Người Á Đông thường dùng đũa để gắp thức ăn, người Tây Âu dùng dao và thìa thì người Ấn Độ lại dùng tay. Có lẽ xuất phát từ cách ăn này mà đưa đến sự khác biệt rõ nét trong cách chế biến các món ăn. Gạo và bột mì là hai thực phẩm chính của quốc gia này nên trong bữa ăn cơm vẫn là món ăn chính. Tuy nhiên, cách nấu cơm thì lại hoàn toàn khác. Gạo được xào với dầu hoặc bơ trước khi cho nước vào để nấu và khi cơm sắp chín còn cho thêm: tiêu, hạt cumin hay quế…
Bên cạnh đó, cách chế biến món ăn của người Ấn cũng chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận và tôn giáo. Người Hồi giáo kiêng thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò. Do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản. Các món thịt cũng được chế biến hết sức độc đáo.
Theo phong tục của người Ấn Độ, trong các bữa tiệc cưới hỏi hay các ngày lễ lớn thì món ăn không thể thiếu là cừu nấu với hạnh nhân, món thịt cừu nướng cũng được xem là món ngon nhưng có cách chế biến khá lạ. Thịt cừu được đặt trong nồi đất nấu trên bếp than hay bếp củi, trên nắp đặt than hồng. Như vậy, thịt cừu vừa thơm vừa giữ được vị ngọt nguyên thủy.
Khi nói đến ẩm thực Ấn Độ không thể không nhắc đến gà Tandoori, người Ấn Độ ăn gà Tandoori ở “mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm”. Có thể nói nó là món ăn vừa bình dân nhưng cũng vừa sang trọng bởi nó xuất hiện trong những bữa ăn hàng ngày đến những bữa tiệc quan trọng, thịnh soạn.
Gà Tandoori không chỉ được ưa thích bởi vị ngon mà còn bởi màu sắc rất bắt mắt của nó, một đĩa gà Tandoori có thể biến một bữa ăn bình thường thành bữa ăn khá hấp dẫn và được ăn kèm với hành tây sống. Gà Tandoori chỉ dùng ngon khi mới vừa nướng xong, trước khi ăn nên vắt chanh lên miếng gà đó. Chính vị chua của chanh sẽ làm bớt đi phần nào độ cay. Để làm được món gà Tandoori, người ta phải lột toàn bộ da gà, để nguyên con. Để có mùi vị ngon thì phải kết hợp nhiều loại gia vị, trộn sữa chua, nước chanh nguyên chất, tỏi, gừng, rau mùi, hạt tiêu…
Sau đó, cho gà vào hỗn hợp gia vị trên rồi để trong tủ lạnh khoảng 8 giờ cho gia vị ngấm vào thân gà. Lấy gà ra khỏi tủ lạnh 30 phút trước khi nướng. Lúc này, gà được nướng lên có sắc màu vàng trông rất hấp dẫn.
Nhắc đến Ấn Độ không thể không nhắc đến cà ri – một món mà người nước ngoài coi là quốc hồn của ẩm thực Ấn Độ. Cũng giống như cơm của Việt Nam hay sushi của Nhật, cà ri là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của người Ấn Độ.
Có rất nhiều loại cà ri khác nhau, mỗi món mang một hương vị đặc trưng riêng bởi những nguyên liệu làm nên nó như: các loại rau tạo nên món Mixed Vegetable Curry và các gia vị làm nên món cà tím Masala (Baingan Masala) hấp dẫn, các món gà như Chicken Curry, Korma cay vừa, có thể không cay hoăc rất cay như Vindaloo, Kadhai thật ngon miệng… Và cà ri được nấu với rất nhiều khẩu vị khác nhau như: Cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà, cà ri bắp cải khô, cà ri rau củ… và thường nấu ở dạng khô.
Ngoài ra người Ấn Độ cũng dùng rất nhiều gia vị được làm từ trái cây như: dừa, me, xoài… để tạo độ chua, cay, béo cho món ăn và các gia vị này thường được rang khô trước khi nêm vào thức ăn để tạo nên hương vị đậm đà, lâu tan. Cùng ăn với cà ri là những loại cơm Như Biryani, Pulau.
Ẩm thực Ấn Độ có nét đặc biệt riêng bởi sự phối hợp hài hòa giữa các gia vị. Mỗi vùng miền của đất nước này lại có cách sử dụng gia vị cũng như chế biến các món ăn khác nhau. Sự đặc sắc trong các món ăn của miền Bắc Ấn Độ được thể hiện qua việc sử dụng một cách cân bằng các nguyên liệu thực phẩm như: sữa, bỡ sữa, sữa chua. Các món ăn thường không thể thiếu nước xốt.
Bên cạnh đó còn có một số các thành phần nguyên liệu khác được sử dụng thường xuyên như: ớt, nghệ và quả hạch… thì miền Đông lại có điểm đặc biệt của những món ăn vùng Orissa, Bengal và Assam thể hiện qua cách pha chế gia vị vào món ăn một cách tinh tế. Các món ăn tại các vùng này thường sử dụng mù tạc, cây thìa là Ai Cập, ớt xanh, sốt thì là.
Trong khi đó Các món ăn của miền Nam Ấn Độ có thành phần chủ yếu là cơm, thịt nai, đồ chua, dừa và đặc biệt là nước cốt dừa, cà ri. Các món ăn của miền Nam Ấn Độ thường chứa nhiều hương vị do sử dụng các gia vị như me, quả dừa, đậu lăng, cơm và một số loại rau. Các món ăn của miền Tây chịu ảnh hưởng bởi các món ăn Bồ Đào Nha và các món ăn của Đông Bắc Ấn Độ thì lại chịu ảnh hưởng của các nước lân cận như: Burma, Trung Quốc.