HLV Hữu Thắng hẳn hiểu rõ điều này trước tấm gương của người tiền nhiệm- HLV Toshiya Miura. Sức ép lên nhà cầm quân người Nhật Bản đã ngày một tăng sau mỗi lần triệu tập các ĐTQG, trong đó ông Miura dành ít cơ hội cho cầu thủ HA.GL.
Ở đây cần sòng phẳng rằng, dù đánh giá cao tiềm năng của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…ông Miura từ đầu đến cuối cho rằng các cầu thủ HA.GL cần thêm thời gian để trưởng thành.
Điều này thể hiện rõ ở việc, ông Miura chỉ sử dụng quân số HA.GL cho các đội trẻ, và gần như không đụng đến ở cấp độ ĐTQG.
Nếu nhìn vào thành tích thi đấu của HA.GL ở V.League 2015, hoàn toàn có đủ cơ sở để cho rằng, ông Miura đã đúng.
Công Phượng, gương mặt nổi bật nhất của HA.GL, chỉ toả sáng ở trận đầu tiên trước trước một Sanna Khánh Hoà thiếu kinh nghiệm, và mất hút trong gần hết thời gian còn lại của mùa giải.
Giới chuyên môn nhiều người cũng chung quan điểm, không phải Công Phượng mà Tuấn Anh mới là cầu thủ tiến bộ nhanh nhất sau 1 mùa giải được cọ sát ở đấu trường cao nhất cấp quốc nội.
Tiền vệ người Thái Bình cho thấy sự thăng tiến nhanh chóng cả về kỹ năng và tư duy chơi bóng. Công Phượng trong khi đó gần như không có gì thay đổi về mặt lối chơi.
Phượng vẫn kỹ thuật, tốc độ, nhưng hầu như không tạo được sự đột biến do cách thi đấu rườm rà, đậm chất cá nhân.
Khi được trả về với cấp độ trẻ, trước những đối thủ ngang tầm, các cầu thủ HA.GL thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác.
Chức vô địch giải U21 quốc tế 2015 là một minh chứng, khi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…đã chơi cực hay.
Áp lực lớn đối với HLV Hữu Thắng
Nói như trên để thấy rằng, việc sử dụng cầu thủ HA.GL như thế nào là một thách thức đối với HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Ông Toshiya Miura có lẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, dù hoàn thành tất cả các mục tiêu LĐBĐVN (VFF) đặt ra, nhưng rốt cuộc vẫn phải ra đi.
Chưa bao giờ vấn đề xây dựng lối chơi “thích hợp với bóng đá Việt Nam” lại bị đẩy lên đến mức cao độ như vậy, dù các ĐTQG đã trải qua hàng loạt đời thầy ngoại.
Giới mộ điệu túc cầu Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn nhớ tới HLV H.Calisto với chức vô địch AFF cup 2008 và HCB SEA Games 2005.
Tuy nhiên hẳn ít ai nhớ rằng, ông Calisto đã đưa Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á bằng chiến thuật phòng ngự-phản công, dựa trên nền tảng là chất chiến đấu (fighting) của các cầu thủ.
“Fighting” là từ ông Calisto thường xuyên sử dụng trong các buổi tập của đội tuyển Việt Nam trước đây. Phòng ngự-phản công cũng là chiến thuật phổ biến các đội bóng thường sử dụng khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh hơn.
Thật trùng hợp khi HLV trưởng ĐTQG sắp tới, Nguyễn Hữu Thắng, lại cũng xuất thân là 1 trung vệ có lối chơi lì lợm đậm chất “thép” của SLNA.
Người ta biết rằng mỗi HLV có một triết lý bóng đá riêng, rất khó đòi hỏi sự thay đổi. VFF hẳn nhiên hiểu rõ điều này.
Không phải ngẫu nhiên như tiết lộ của một thành viên Hội đồng HLV quốc gia, ông Mai Đức Chung, VFF đã đặt điều kiện xây dựng lối chơi đẹp cho đội tuyển Việt Nam khi đàm phán ký hợp đồng với HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Trên báo chí hôm qua, cựu HLV trưởng CLB Hà Nội T&T Phan Thanh Hùng đã lên tiếng động viên Hữu Thắng khi cho rằng, cựu trung vệ xứ Nghệ đủ khả năng để biết cách sử dụng các cầu thủ HA.GL.
Đã từng dẫn dắt các ĐTQG, ông Phan Thanh Hùng đương nhiên hiểu rõ sức ép ở vị trí trên. Nếu so với thời ông Hùng cầm quân, áp lực đối với Hữu Thắng có lẽ đang lớn hơn rất nhiều.
Ít nhất, ông Hùng không chịu áp lực của việc phải sử dụng cầu thủ ở một CLB cụ thể nào, ngoại trừ những ý kiến dèm pha mỗi khi triệu tập quá đông cầu thủ của đội bóng nhà.
Trên báo chí hôm qua, cựu HLV trưởng CLB Hà Nội T&T Phan Thanh Hùng đã lên tiếng động viên Hữu Thắng khi cho rằng, cựu trung vệ xứ Nghệ đủ khả năng để biết cách sử dụng các cầu thủ HA.GL. Nhưng áp lực đối với Hữu Thắng cũng đang lớn hơn rất nhiều.