Thẻ quân nhân điện tử - Mô hình của tương lai

Anh Vũ |

Với việc bắt đầu triển khai sử dụng thẻ điện tử cá nhân thay thế các tấm thẻ hoặc huy hiệu bằng kim loại gắn trên cổ hoặc ngực áo của các quân nhân, quân đội Nga đã tiến thêm một bước lớn tới việc áp dụng các công nghệ tiên tiến cho lực lượng vũ trang. Đây cũng được coi là thiết bị mà quân đội nhiều nước trên thế giới đang hướng tới.

Thẻ điện tử cá nhân cho quân nhân (PEC) đã được Bộ Quốc phòng Nga triển khai sử dụng tại một số đơn vị thuộc quân đội nước này kể từ ngày 5/8. Ông Alexey Bocharov, Giám đốc Công ty sản xuất thẻ NPO "Angstrem”, cho biết công ty đã sản xuất 651.000 thẻ điện tử, trong đó có 89.000 sản phẩm đã được đưa vào dùng thử nghiệm trong các lực lượng vũ trang Nga. 

Bước đầu, Bộ Quốc phòng Nga sẽ triển khai ứng dụng thẻ PEC ở lực lượng quân nhu, các đơn vị quân đội, bệnh viện quân y và các cơ sở đào tạo quân sự. Cụ thể, ở giai đoạn đầu tiên sẽ có gần 500 cơ sở tham gia sử dụng PEC và đến năm 2019, hàng nghìn cơ sở cũng sẽ được tiếp cận với thiết bị mới này.

 Thẻ quân nhân điện tử - Mô hình của tương lai - Ảnh 1.

Các binh sĩ Nga trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 71 năm Ngày Chiến thắng phát xít ở Moskva, ngày 9/5/2016. Ảnh: AP

Như vậy từ nay, thay vì sử dụng những tấm thẻ quân nhân hay huy hiệu bằng kim loại đeo trên cổ hoặc ngực áo, các quân nhân Nga sẽ dần làm quen với thẻ PEC. Trước đây, những tấm thẻ quân nhân hoặc huy hiệu bằng kim loại thường chỉ có một mục đích duy nhất là xác định danh tính và cấp bậc của quân nhân. 

Trong khi đó, thẻ PEC không chỉ cho phép lưu trữ dữ liệu cá nhân, truy cập khóa điện tử, chữ ký điện tử, kiểm soát ra vào đơn vị, mà còn đáp ứng yêu cầu của thế giới hiện đại, khi mà việc quản lý quân đội cũng như chiến đấu luôn gắn liền với các hệ thống truyền dẫn bằng kỹ thuật số. 

Tại các trường quân sự, thẻ PEC thậm chí còn có tác dụng thống kê về chế độ ăn uống, sinh hoạt và học lực của học viên.

Bởi vậy có thể nói, quyết định của Bộ Quốc phòng Nga đánh dấu một bước chuyển đổi mang tính bước ngoặt trong việc áp dụng công nghệ cao vào các công việc liên quan đến từng binh sĩ. Họ hy vọng sự ra đời của thẻ PEC sẽ giúp cải thiện công tác quản lý cán bộ, hoạt động tài chính, tăng cường an ninh trong quản lý tài liệu, vũ khí và tiếp cận các cơ sở bảo mật.

Ngoài ra, như hãng tin Sputnik đã nhận định, việc áp dụng thẻ PEC trong quân đội sẽ là “bước đệm”, là bước khởi đầu để tiến tới thử nghiệm “hộ chiếu điện tử” mà tất cả công dân Nga sẽ sử dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, sử dụng thẻ PEC cũng đồng nghĩa rằng, yêu cầu về an ninh, bảo mật thông tin phải được đặt lên hàng đầu. Nếu các hacker xâm nhập được vào hệ thống dữ liệu thẻ, chúng có thể sử dụng các thông tin nhận dạng của binh sĩ để tiếp cận các hệ thống thông tin, căn cứ của quân đội. 

Cũng chính vì vậy mà tất cả thẻ PEC của quân nhân Nga đều được sản xuất bằng 100% công nghệ trong nước.

Trước Nga, quân đội Israel cũng đã công bố triển khai thẻ tròn điện tử dành cho các binh sĩ nước này. Theo tờ Times of Israel, kể từ cuối năm 2013, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã áp dụng loại thẻ cá nhân điện tử dành cho các sĩ quan, binh sĩ nhằm tăng cường an ninh. 

Thẻ này chủ yếu dùng để ra vào các đơn vị quân đội và đăng nhập vào hệ thống máy tính của IDF. Với hình dáng bên ngoài chẳng khác nào một chiếc thẻ tín dụng, thẻ cá nhân điện tử của IDF được tích hợp một chip thông minh có tác dụng xác thực an ninh và lưu trữ thông tin cá nhân của các quân nhân.

Trong khi đó, Mỹ cũng đưa vào sử dụng hệ thống RAPIDS có tính chất tương tự như thẻ PEC của quân đội Nga. 

Kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011, quân đội Mỹ đã bắt đầu xúc tiến việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ nhận dạng thông minh dành cho các sĩ quan, binh sĩ nhằm thắt chặt an ninh khi ra vào các tòa nhà, trong đó có Lầu Năm Góc và truy cập hệ thống mạng của quân đội. 

Những tấm thẻ này thậm chí còn được áp dụng cho người thân của các quân nhân hay những sĩ quan đã nghỉ hưu. Theo Reuters, thẻ cá nhân điện tử của quân đội Mỹ có mức độ bảo mật rất cao. Các hacker phải bỏ ra hàng nghìn giờ mới có thể đọc được thông tin trên thẻ, nhưng lại không thể nắm bắt được dữ liệu trên toàn mạng lưới.

Dù hiện tại vẫn là mô hình khá mới mẻ, nhưng trong tương lai không xa, thẻ quân nhân điện tử có thể sẽ phát triển rộng rãi hơn và trở thành “người bạn đồng hành” không thể thiếu của các quân nhân thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại