Đặc biệt vì đây có thể coi là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, có 1 cầu thủ đã đến với 1 nền bóng đá phát triển hơn bằng “cửa chính”. Sở dĩ nói như vậy là vì lần xuất ngoại đến Bồ Đào Nha trước đó của Vinh (đến Leixoes) chủ yếu là nhờ sự sắp xếp của bầu Hiển thông qua HLV Calisto. Xa hơn nữa Lê Huỳnh Đức gia nhập Lifan của Trung Quốc cũng hoàn toàn theo con đường thương mại.
Trong khi đó, chuyến đi lần này của Vinh về lý thuyết đã hội tụ đủ yếu tố của 1 cú chuyển nhượng đúng nghĩa (Consadole Sapporo phải trả phí chuyển nhượng cho SLNA, Vinh nghe đâu cũng được hưởng lương ngất ngưởng 7000 USD/tháng). Quả thực, mừng cho Vinh và cột mốc phát triển mới của bóng đá nước nhà.
Công Vinh sang Nhật, thêm một bước tiến mới cho bóng đá Việt Nam
Tuy nhiên, nếu soi xét kĩ thì cú áp phe này của Vinh dường như vẫn chưa hoàn toàn nằm ở khía cạnh thể thao. Đội bóng mới của CV9 hiện chỉ đang đứng thứ 9/22 ở giải Hạng 2 của Nhật Bản với 35 điểm sau 25 vòng đấu. Đây là một vị trí khá khiêm tốn, nhưng do J2 League áp dụng quy định đá play-off giữa các đội xếp từ thứ 3 đến thứ 6 để tìm ra xuất thứ 3 lên hạng, nên Consadole Sapporo vẫn còn cơ hội để giành quyền trở lại J-League (bị xuống hạng mùa trước).
Song với khoảng cách 5 điểm so với đội xếp thứ 6, và chỉ hơn đội thứ 15 có 4 điểm, rõ ràng để giành vé tấm vé vớt này, Consadole Sapporo sẽ phải rất nỗ lực, đồng thời cần phải được tăng cường lực lượng 1 cách đáng kể. Và Công Vinh – một tiền đạo đến từ nền bóng đá kém phát triển dĩ nhiên khó có thể coi là một sự tăng cường vũ trang cho mục tiêu thăng hạng.
Cần nhớ rằng, dù chỉ là giải hạng 2 nhưng chất lượng chuyên môn chắc chắn cũng vượt xa Việt Nam, bởi các đội sinh viên của Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn thừa sức gây khó khăn cho ĐTQG của chúng ta ở các giải giao hữu. Vậy Consadole Sapporo chiêu mộ Công Vinh để làm gì?
Câu trả lời đây phần nhiều vẫn là một chiêu PR của đội bóng Nhật Bản. CLB thành phố Hokkaido này thuộc sở hữu của Toshiba. Phải chăng Tập đoàn sản xuất đồ điện tử này muốn sử dụng CV9 để khai thác thị trường Việt Nam sau khi ngôi sao Tăng Thanh Hà – đại diện quảng cáo cho thương hiệu này đang ngày một dần xa rời showbiz và công chúng vì lí do gia đình? Thực tế, cách Consadole Sapporo kí hợp đồng với Công Vinh càng phơi bày rõ ý định làm thương hiệu của họ.
Bình thường chẳng có đội bóng nào tổ chức họp báo, kí hợp đồng và ra mắt cầu thủ mới trên quê hương của cầu thủ, tất cả đều phải diễn ra ở nơi CLB đặt trụ sở. Nhưng với Công Vinh, Consadole Sapporo sang tận Việt Nam để họp báo rình rang về bản hợp đồng mới này. Thời hạn hợp đồng của CV9 với Consadole Sapporo cũng cho thấy họ không thực sự tin tưởng tiền đạo Việt Nam. Đơn giản vì chẳng có đội bóng nào chỉ kí hợp đồng có 4 tháng với một cầu thủ mà theo họ nói đã theo dõi, đeo đuổi từ lâu.
Liệu Công Vinh có phải là "nạn nhân" của chiêu trò đánh bóng tên tuổi?
Đánh giá một cách tổng thể, có lẽ CV9 chỉ như một chiến dịch làm hình ảnh ngắn hạn khôn ngoan của CLB Nhật Bản. Với vị trí hiện tại và thực lực của mình, Consadole Sapporo sẽ rất khó để có thể thăng hạng, đồng thời cũng gần như chắc chắn đã trụ hạng. Do đó, sự có mặt của Công Vinh cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến khía cạnh chuyên môn của đội bóng này.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Công Vinh hay ai đó vẫn phải nhờ đến những yếu tố ngoài thể thao để hỗ trợ. Vì dù sao đi nữa chúng ta vẫn còn khoảng cách quá xa so với mặt bằng quốc tế. Vấn đề là mong rằng CV9 sẽ tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi ấy để khẳng định mình có giá trị về mặt chuyên môn.
Nếu không thì sẽ buộc phải hi vọng rằng trong 4 tháng tới sẽ có nhiều người vì Công Vinh mà mua tivi Toshiba (hay đồ điện tử nào đó của hãng này), để tiền đạo xứ Nghệ nói riêng và cầu thủ Việt nói chung sẽ còn tiếp tục có cơ hội mà xuất ngoại!