Thế hệ 35 tuổi đã bị coi là già ở Trung Quốc: Nỗi lo bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh

Nguyễn Phượng |

Với một số lao động Trung Quốc, tuổi 35 không khác gì lời nguyền. Bởi đây là dấu mốc báo động tương lai của họ rất có thể sẽ mịt mờ vì mất việc.

Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng trở nên khốc liệt và khan hiếm hơn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quảng cáo tuyển dụng ở Trung Quốc hiện nay đặt giới hạn độ tuổi ứng viên là 35, khiến không ít người cập kề ngưỡng tuổi trung niên cảm thấy không chắc chắn về tương lai của họ.

Janice Chen từng là nhân viên tại một công ty đa quốc gia ở Thượng Hải và đến mùa Hè năm 2020, cô bị cho nghỉ việc do khó khăn kinh tế bắt nguồn từ dịch COVID-19. Sau hơn một năm tìm việc, Janice Chen (40 tuổi) không tìm được việc mới. Cách đây vài tháng, cô được nhận vào làm tại một doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ hơn công ty cũ.

Janice Chen nói rằng một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình tuyển dụng chính là tuổi tác của bản thân.

Thế hệ 35 tuổi đã bị coi là già ở Trung Quốc: Nỗi lo bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh - Ảnh 1.

Số người lao động mất việc làm tăng cao trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh: clb.org.hk

Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Janice Chen nói: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng sẽ không dễ dàng nhưng tôi cho rằng mình có kinh nghiệm nên sẽ không quá khó khăn khi tìm việc. Nhưng tôi đã sai. Trong một số cuộc phỏng vấn, tôi luôn nhận được cùng câu hỏi là tại sao không lựa chọn làm bà nội trợ ở độ tuổi này".

The Paper đưa tin, Wu Hao vừa bước sang tuổi 30 và phải đi tìm việc trở lại sau nửa năm khởi nghiệp thất bại.

"Vẫn không có tin tức gì. Trước tiên, tôi cần cúi xuống để nhìn nhận và giải quyết các vấn đề trước mắt, ví dụ như khoản nợ thế chấp 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Tôi một lần nữa gia nhập lực lượng nhân viên làm thuê như trước đây mình đã từng", anh thất vọng nói.

Ở tuổi 30, anh đã cạn tiền tiết kiệm sau lần khởi nghiệp không thành. Cuộc sống không cho anh tiếp tục đánh cược với tương lai của mình.

Wu Hao từng là giám đốc kinh doanh của một công ty thương mại điện tử hàng đầu. Trong tình thế bình thường, anh sẽ không thiếu việc để làm. Tuy nhiên, ở thời điểm tốc độ tăng trưởng của các công ty đang chững lại và nhu cầu tuyển dụng giảm xuống, anh gặp nhiều khó khăn khi tìm việc.

Độ tuổi nghỉ hưu chính thức tại Trung Quốc là 60 đối với nam giới, 55 tuổi với nữ giới làm công việc nhân viên văn phòng và 50 tuổi với nữ giới làm việc lao động tay chân. Mức tuổi về hưu này được coi là khá sớm so với các nền kinh tế lớn khác.

Mặc dù người có tuổi được khuyến khích tiếp tục tham gia lực lượng lao động nhưng nhiều thông báo tuyển dụng tại các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều cho biết không tuyển người trên 35 tuổi. Theo chính sách tuyển dụng chính thức của chính phủ Trung Quốc, ứng viên muốn thi tuyển công chức phải dưới 35 tuổi.

Thế hệ 35 tuổi đã bị coi là già ở Trung Quốc: Nỗi lo bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh - Ảnh 2.

Nhiều người ở ngưỡng tuổi 30 lo sợ sẽ không thể tìm được công việc mới nếu rời khỏi công ty hiện tại - Ảnh minh hoạ

Theo bà Jennifer Feng, phụ trách nhân sự tại công ty tìm kiếm việc hàng đầu Trung Quốc: "Phải thừa nhận rằng trong đại dịch, nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có kỹ năng về công nghệ thông tin hơn, do vậy lao động trẻ được ưa chuộng. Những năm qua, hầu hết lao động nghỉ việc tại các công ty công nghệ thông tin lớn là người có tuổi. Nhà tuyển dụng thường sẵn sàng tuyển những lao động trẻ am hiểu công nghệ cao với tiền lương thấp hơn và có nhiều tiềm năng".

Tâm lý lo sợ của nhân viên bắt đầu bùng nổ vào cuối năm 2021, khi hàng loạt ông lớn công nghệ như ByteDance, Kuaishou, Xiaomi, Didi, Meituan... đều thu hẹp quy mô và sa thải nhân sự hàng loạt.

Cuộc sống của nhiều nhân viên tại các công ty công nghệ hàng đầu bắt đầu bị đảo lộn sau quá trình thanh lọc bộ máy. Ở thời kỳ suy tàn, không ai dám chắc mình sẽ là "kẻ sống sót" và nhất định được giữ lại. Nhiều nhân viên ngơ ngác và hoang mang khi bất ngờ bị sa thải.

Chưa hết, các công ty lớn còn hủy bỏ nhiều khoản phúc lợi khiến nhân viên lao đao. Một nhân viên của ByteDance chia sẻ, anh phải hủy kế hoạch chuyển sang căn hộ lớn hơn, tiếp tục sống trong phòng trọ chưa đến 10m2 với giá 1.900 tệ/tháng.

"Để tiết kiệm phí đi lại hàng ngày, tôi chuyển từ xe buýt sang đi xe đạp thuê chung. Tôi sẽ đăng ký tăng ca đến 22h rồi bắt taxi về nhà, công ty sẽ hoàn lại số tiền này cho tôi", người này nói.

Một nhân viên công nghệ khác của Orange Heart Preferred cũng đã nghỉ việc được 4 tháng và đang tính đến chuyện đổi ngành nghề. Dù chỉ mới ngoài 30 tuổi, anh không đủ tự tin khi tiếp tục trong lĩnh vực này vì với ngành Internet, nhân sự 35 tuổi đã bị coi là già.

Sunny Dong, giám đốc tuyển dụng tại một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết nhiều công việc ở Trung Quốc đặt giới hạn tuổi là 35 nhưng trong một số trường hợp, yêu cầu không quá nghiêm ngặt.

"Tôi có những người bạn là nhà tuyển dụng, họ không muốn ứng viên trên 35 tuổi... nhưng nếu bạn giới thiệu cho họ một ứng viên tốt, có quan hệ rộng tại các trường quốc tế vào vị trí tiếp thị chẳng hạn, họ sẽ vẫn nhận. Vì thế, nó không phải là tuyệt đối", Dong cho hay. "Tất nhiên, có rất nhiều người thất nghiệp trên 35 tuổi. Tôi có vô số hồ sơ ở đây, toàn người sinh năm 1980, 1981, thậm chí một số người còn có thẻ xanh ở Anh, nhưng họ không thể tìm được việc ở cả Anh lẫn Trung Quốc".

Một đại biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), bà Jiang Shengnan đã đưa ra ý kiến rằng bước đầu tiên để giảm phân biệt tuổi tác là loại bỏ giới hạn độ tuổi trong tuyển dụng công chức. Bà Jiang Shengnan đề xuất: "35 tuổi là độ tuổi vàng với nhiều nhân viên. Việc loại bỏ giới hạn tuổi tác trong tuyển dụng công chức sẽ gửi thông điệp đến các doanh nghiệp và cá nhân rằng phân biệt tuổi tác không nên tồn tại ở nơi làm việc. Điều này sẽ tác động đến tâm lý của người dân cũng như lựa chọn hôn nhân, sinh con và về hưu".

Giáo sư Zheng Bingwen tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm: "Không nên áp đặt giới hạn độ tuổi, đặc biệt là trong cơ quan chính phủ. Chính phủ nên đi đầu trong việc thay đổi nhận thức của xã hội".

Hiện Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học khi số người bước đến độ tuổi về hưu ngày càng nhiều trong khi tỉ lệ sinh trên toàn quốc lại giảm mạnh. Độ tuổi trung bình của người lao động Trung Quốc (nhóm từ 15-59 tuổi) trong năm 2019 là 38,8 tuổi trong khi vào năm 1985 con số này là 32,8 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại