Google, MH370 & thế giới là của những cỗ máy

Nửa đùa nửa thật, người ta đang đồn rằng Google có âm mưu kiểm soát thế giới. Và nếu thế giới bị kiểm soát bởi những cỗ máy thì điều đó là tốt hay xấu?

Google đang ấp ủ một kế hoạch cực lớn về trí tuệ nhân tạo, nhưng chưa ai biết đó là kế hoạch gì. Tháng 5/2013, hãng này cùng với NASA lập một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo với một siêu máy tính lượng tử mang tên D-Wave Two. Trong tháng 12/2013, họ mua lại một lúc 7 công ty phục vụ cho việc sản xuất rô-bốt thông minh, từ sản xuất rô-bốt nói chung, bánh xe rô-bốt, camera rô-bốt cho đến rô-bốt dùng cho quân sự.

Tới tháng 1/2014, hãng này tiếp tục mua thêm công ty DeepMind Technology, chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Thế giới xôn xao, nhưng không ai đoán được kế hoạch của Google.

Người Mỹ đùa nhau: Google sắp biến thế giới thành một nơi bị kiểm soát bởi những con rô-bốt có trí thông minh, như hệ thống Skynet trong phim Kẻ hủy diệt. Những kịch bản như thế có thể dễ dàng được tìm thấy trong phim Mỹ, từ Mắt Đại Bàng đến Ma Trận, khi máy tính thông minh hơn con người và giành quyền làm chủ.

Và câu hỏi đặt ra là nếu thế giới thực sự được kiểm soát bởi máy móc thì đó có phải là điều đáng lo lắng không? Câu trả lời là có, nếu như chúng tìm cách loại bỏ con người (như trong phim). Còn nếu máy móc muốn làm chủ, mà không muốn giết hại, thì có khi đó là điều tốt.

Hãy nghĩ đến một thế giới mà máy móc làm chủ. Chúng sẽ xử lý mọi thứ chỉ căn cứ vào những thuật toán, và thực hiện theo những phương án có tính hiệu quả cao nhất, không bị cảm xúc chi phối. “Sai số” ở con người, nhìn chung là nhiều hơn máy móc.

Giả như máy bay MH370 của Malaysia Airlines được lái hoàn toàn bởi máy móc, thì có khi sự cố xảy ra, người ta hẳn sẽ yên tâm hơn, rằng mọi chuyện đã được xử lý hợp logic nhất và không còn phải hoài nghi về tư cách của những con người ngồi trên máy bay, lái máy bay, như họ đang phải làm.

Giả như cuộc tìm kiếm MH370 được thực hiện bởi rô-bốt, thì có lẽ sẽ không có những mập mờ trong thông tin như chuyện đang diễn ra từ phía nhà cầm quyền Malaysia khiến việc tìm kiếm của các nước xung quanh khó khăn hơn. Lại một lần nữa, người ta không yên tâm về động cơ của những con người.

Chuyện của MH370, chỉ là ví dụ hẹp về sự “bất cập” của con người khi giao cho họ lèo lái thứ gì đó.

Nếu rô-bốt điều khiển nền kinh tế, thì mọi quyết sách sẽ chỉ căn cứ trên tính hiệu quả, những phép toán một cộng một bằng hai. Không có bệnh hình thức, không có tư lợi, không trốn tránh nhiệm vụ.

Giả như giao cho rô-bốt quyết định việc tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam, thì ai cũng yên tâm: tổ chức hay không, mọi chuyện đều căn cứ trên lợi ích kinh tế của đất nước. 150 triệu USD ấy, chi vào một đại hội thể thao có lợi cho ai, xây một đường đua xe đạp lòng chảo có lợi hơn chi cho hạ tầng ở các tỉnh nghèo hay không, máy tính sẽ cho câu trả lời. Và nếu làm, thì 150 triệu là 150 triệu chứ không có chuyện đội giá.

Giả như giao cho rô-bốt quyết định các dự án kinh tế trọng điểm thì sẽ không có chuyện “chưa làm đã biết lỗ mà vẫn làm”. Lỗ thì không làm, máy móc sẽ tuyên bố như vậy.

Giả như giao cho rô-bốt phụ trách xây dựng cơ bản, thì làm sao mà có chuyện chậm tiến độ đến cả thập kỷ, bị nhà thầu và nhà đầu tư nước ngoài phạt hàng triệu USD. Máy móc sinh ra là để làm việc chứ không phải để trốn tránh trách nhiệm.

Nói chung, giao cho máy móc làm chủ bây giờ là có lợi, bởi bỗng nhiên nhìn quanh chúng ta thấy hoài nghi con người một cách ghê gớm; giao cho máy móc làm chủ, dù nó có làm sai ta cũng không cảm thấy bất an và nghi ngờ như bây giờ.

Tất nhiên đó là chuyện giả tưởng thôi, vì con người cứ sống thế này thì mọi thứ chỉ có thể diễn ra trên phim: máy móc đúng là sẽ tìm cách loại trừ họ ngay khi nó có quyền làm chủ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại