Hungary có thể mất 7,5 tỷ USD
Hãng tin RT (Nga) đưa tin, Ủy ban châu Âu hôm 18/9 đề xuất giữ lại 7,5 tỷ USD trong quỹ phân bổ cho Hungary, do lo ngại về tham nhũng. Theo Ủy viên Ngân sách Johannes Hahn, việc đình chỉ nhằm bảo vệ ngân sách của khối.
"Quyết định hôm nay là một minh chứng rõ ràng về quyết tâm của Ủy ban trong việc bảo vệ ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) và sử dụng tất cả các công cụ theo ý của chúng tôi để đảm bảo mục tiêu quan trọng này", ông Hahn nói. Số tiền này vốn đến từ quỹ chung, được cấp cho Hungary, nhằm giúp các nước EU đưa nền kinh tế của họ theo tiêu chuẩn của khối.
Nếu được thông qua, việc cắt giảm viện trợ sẽ là biện pháp trừng phạt tài chính đầu tiên theo cơ chế pháp quyền của EU, cho phép Brussels có quyền áp dụng các hình phạt tài chính đối với các quốc gia thành viên nếu hành động của họ bị coi là vi phạm các giá trị của EU. Brussels đã kích hoạt thủ tục chưa từng có trước đó nhằm vào Hungary vào tháng 4 năm nay.
Theo ông Hahn, Budapest kể từ đó đã công bố một số biện pháp để giải quyết các vấn đề. Ví dụ, chính phủ Hungary gần đây cho biết họ có kế hoạch thành lập một cơ quan chống tham nhũng để giám sát việc chi tiêu các quỹ của EU vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, ông Hahn cho biết thời hạn để Hungary thực hiện các biện pháp cần thiết là "rất chặt chẽ".
Ông nói: "Rủi ro đối với ngân sách ở giai đoạn này vẫn còn, do đó chúng tôi không thể kết luận rằng ngân sách của EU được bảo vệ đầy đủ" .
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters
Hungary đối mặt với ngày phán xét của EU
Hội đồng EU hiện có một tháng để quyết định có thông qua đề xuất của Ủy ban hay không. Hungary sau đó sẽ có một tháng để trả lời hoặc yêu cầu gia hạn, có nghĩa là Ủy ban có thể đóng băng tiền sớm nhất vào ngày 19/11. Trong khi đó, Hungary cho biết họ sẽ sẵn sàng triển khai hầu hết các biện pháp "khắc phục hậu quả" trước thời hạn đó, với dự kiến chính phủ sẽ đề xuất một gói luật chống tham nhũng vào tuần tới.
Theo tờ Euronews (châu Âu), động thái phán xét khiến Hungary tiêu tốn hàng tỷ euro tiền tài trợ từ EU có thể làm tê liệt nền kinh tế vốn đã chững lại của nước này.
Xung đột giữa Hungary, một trong những nước hưởng lợi ròng lớn nhất của khối, và EU đã gia tăng đều đặn kể từ khi Thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền vào năm 2010.
"Tôi thấy điều đó thật buồn cười", ông Orban nói trong chuyến thăm đến Belgrade, thủ đô của Serbia. "Đây là lần thứ ba hoặc thứ tư họ thông qua nghị quyết lên án Hungary tại Nghị viện châu Âu. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng đó là một điều quan trọng. Nhưng bây giờ chúng tôi coi đó như một trò đùa".
Trong khi đó, ông Gergely Gulyas, Chánh văn phòng của Thủ tướng Orban, nói với các phóng viên rằng, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu trong vòng vài ngày về các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc, bao gồm một cơ quan chống tham nhũng độc lập và giám sát chặt chẽ hơn cách chi tiêu ngân quỹ của EU.
Căng thẳng giữa Budapest và Brussels trầm trọng hơn do Hungary nhiều lần chỉ trích chính sách của EU đối với xung đột Ukraine. Nền kinh tế Hungary hiện đang trải qua mức lạm phát cao nhất trong gần 25 năm, trong khi đồng tiền của nước này gần đây đạt mức thấp kỷ lục so với đồng euro và đô la.