 1-2 và chỉ thắng được U23 Lào với tỷ số 5-0 đầy vô nghĩa.
Ngoài việc Thái Lan có thể sẽ bị giảm bớt sức mạnh, thì tại SEA Games 29, Việt Nam cũng không phải đụng độ Indonesia do đối thủ này đang bị FIFA cấm thi đấu.
Trong 6 kì SEA Games trước năm 2013, Việt Nam đều chạm mặt Indonesia, 5 trận ở vòng bảng.
Mỗi khi thua địch thủ này, chúng ta đều bị loại. Ở SEA Games 2013, Việt Nam nằm khác bảng Indo và bị loại sớm.
Đến SEA Games 29 vừa rồi, chúng ta có kết quả thắng Indonesia 5-0 ở trận tranh huy chương đồng.
Tuy nhiên, điều đó cũng không nói lên được gì khi bóng đá Indonesia ngày một mạnh mẽ ở ĐNÁ, cùng Malaysia, Singapore khiến Việt Nam không còn dám tự tin nhận mình ở vị trí thứ hai sau Thái Lan.
Tại SEA Games, Việt Nam đã đụng độ Malaysia 11 lần. Đoàn quân áo đỏ thắng 6, thua 5. Ở vòng bảng SEA Games 29 vừa rồi, thầy trò Miura thắng địch thủ này 5-1, cùng Thái Lan chiếm 2 suất đi tiếp.
Như thế để thấy, bóng đá khu vực ĐNÁ giờ không còn là cuộc đua riêng giữa Việt Nam với Thái Lan.
Ngay cả Lào cũng đã mạnh lên đáng kể, và Singapore, Malaysia, Myanmar hay Indonesia đều khiến Việt Nam phải e ngại mỗi khi chạm mặt.
Người Thái có thể bị ảnh hưởng vì quyết định “ao làng” do phía chủ nhà SEA Games 29 – Malaysia đề ra (ban đầu yêu cầu hạ tuổi xuống U21, nhưng phía VN đề xuất nâng lên U22).
Nhưng ở khía cạnh nào đó, nó càng làm tập thể áo xanh trở nên bí ẩn khi có các gương mặt mới lạ lẫm.
Thế nên, điều tốt nhất Việt Nam cần làm lúc này là tập trung vào phát triển sức mạnh bóng đá của chính mình, chờ vào sự trưởng thành, nỗ lực của các ngôi sao trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường để sẽ có một U22 thật sự mạnh mẽ, làm nên lịch sử cho NHM nước nhà.