Diễn biến tâm lý 'bất thường' của Kim Jong-un

Chỉ trong vòng hơn một năm lên cầm quyền, lãnh đạo trẻ Triều Tiên liên tục khiến cả thế giới trải qua hết nỗi bàng hoàng này tới mối quan ngại khác.

 

Giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang đỉnh điểm, giới quan sát quốc tế cố đoán ý định và động thái tiếp theo của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Tất cả những động thái trên khiến giới phân tích phương Tây “vò đầu bứt tai” dự đoán tâm ý của nhà lãnh đạo trẻ tuổi bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có khả năng thổi bùng lên đám cháy lớn, nhấn chìm khu vực trong chảo lửa chiến tranh .

Có 2 câu hỏi đang khiến giới phân tích đau đầu nhất. Một là, hành vi của lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên chỉ là nhất thời, bộc phát hay có tổ chức và chứa nhiều toan tính?

Hai là, liệu ông Kim có đủ quyền và lực để “chèo lái” một đất nước vốn bị các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây làm cho kiệt quệ và bị cô lập nhất thế giới.

Bàn về vấn đề trên, Christopher Hill, một nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, sự khiêu khích đến từ hàng loạt lời dọa nạt gay gắt, quyết liệt của Triều Tiên không nên bị xem thường. “Theo tôi, ông Kim đang cố gắng xây dựng hình tượng một nhà lãnh đạo thời chiến”, ông Hill nhấn mạnh.

Giới quan sát phương Tây cũng cho rằng, loạt lời lẽ và hành vi khiêu khích những tuần qua của Triều Tiên nằm trong nỗ lực củng cố và tăng cường vị thế cho ông Kim Jong-un .

“Ông Kim Jong-un dường như nhận ra rằng, ông không chỉ đối phó với giới lãnh đạo quân sự đa nghi mà còn phải chứng tỏ bản thân mình với người dân trong nước khi mà ở Triều Tiên, người ta sẽ ưu tiên các mối đe dọa đến từ 'các đế quốc nước ngoài' hơn là những lời hứa hẹn về sự thịnh vượng và sung túc”, giới quan sát bình luận.

“Vì vậy, chiến lược hoàn hảo chính là tiến hành một vụ thử hạt nhân, sau đó, lợi dụng áp lực từ phương Tây để có cớ điều động quân đội sẵn sàng chiến đấu, phá vỡ hiệp ước không chiến tranh với Seoul và bắt đầu cuộc chiến tuyên truyền, kích động”, giới phân tích phương Tây lập luận.

Kim Jong-un nguy hiểm hơn cha?

Không ít người cho rằng, đầu óc nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un rõ ràng không bình thường khi mới hơn một năm lên cầm quyền đã gây bao sóng gió trên sân khấu chính trị thế giới.

Ông Kim được đánh giá là người có nhiều điểm tương phản với người cha quá cố có xu hướng hướng nội Kim Jong-il.

Theo giới quan sát, ông Kim là một người hướng ngoại nhiều hơn. Ông thích xuất hiện trước công chúng, không ngại công khai sở thích riêng và thường phát biểu công khai trước dư luận - điều mà cha ông rất hiếm khi thực hiện.

“Cố Chủ tịch Kim Jong-il bỏ bê khía cạnh công chúng trong suốt thời gian cầm quyền. Ngược lại, tầm nhìn và chiến lược công chúng của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dường như có mục đích thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng thế giới tin rằng, nhiều đổi thay thực sự có khả năng xảy ra trong thời gian ông lãnh đạo Triều Tiên”.

Tháng này, một quan chức Mỹ cấp cao nhận xét, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “hành động quá khích và hiếu chiến hơn cha ông rất nhiều. Ông Kim lạnh lùng và nhiều toan tính hơn người cha quá cố”.

“Ông Kim Jong-il chưa từng đẩy thuật hùng biện đi quá xa và chưa từng đe dọa khởi động tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc như những gì mà nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đang làm. Chúng ta đang đối phó với một kiểu người có quan điểm lãnh đạo hoàn toàn mới”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác bình luận: "tuổi đời cũng như nền giáo dục nước ngoài mà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un được tiếp nhận từng được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng ông chủ trương thúc đẩy quan hệ thân thiện với phương Tây.

Tuy nhiên, không may, ông Kim vẫn theo gương cha và ông nội và còn hành động theo chiều hướng nguy hiểm hơn”.

Kim Jong-un có tiếp tục duy trì thế cục hiện nay?

Vấn đề hiện nay, theo nhà phân tích kỳ cựu Victor Cha, đó là ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng như cha và ông nội hay sẽ mạo hiểm bước ra ngoài ranh giới.

“Nếu ông Kim mạo hiểm bước ra ngoài ranh giới đã được cha và ông nội duy trì trong 60 năm qua trên bán đảo Triều Tiên thì những lời đe dọa như “biến Seoul trở thành biển lửa' có nguy cơ biến thành cuộc tấn công quân sự quy mô chống lại Hàn Quốc và thậm chí, Mỹ. Tuy nhiên, nếu Kim Jong-un lựa chọn và chấp nhận rủi ro, ông cũng sẽ đưa dây buộc cổ mình, cũng như đất nước”, nhà phân tích Cha cho hay.

Trong khi đó, nhà phân tích Fred Kaplan nhấn mạnh, khác với người cha quá cố, đã có một thời gian dài để học hỏi cách điều hành, lãnh đạo và thao túng quyền lực, ông Kim Jong-un, đến nay vẫn là một ẩn số.

Ông Kim Jong-un được cho là không hề có kinh nghiệm chính trị hay quân sự trước khi lên nắm quyền chèo lái Triều Tiên. Nhà lãnh đạo trẻ đã có rất ít thời gian để tìm hiểu. Và cách xử sự của ông thực sự khó nắm bắt, khó đoán”, nhà phân tích Fred Kaplan nhận xét.

Để củng cố lập luận của mình, ông Kaplan lấy dẫn chứng sự cố hồi năm ngoái khi lãnh đạo trẻ Kim Jong-un “trở mặt” bất ngờ phá vỡ thỏa thuận đổi lương thực lấy chương trình hạt nhân với Tổng thống Mỹ Obama.

Theo như lối hành xử truyền thống của Triều Tiên, cả 2 nhà lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành thường sẽ “tạo ra mối đe dọa và đợi kẻ thù (Mỹ, Hàn Quốc) thương lượng, và nhận lấy "các tặng phẩm".

“Đó là một trò chơi đáng ghét nhưng trong chế độ cũ của Triều Tiên, trò chơi sẽ kết thúc với hòa bình tiếp tục được duy trì, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, nếu phương Tây chấp nhận chơi cùng với Bình Nhưỡng”, ông Kaplan bình luận.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích, “nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên hiện nay ban đầu chấp nhận lời hứa hẹn về “tặng phẩm hối lộ” để đổi lấy sự nhẫn nhịn, kìm chế để rồi ngay sau đó, bội ước, tung ra mối đe dọa, không buồn màng đến bất cứ điều gì.

Trong trường hợp bội ước với Mỹ năm ngoái, tặng phẩm hối lộ là lương thực, thực phẩm, thứ mà Triều Tiên đang thực sự khao khát. Không ai có thể hiểu và dự đoán nổi tính khí cũng như những toan tính trong hành động của ông Kim Jong-un.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại