Gặp "cánh tay phải" của bầu Đức tại Học viện HAGL-Arsenal JMG

(Soha.vn) - Từ khi bắt đầu, ông Mau và bầu Đức đã muốn biến HAGL thành một CLB giàu truyền thống như Man United hay Real...

Người đàn ông tận tụy

bầu Đức thường xuyên bận công tác nước ngoài, Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh lại ở TP.HCM, nên mọi công to, việc lớn, cần giải quyết nhanh đều tìm tới ông Huỳnh Mau - Giám đốc điều hành HAGL.

Chẳng thế mà ngày ngày, bất kể mọi điều kiện thời tiết, kể cả mưa gió bão bùng, ông Mau đều có mặt ở phòng làm việc tại Học viện HAGL-Arsenal JMG. Khi rảnh việc, ông ra sân xem "lứa nhí" của Học viện chơi bóng làm vui. Còn khi bận, có thể ngủ qua đêm luôn ở Học viện thay vì về với gia đình ở TP.Pleiku.

Ông Mau thuộc tên mọi cầu thủ từ khóa 1 tới khóa 3 của Học viện, ân cần hỏi han những em có gia đình ở Quảng Nam, Đà Nẵng - những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 11...

 Ông Huỳnh Mau (trái) – trợ thủ đắc lực của bầu Đức.
Ông Huỳnh Mau (trái) – trợ thủ đắc lực của bầu Đức.

Chứng kiến hình ảnh một người đàn ông tận tụy với công việc, biết để ý, quan tâm tới “từng chi tiết” nhỏ nhất xung quanh, tâm tư tình cảm không chỉ của các cầu thủ, mà của cả hơn 70 nhân viên (thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng/người) làm việc tại Công ty cổ phần Thể thao HAGL là hiểu tại sao bầu Đức lại trao "ấn kiếm" cho ông Mau điều hành toàn bộ công việc ở đội 1 HAGL thi đấu V.League và Học viện HAGL-Arsenal JMG từ tháng 7.2008.

Ông Mau thuộc tuýp người ít nói về mình mà chỉ thích nói về... người khác, đặc biệt là bầu Đức với sự nể phục: "Trước tháng 7.2008, tôi là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo Sở TDTT (nay là Sở VHTTDL) Gia Lai, đồng thời quản lý sân Pleiku nên đã có nhiều dịp làm việc cùng bầu Đức. Đó là một người dám nghĩ, dám làm, quyết đoán trong mọi việc và có tầm nhìn chiến lược rất sâu"- ông Mau nhận xét.

Giá như có nhiều bầu Đức

Trong câu chuyện của mình, ông Mau tỏ ra rất tiếc vì đến lúc này, bóng đá Việt Nam (BĐVN) vẫn chỉ có 1 bầu Đức: "Làm BĐVN mà tính tới lợi nhuận hữu hình thì bầu Đức lỗ to rồi. Cho tới lúc này, vẫn chưa có ông bầu nào ở Việt Nam kiếm ra tiền trực tiếp từ bóng đá cả, mà chỉ tiêu tiền thôi. Nhưng nói tới những giá trị hữu hình, thì bầu Đức đã thắng lớn, rất lớn. Những năm qua, bầu Đức đã làm từ thiện rất nhiều nhưng ông không công bố. Chỉ tính riêng năm 2012, Tập đoàn HAGL đã đóng gần 1 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước"- ông Mau nói thêm.

Đặt câu hỏi với ông Huỳnh Mau về việc tại sao những cái lợi có thể nhìn thấy được từ những bước đi của bầu Đức rõ ràng như thế, nhưng một số ông bầu khác có đủ tiềm lực kinh tế vẫn không đi theo. Để đến lúc này, bầu Đức vẫn chỉ là "con chim đầu đàn" cô đơn, và BĐVN vẫn chưa thể phát triển cho xứng với tiềm năng của mình?

Ông Mau đáp: "Mỗi ông bầu có cách nhìn riêng về bóng đá. Có người chỉ “ăn xổi”, làm vài năm để quảng bá thương hiệu và vì một dự án nào đó ở địa phương, xong rồi thôi. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ là họ chưa có đủ niềm đam mê dành cho bóng đá với ham muốn, tham vọng muốn xây dựng một câu lạc bộ trường tồn gắn với một địa phương cụ thể như cách bầu Đức muốn. Nếu các ông bầu có tham vọng làm bóng đá thực sự lâu bền, chắc chắn họ sẽ biết cách tìm ra những địa điểm phù hợp để xây dựng học viện. Sẽ biết cách tìm đối tác phù hợp để hợp tác cũng như xây dựng bộ máy cộng sự tốt, sao cho mọi thứ vận hành trơn tru như ở Học viện HAGL-Arsenal JMG".

Ông Mau chia sẻ, trong suy nghĩ của mình, bầu Đức ao ước muốn biến HAGL trở thành một "Arsenal của Việt Nam", một đội bóng sẽ sống mãi cùng Pleiku, gắn với lớp lớp thế hệ người hâm mộ. Muốn làm được điều đó chẳng dễ dàng gì. Nếu bầu Đức cứ một mình mải miết "bay" mãi mà không có những "cánh chim" bay cùng hướng thì thật khó làm nên nổi mùa xuân: "Ước tính mỗi năm HAGL chi tất tần tật, tính cả khâu bảo dưỡng cơ sở vật chất cho bóng đá vào khoảng gần 60 tỷ đồng. Số tiền đó đâu có gì lớn nếu biết rằng Thanh Hóa từng chi 80 tỷ đồng/năm cho đội V.League. Bình Dương cũng chi 80-100 tỷ đồng/năm cho đội V.League"- ông Mau cảm thán.

Một lý do khác khiến các ông bầu khác ở Việt Nam không đủ tự tin dấn thân như bầu Đức là vì làm bóng đá vốn vô cùng phức tạp. Trong môi trường bóng đá chưa chuyên nghiệp ở Việt Nam, thì sự phức tạp còn gấp bội: "Bản thân bầu Đức từng nói quản lý 1.000 công nhân dễ hơn quản lý 11 cầu thủ trong đội bóng. Làm bóng đá rất đau đầu bởi nó như một xã hội thu nhỏ với đủ mọi thang bậc cảm xúc. Rồi cả những vấn đề liên quan tới cổ động viên, ban tổ chức giải, trọng tài...

Khi mọi thứ chuyên nghiệp rồi thì sẽ khác, còn ở Việt Nam, thật vô cùng rắc rối. Chúng tôi xây dựng được Học viện HAGL-Arsenal JMG đã khó, làm sao duy trì, phát triển trong tương lai còn khó hơn nữa nên rất cần sự ủng hộ, chung sức, cộng hưởng từ nhiều phía để tạo nên sức mạnh tập thể trên hành trình phát triển bóng đá nước nhà" - ông Mau chốt lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại