Thế khó của Hungary trong mối quan hệ với EU và Nga

Hải Đăng - Nho Biền |

Căng thẳng giữa Hungary và giới chức Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua đã trở nên trầm trọng hơn, do Thủ tướng nước này Viktor Orban chỉ trích chính sách của EU đối với cuộc xung đột tại Ukraine.

Thủ tướng Hungary Orban. (Ảnh: Getty Images).

Thủ tướng Hungary Orban. (Ảnh: Getty Images).

Hungary là một trong những đồng minh châu Âu cuối cùng của Nga - luôn thúc đẩy những nỗ lực cản trở các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vào Moscow. Và suốt hơn 1 thập kỷ qua, EU chưa thể thay đổi được lập trường này.

Ttrong một động thái thể hiện sự mất kiên nhẫn với Hungary, giới chức EU đã cứng rắn gây sức ép bằng một quy trình tài chính đặc biệt - đề xuất ngừng khoản trợ cấp 7,5 tỷ euro cho Hungary do lo ngại không sử dụng đúng mục đích và yêu cầu nước này cải tổ về tư pháp. Trước tình thế khó khăn hiện nay, Hungary đã buộc phải cam kết chống gian lận và tham nhũng để có thể tiếp tục nhận được tiền từ EU. Liệu tình thế này có khiến Hungary phải điều chỉnh quan hệ với Nga và cả EU?

EU quyết cứng rắn với Hungary

Có thể coi việc đề xuất ngừng trợ cấp 7,5 tỷ euro (tương đương khoảng 70% nguồn tài trợ từ EU của Hungary) là động thái thể hiện sự cứng rắn của EU đối với nước này khi áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay về tài chính trong bối cảnh kinh tế Hungary đang chạm mốc lạm phát kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Biện pháp này được quan chức EU kỳ vọng sẽ buộc chính phủ Hungary phải thay đổi quan điểm đối nghịch với EU kéo dài suốt hàng chục năm qua về các vấn đề chung của khối. Nguyên nhân dẫn tới sự mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên đã tồn tại qua nhiều năm trước và tới nay vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.

Trước hết, sự chỉ trích liên tục đối với Hungary kể từ năm 2018 khi các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) lần đầu tiên kích hoạt Điều 7 chống lại Hungary vì cho rằng nước này làm ảnh hưởng đến các giá trị dân chủ. Về lý thuyết, cơ chế này có thể dẫn đến việc Hungary mất quyền bỏ phiếu trong Hội đồng EU. Trong cách tiếp cận nhằm làm giảm uy tín của Hungary, MEP đã liệt kê một số lĩnh vực đáng lưu ý, bao gồm hệ thống hiến pháp và bầu cử của nước này, tính độc lập của cơ quan tư pháp, tham nhũng và xung đột lợi ích, tự do ngôn luận và đa nguyên truyền thông.

Từ đó tới nay, Liên minh châu Âu (EU) luôn coi Hungary không còn là nền dân chủ toàn diện. Quan điểm này được nêu rõ trong một báo cáo vừa qua khi cho rằng Hungary đã "vi phạm nghiêm trọng" các chuẩn mực dân chủ của EU và được Nghị viện châu Âu thông qua với 433 phiếu ủng hộ và 123 phiếu phản đối. Gần đây, chính phủ Hungary cũng đối mặt với nhiều cáo buộc của Ủy ban châu Âu về vi phạm các nguyên tắc pháp quyền cũng như có những quy định không phù hợp với đối tượng trong cộng đồng LGBT và phụ nữ. Theo Ủy viên Ủy ban Ngân sách EU Johannes Hahn, việc vi phạm nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng và quản lý các nguồn quỹ hỗ trợ của EU. Nghị viện châu Âu cũng coi những động thái của chính phủ Hungary thời gian qua là có chủ ý và có hệ thống nhằm làm suy yếu các giá trị và yêu cầu của châu Âu.

Đặc biệt, Ủy ban châu Âu bày tỏ lo ngại chính phủ Hungary sẽ sử dụng không đúng mục đích các khoản trợ cấp ngân sách của Liên minh châu Âu. Đại diện Ủy ban ngân sách EU, ông Johannes Hahn cũng khẳng định không thể chắc chắn việc sử dụng ngân sách này sẽ được đảm bảo phù hợp. Trong ghi chú của mình, ông đã trích dẫn những điểm bất thường, thiếu sót và yếu kém mang tính hệ thống trong các thủ tục mua sắm công; tỷ lệ cao của các thủ tục đấu thầu đơn lẻ và cường độ cạnh tranh thấp; chính phủ che giấu về việc phát hiện, ngăn chặn và sửa chữa các xung đột lợi ích khi xảy ra, cũng như hạn chế việc điều tra, truy tố hiệu quả các hoạt động vi phạm bị cáo buộc. Ngoài ra, các phản ứng của chính phủ Hungary đối với những lo ngại của EU liên quan đến độc lập tư pháp ở nước này là không đủ và Hungary cũng không cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của EU.

Các biện pháp của EU đã đủ mạnh?

Hiện tại Hungary đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Theo công bố mới đây của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát của khu vực đồng euro là 9,1% vào tháng 8/2022; tỷ lệ lạm phát của Hungary (18,6%) thuộc top cao nhất EU chỉ sau Estonia và Latvia lần lượt ở mức 25,2% và 21,4%. Mặt khác, việc Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết Hungary đã vi phạm các chuẩn mực dân chủ của EU với đa số phiếu cũng đã làm gia tăng sức ép với Liên minh châu Âu trong việc cắt giảm hoặc đóng băng việc giải ngân các khoản ngân sách của EU phân bổ cho Hungary trong thời điểm 2021-2027.

Như vậy có thể thấy, đứng trước thách thức từ khủng hoảng năng lượng và bất ổn kinh tế, đối mặt với sự cô lập và các biện pháp trừng phạt từ EU, Hungary sẽ buộc phải có những động thái mềm mỏng hơn nhằm xoa dịu và tiếp tục tiếp cận các gói viện trợ từ khối để phục hồi nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Việc cải thiện mối quan hệ với EU trong bối cảnh hiện tại và tiếp cận nguồn quỹ trợ cấp của Liên minh châu Âu sẽ là ưu tiên của chính phủ thủ tướng Orban vào thời điểm này.

Tuy nhiên, để hoàn toàn thuận theo đường lối chính sách của EU trong thời gian tới thì khó có thể xảy ra. Bởi sẽ không thể thay đổi quan điểm của một chính phủ cầm quyền trong nhiều năm của Thủ tướng Orban trong một sớm một chiều. Việc thông qua các thay đổi về luật được trình với quốc hội Hungary để đảm bảo yêu cầu EU sẽ khá khó khăn, khi trước đó, Quốc hội Hungary vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban theo đuổi tầm nhìn của quốc gia này về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) đề xuất những thay đổi đối với EU hiện nay, bao gồm xây dựng quân đội và trao quyền lớn hơn cho các quốc gia thành viên cũng như chỉ trích các biện pháp trừng phạt "thiếu cân nhắc” của EU đối với Nga.

Mới đây thôi, ngoại trưởng Hungary vẫn lên tiếng ngăn các quan chức EU tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga và cho rằng những động thái đó chỉ tiếp tục làm tổn thương các thành viên của khối. Sâu xa hơn nữa, nước này có mối quan hệ đặc biệt với Moscow cũng như chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, do đó để có thể thay đổi quan điểm và khiến cho nước này ủng hộ các chính sách mạnh tay hơn của EU nhắm vào Nga sẽ là điều khó xảy ra.

Giải pháp của Hungary để cân bằng giữa Nga và EU

Hình phạt tài chính nhắm vào Hungary được coi là một trong những dấu hiệu rất rõ cho thấy những căng thẳng và chia rẽ trong nội bộ EU, đặc biệt trong bối cảnh khối này đang phải ở thời điểm vô cùng khó khăn khi các nền kinh tế đang rơi vào lạm phát và khủng hoảng năng lượng đặc biệt là ở các quốc gia Trung – Đông Âu. Việc cần có động thái thay đổi phù hợp để cân bằng mối quan hệ với EU trong thời gian tới cũng là thách thức đối với chính phủ của Thủ tướng Orban trên cơ sở vẫn phải giữ mối quan hệ nồng ấm với Nga trong nhiều năm qua.

Trước mắt, với các biện pháp cứng rắn từ EU, nước này sẽ buộc phải có những điều chỉnh pháp lý trước ngày 19/11 theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu cũng như phải đảm bảo một số cam kết chống tham nhũng, kiểm soát thủ tục mua sắm công của các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của EU và có biện pháp can thiệp khi xảy ra các trường hợp gian lận, xung đột lợi ích… Ngoài ra, nước này cũng cần có những sửa đổi về luật pháp liên quan tới các chuẩn mực dân chủ của EU, các vấn đề pháp quyền để cải thiện góc nhìn không mấy tốt đẹp từ trước tới nay với Liên minh châu Âu. Qua đó, sẽ là tiền đề giúp nước này tiến hành các cuộc đàm phán tới đây để tiếp tục nhận được nguồn hỗ trợ tài chính từ EU.

Trong một tuyên bố đầu tuần trước, Thủ tướng Orban cho biết Hungary sẽ không tán thành các đề xuất vấn đề di cư mới với mục tiêu là đưa Hungary trở thành quốc gia an toàn nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, với tình thế hiện nay, việc nhượng bộ, điều chỉnh trong các quy định hiện hành để phù hợp với đề xuất của khối về người di cư có thể được tính đến trong thời gian tới để cải thiện mối quan hệ với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Liên quan đến các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, sẽ rất khó để Hungary có thể thay đổi cách tiếp cận với Moscow, cũng như ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga, có chăng Hungary sẽ có những ủng hộ ở mức độ phù hợp nhất với điều kiện không làm xấu đi mối quan hệ giữa Hungary - Nga. Bởi lẽ, Hungary đã thể hiện rất rõ lập trường không ủng hộ các biện pháp trừng phạt này và có một số quan điểm đi ngược lại tầng lớp tinh hoa của EU trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Ukraine trong dài hạn. Thủ tướng Orban cũng cho rằng, EU cần thay đổi các chính sách trừng phạt của mình để nó được xây dựng trên nền tảng hợp lý hơn. EU cần phải xem xét thực tế từ nhiều góc độ gồm vị trí địa lý, lợi ích kinh tế và lịch sử chính trị. Ông cho rằng, những biện pháp trừng phạt này đang khiến cho các nước châu Âu chịu những tác động vô cùng nghiêm trọng về kinh tế và có thể làm xói mòn các giá trị, thành tựu của châu Âu trong hàng chục năm qua./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại