Vì sao Nhật nhượng bộ Đài Loan ở Biển Hoa Ðông?

Nhật Bản vừa dành cho Đài Loan một sự nhượng bộ hiếm có về biển đảo, điều mà giới phân tích cho là nhằm "thêm bạn, bớt thù".

Tàu đánh cá của ngư dân Đài Loan.

Nhượng bộ này nhận được sự hoan nghênh ở Đài Bắc và vấp phải sự cảnh báo từ Bắc Kinh.

Đài Loan đã điều đình với Nhật Bản từ năm 1996 để đòi nới rộng quyền đánh cá trong vùng biển gần quần đảo Senkaku mà hai nước này và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Theo VOA, cuộc đàm phán đã đạt được một sự đột phá vào ngày 10/4, khi Nhật Bản đồng ý để cho tàu đánh cá Đài Loan tự do hoạt động trong một khu vực có diện tích hơn 4.500 km2 ở vùng biển có tranh chấp.

Sự nhượng bộ này không ảnh hưởng tới quyền kiểm soát trong 40 năm qua của Nhật Bản đối với vùng biển Senkaku có 8 hòn đảo không người.

Trung Quốc đã phái máy bay và tàu bè đến vùng biển Senkaku/Điếu Ngư để tiến hành điều mà họ gọi là những cuộc “tuần tra thường lệ” kể từ năm ngoái, khi Nhật Bản mua lại một số đảo ở đây từ sở hữu của một gia đình người Nhật.

Giáo sư chính trị Nathan Liu của Đại học Minh Truyền ở Đài Bắc nhận định  rằng Nhật Bản sợ Đài Loan bắt tay với Trung Quốc. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Nhật Bản đã nhượng bộ vì những việc xảy ra năm ngoái, vì vụ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku và vì Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn. Nhật Bản cảm thấy lo ngại về việc Đài Loan có thể hợp tác với Trung Quốc. Đó chính là lý do khiến cho họ phải nhượng bộ chút đỉnh”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi  thúc giục Nhật Bản tuân thủ cam kết chỉ thừa nhận “một nước Trung Hoa” và hãy có thái độ thận trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan và ngăn không cho 170 nước có bang giao với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, không được có những hành động mang ý nghĩa thừa nhận Đài Loan là một quốc gia.

Quan hệ Đài Loan-Trung Quốc đã được cải thiện từ năm 2008, nhưng các giới chức ở Đài Bắc nói rằng họ không hợp tác với Trung Quốc trong vụ tranh chấp chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà họ gọi là Điếu Ngư Đài.

Nhật Bản, là nước có nền kinh tế lớn hàng thứ ba trên thế giới, đã có xích mích với Trung Quốc về nhiều vấn đề chính trị và lịch sử. Trong khi đó, Tokyo xem Đài Loan là một đồng minh không chính thức, đặc biệt là trong những vụ tranh chấp kịch liệt với Trung Quốc.

Sự đột phá trong cuộc điều đình về quyền đánh cá đã nhận được sự tán thưởng ở Đài Loan, nơi mà Tổng thống Mã Anh Cửu đã bị một số người chỉ trích là không chú trọng tới lãnh vực ngoại giao.

Bà Anna Kao, phát ngôn viên Ngoại giao Đài Loan, cho biết thỏa thuận ngư nghiệp này là thành quả của những nỗ lực của Đài Loan nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Bà Kao nói rằng Đài Loan đã cố gắng cải thiện quan hệ với Nhật Bản và nhờ vào đó mà đôi bên mới đạt được sự đồng thuận về quyền đánh cá.

Các tàu đánh cá của Đài Loan xưa nay vẫn hoạt động trong vùng biển có tranh chấp nằm cách Đài Bắc khoảng 220 km mét về hướng Đông, nhưng họ thường bị các tàu tuần duyên Nhật xua đuổi.

Truyền thông Đài Loan cho biết những người trong ngành công nghiệp đánh bắt hải sản của vùng lãnh thổ này rất vui mừng khi nghe tin về thỏa thuận đạt được với Nhật Bản. Mỗi năm có khoảng 800 chiếc tàu của Đài Loan đến đánh bắt cá ở vùng biển có tranh chấp này.

 

theo Theo Kiến Thức

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên