Nhiều nhà máy châu Âu buộc phải đóng cửa
Theo The New York Times (NYT-Mỹ), trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay, hóa đơn năng lượng tăng vọt đã buộc nhiều nhà máy ở châu Âu phải tắt điện và ngừng sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp hoặc phải đổi sang sử dụng nhiên liệu giá thấp nhưng gây ô nhiễm như như dầu diesel, hoặc đóng cửa các dây chuyền sản xuất, hoặc sa thải nhân viên vì họ không đủ khả năng chi trả các hóa đơn điện và khí đốt cao.
Tình hình này không chỉ là trường hợp cá biệt ở một số ít doanh nghiệp mà là hiện tượng chung. Giá năng lượng cao hiện nay thực sự đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống công nghiệp châu Âu. Lĩnh vực sản xuất sản phẩm thủy tinh, sản xuất kim loại màu, sản xuất đồ dùng thiết yếu hàng ngày... những lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống của người dân đều bị ảnh hưởng, ngay cả Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng không tránh khỏi.
Báo Mỹ nói rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng này là "tác dụng ngược" của các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga. Đặc biệt, hợp đồng năng lượng giá rẻ của nhiều công ty sắp hết hạn và sẽ sớm được gia hạn với mức giá cao như hiện nay. Hiện tại, giá khí đốt tự nhiên ở Đức và Pháp đã đạt mức cao kỷ lục 230 euro/MWh, và giá điện trong năm tới sẽ vào khoảng 1.000 euro/MWh.
"Đối với ngành công nghiệp [châu Âu], một cơn ác mộng nghiêm trọng đang trở thành sự thật!", một giám đốc điều hành ngành thép của Anh chia sẻ khi Nga thông báo rằng sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt vào đầu tháng 9.
Tập đoàn ARC International là nhà sản xuất đồ sứ thủy tinh hàng đầu thế giới. Trong những năm qua, nhờ nguồn năng lượng rẻ, công ty bật lò nung, bổ sung thiết bị máy móc để sản xuất hàng nghìn ly rượu và đồ sứ tinh xảo, được bán trên khắp thế giới. Đồng thời, công ty cũng cung cấp nguồn việc làm quan trọng cho người lao động ở miền Bắc nước Pháp.
Tuy nhiên, với thông báo ngừng vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1, quyết định này đã tạo ra những rủi ro mới trong ngành cho tập đoàn. Giám đốc điều hành của ARC International, Nicholas Hodler cho biết, trong vòng hai tháng qua, công ty đã phải 6 lần sửa báo cáo dự toán.
Nicholas Hodler, Giám đốc điều hành của Arc International cho biết năng lượng tăng giá khiến công ty gặp khó khăn. Ảnh: NYT
Để tiết kiệm chi phí, công ty đã cắt giảm 1/3 số nhân viên, tương ứng 4.500 người mất việc, đóng cửa bốn trong số chín lò nung; còn những lò nung chưa đóng cửa sẽ được chuyển từ khí đốt tự nhiên sang dầu diesel.
"Đây là tình huống đột ngột nhất mà chúng tôi từng gặp phải", ông Hodler nói với NYT. "Điều này rất nghiêm trọng đối với một doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như của chúng tôi".
"Đóng cửa lò nung là một tin xấu", một công nhân 28 tuổi làm việc tại công ty cho biết, năng lượng tăng giá ảnh hưởng đến sản xuất với tốc độ nhanh chóng.
Nga nói châu Âu nên đưa Nord Stream 2 vào hoạt động
Tình hình hiện tại đã làm xáo trộn tâm trạng cư dân của vùng Arc-en-Barrois của Pháp, địa phương nổi tiếng với ngành sản xuất thủy tinh trong hơn một thế kỷ. Ngày nay, khi hoạt động của ARC International mở rộng, gián tiếp tạo ra khoảng 15.000 việc làm tại địa phương.
Mức tiêu thụ năng lượng của ARC International tương đương 200.000 hộ gia đình. Để sản xuất nhiều loại bộ đồ ăn và giúp các thương hiệu lớn sản xuất các sản phẩm thủy tinh, công suất của nhà máy phải đạt 24/24 giờ. Nhưng hiện nay, hóa đơn năng lượng của ARC International đã tăng vọt lên 75 triệu euro từ 19 triệu euro một năm trước do tình trạng thiếu điện ở châu Âu vào mùa hè này.
Trong khi, người tiêu dùng bình thường cũng lo lắng về hóa đơn năng lượng của họ trong mùa đông này, vì vậy nhiều người đang trì hoãn việc mua các mặt hàng không thiết yếu như máy giặt, khiến ARC International thiết kế cửa kính cho những chiếc máy giặt đó không đạt lợi nhuận khi đơn đặt hàng giảm mạnh. Cộng với việc mở rộng hoạt động quá mức trước đây và ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay công ty đối mặt với nhiều khó khăn.
Trên thực tế, không riêng gì ARC International, giá năng lượng cao hiện nay đang tác động mạnh vào hệ thống công nghiệp châu Âu, buộc các nhà máy phải nhanh chóng giảm sản lượng và cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên. Mặc dù các khoản cắt giảm được cho là tạm thời, nhưng chúng làm tăng nguy cơ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế. Sản xuất công nghiệp trong khu vực đồng euro đã giảm 2,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Châu Âu, ngành sản xuất nhôm và kẽm của châu Âu cũng gặp khó khăn. Các nhà sản xuất kim loại, giấy, phân bón và các sản phẩm khác đã tuyên bố thắt lưng buộc bụng khi hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, đã ngừng hoạt động các lò luyện thép lớn nhất ở Đức; nhà sản xuất nhôm Alcoa đã cắt giảm 1/3 sản lượng từ nhà máy luyện nhôm ở Na Uy. Tại Hà Lan, nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới Nyrstar cũng đang tạm ngừng sản xuất cho đến khi có thông báo mới .
Ngay cả lĩnh vực sản xuất giấy vệ sinh cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Tại Đức, một trong những nhà sản xuất giấy vệ sinh lớn nhất Hakle đã tuyên bố phá sản do "khủng hoảng năng lượng lịch sử".
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen đề xuất sẽ bù đắp cú sốc hiện tại bằng cách hạn chế doanh thu từ máy phát điện giá rẻ và gây áp lực buộc các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chia sẻ lợi nhuận từ việc giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, giải pháp này có thể không đủ kịp thời, khi chi phí năng lượng tăng vọt ngoài tầm với của nhiều nhà sản xuất.
Nhật báo Phố Wall hồi đầu tháng cũng cho rằng, nếu thiếu hụt năng lượng vào mùa đông, các chính phủ châu Âu có thể thực hiện chia "khẩu phần năng lượng" nhưng trước tình cảnh giá năng lượng tăng vọt, các lĩnh vực công nghiệp sẽ phải đối mặt với tác động rất lớn.
Vào ngày 16/9, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, nếu EU tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng Nga, kết quả có thể là Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt tự nhiên cho châu Âu, dẫn tới châu Âu sẽ không có khí đốt, người dân sẽ lạnh cóng.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu muốn có thêm khí đốt, EU cần khởi động Nord Stream 2.
Ông Putin nói: "Điểm quan trọng là, nếu quá khó khăn, châu Âu chỉ cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2, đường ống vận chuyển 55 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm. Chỉ cần nhấn nút và mọi thứ sẽ bắt đầu".