Cuộc đời bi kịch đầy tai tiếng của mỹ nhân "Cuốn theo chiều gió"

Những bí mật đời tư về cố nghệ sĩ gười Anh Vivien Leigh vẫn trở thành đề tài bất tận của giới hâm mộ.

Trong sự nghiệp trải dài 3 thập kỷ, nữ diễn viên người Anh Vivien Leigh (1913-1967) từng giành được 2 giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong phim “Cuốn theo chiều gió” (1939) và “Chuyến tàu mang tên dục vọng” (1951).

Bà được nhắc tới như một huyền thoại của lịch sử điện ảnh, một trong những gương mặt đẹp nhất từng xuất hiện trên màn bạc. Năm 1999, Viện Phim Mỹ từng xếp hạng Vivien Leigh ở thứ 16 trong tổng số 100 ngôi sao điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại.

Sự nghiệp thành công rực rỡ như vậy, nhưng ít ai biết rằng, phía sau màn ảnh, cuộc đời Vivien Leigh ẩn chứa nhiều bi kịch và tai tiếng hơn cả các nhân vật trong phim..

 

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của huyền thoại điện ảnh Vivien Leigh (1913- 2013), hãy cùng Depplus nhìn lại cuộc đời truân chuyên của người phụ nữ này qua những bức hình.

 

Vivien Leigh tên thật là Vivian Hartley. Bà sinh ngày 5/11/1913 tại Darzilingh, thành phố dưới chân núi Himalaya, Ấn Độ. Tên Vivian có nghĩa là "cuộc sống trọn vẹn". Khi bước vào tuổi 21, sau thành công bước đầu trên sàn diễn, tên bà được đổi thành Vivien.

 

Khi còn là một cô bé, Vivien đã được hưởng một nền giáo dục tốt. Bà được học múa, chơi đàn violoncelle, có niềm say mê đặc biệt ngoại ngữ và lịch sử Ai Cập cổ đại. Ngay từ hồi đó, Vivien Leigh đã nung nấu ý định trở thành diễn viên.

 

Vivien lớn lên trong sự xung khắc của cha mẹ: mẹ bà là một người phụ nữ có đời sống cách biệt, thầm lặng, lại thêm lòng sùng đạo; trong khi cha Vivien lại là một người đàn ông vui tính, năng động và yêu thích nghệ thuật. Vivien Leigh gần gũi và ảnh hưởng từ cha nhiều hơn. Khi mới 3,4 tuổi bà đã được cha cưng chiều, dẫn theo tới rất nhiều buổi lễ và các cuộc vui

 

Năm 18 tuổi, Vivien Leigh đã thi đậu vào Học Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia (Royal Of Dramatic Art) – ngôi trường mà bà luôn ao ước được bước chân vào từ ngày còn thơ ấu trước sự hoan hỉ tột cùng của cha, và nổi bất bình thất vọng của mẹ. Mẹ bà vẫn thường ao ước con gái vào học một trong các trường thuộc tu viện ở Anh vốn khét tiếng về kỹ luật khắc khổ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những trận cãi vã, xung đột của cha mẹ Vivien.

 

Có nhiều lần Vivien muốn từ bỏ việc học hành ở trường nghệ thuật để theo học ở một tu viện theo ý nguyện của mẹ. Nhưng với cha Vivian, việc chọn lựa ấy vẫn không làm thay đổi được quan hệ giữa hai người. Ông hiểu biết và cảm thông sâu sắc với ý nguyện của con gái nên không ngừng an ủi và khích lệ bà. Hơn nữa, chính bà cũng thừa hiểu mình không thể rời bỏ con đường nghệ thuật. Vì từ bỏ nó chính là từ bỏ cuộc đời của bà.

 

Như một định mệnh không cưỡng lại được, Vivien Leigh cũng không may mắn gì hơn cha mẹ mình khi có một cuộc sống hôn nhân nhiều biến cố. Năm 1932, lễ cưới với luật sư Herbert Leigh Holman, một người đàn ông hơn bà 13 tuổi, đã đưa Vivien bước vào cuộc sống gia đình ở tuổi 19.

 

Herbert Holman tuy là trí thức, nhưng lại là một con người ích kỷ, không biết coi trọng ước vọng của vợ và tìm mọi cách để ngăn cản Vivien Leigh đến với nghệ thuật. Trong khi đối với Vivien Leigh, nghệ thuật là con đường duy nhất mà bà lựa chọn và coi trọng nó như chính hơi thở, lẽ sống của đời mình.

 

Tháng 10/1933, Vivien Leigh sinh con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của bà, Suzanne Holman. Cuộc hôn nhân đầy bế tắc và kìm kẹp cùng với việc làm mẹ quá sớm ở tuổi 20, Vivien càng trở nên chán ghét cuộc sống gia đình và khao khát được khẳng định bản thân trên sân khấu kịch và màn ảnh. Cuối cùng, sau 8 năm chung sống, Vivien quyết định chia tay chồng vào năm 1937.

 

Năm 1936, sau khi đọc xong “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Michell, Vivien cảm thấy rất thích thú với hình tượng Scarlett O’Hara. Được hóa thân thành nàng Scarlett bắt đầu trở thành mơ ước của bà. Và cũng như mọi lần, việc Vivien đạt được mục đích chỉ là vấn đề về thời gian. Bà nói: "Tôi sẽ đóng vai Scarlett, rồi các vị sẽ thấy!".

 

Đã có hàng trăm cô gái Mỹ, trong đó có nhiều ngôi sao đến thử vai Scarlett nhưng nhà làm phim vẫn chưa tìm thấy được người thích hợp, phim đã khởi quay mà nữ diễn viên chính vẫn chưa có. Thế rồi tại trường quay xuất hiện một Vivien bí ẩn và đẹp đến ngỡ ngàng. Khi đó bà đến Hollywood để thử vai và thăm người tình Laurence Oliver hiện cũng đang đóng phim ở Mỹ. Vài tuần sau khi thử vai bà được ký hợp đồng với nhà làm phim

 

Việc chọn Vivien Leigh đóng vai Scarlett đã gây ra một làn sóng bất bình trong giới điện ảnh Mỹ. Họ công khai tỏ ý nghi ngờ khả năng của nữ diễn viên Anh trong việc thể hiện tính cách và lối sống của phụ nữ Miền nam Hoa Kỳ giàu có và đầy tham vọng. Nhưng cho đến năm 1939, khi bộ phim hoàn tất và được chiếu ra mắt, tất cả những sự nghi ngờ, đố kỵ đó đều bị đánh tan. Vivien Leigh đã thể hiện một cách tuyệt vời nội tâm phức tạp và phơi bày được cái bi kịch lớn nhất của nhân vật Scarlett O’Hara.

 

Cũng trong thời gian này, Vivien Leigh đã rơi vào lưới tình của diễn viên điển trai Laurence Oliver. Thực tế, khi còn ở bên người chồng thứ nhất, Vivien Leigh đã gặp gỡ và phải lòng Laurence.

 

Bị chinh phục bởi lối diễn và vẻ ngoài của ngôi sao đang lên Laurence Olivier, Vivien đã nói với một người bạn của bà rằng: "Mình sẽ là vợ của anh ta". Là người có cá tính mạnh mẽ, Vivien đã không tiếc sức mình để hướng tới mục đích đã đặt ra, bà bám theo gia đình Oliver khi họ đi nghỉ ở Ấn Độ, tình tự với nam diễn viên trong khách sạn trong khi cô vợ đang mải mê thăm quan xung quanh. Lúc đó, vợ của Olivier đang có thai tám tháng, bản thân Vivien cũng đang có một cô con gái. Ngay trong tháng 4/1936 báo chí ở London đã loan tin Vivien Leigh và Olivier “có tình ý với nhau”.

 

Vào năm 1940, hai người quyết định ly hôn với chồng và vợ hiện tại để đến với nhau. Dù Vivien Leigh luôn khẳng định Laurence Olivier là người đàn ông bà yêu nhất trong suốt cuộc đời nhưng trong quá trình chung sống, Vivien luôn dày vò Laurence, một phần cũng bởi căn bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực của mình.

 

Cũng vào đầu năm 1940, Vivien nhận tượng vàng Oscar cho vai diễn Scarlett O’Hara trong “Cuốn theo chiều gió”. Đây có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của bà trong cả cuộc sống riêng tư và sự nghiệp điện ảnh khi vừa có một đám cưới trong mơ với Laurence, vừa được vinh danh tại Oscar cho danh hiêu “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.

 

Năm 1944, Vivien Leigh tham gia bộ phim “Ceasar và Cleopatre”. Lúc này bà đang mang thai đứa con của Laurence. Tuy nhiên, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong quá trình quay phim đã khiến Vivien bị sảy thai.

 

Việc mất đứa con đã làm cho Vivien bị trầm cảm nặng. Một năm sau, bà mắc thêm bệnh lao. Điều này càng khiến tinh thần Vivien suy sụp. Bà bắt đầu sợ hãi khi ở một mình, uống rượu nhiều, hút đến bốn bao thuốc mỗi ngày. Những mâu thuẫn của vợ chồng Vivien cũng bắt đầu nổ ra.

 

Cuộc sống gia đình dần trở thành địa ngục. Vivien gây sự với chồng vì những chuyện nhỏ nhặt, sau những cơn thịnh nộ là lòng nhiệt tình bột phát và sự hứng khởi bệnh hoạn. (Ảnh chụp vợ chồng Vivian cùng với biểu tượng sắc đẹp Marilyn Monroe tại một sự kiện năm 1950).

 

Năm 1951, Vivien Leigh đã tham gia bộ phim “Chuyến tàu mang tên dục vọng” do đạo diễn Elia Kazan thực hiện, dựa theo vở kịch nổi tiếng của kịch tác gia Tennessee William, bên cạnh Marlon Brando.

 

Sau khi bộ phim đóng máy, các bác sĩ và bạn bè của Vivien Leigh đều đồng ý rằng chính vai diễn Blanche bị tâm thần đã làm cho căn bệnh tiềm ẩn trong bà bắt đầu bộc phát. Vivien trở nên mê mẩn, sầu não, cuồng tưởng và chẳng bao lâu đã suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần.

 

Năm 1952, Vivien nhận tượng vàng Oscar lần thứ hai cho vai diễn Blanche trong “Chuyến tàu mang tên dục vọng”. Nhưng có ai ngờ, vai diễn để đời này của Vivien đã kéo bà xuống hố đen bi kịch của cuộc đời mình.

 

Những năm sau đó, nữ nghệ sĩ phải vào bệnh viện tâm thần. Liệu pháp gây sốc đã biến Vivien thành một người xa lạ đối với Olivier. Sau này, Vivien lại một lần nữa bị sảy thai, thêm những cơn chấn động và lại phải vào bệnh viện.

 

Đến năm 1957, Laurence đã quá mệt mỏi với những chứng bệnh của vợ, ông gặp gỡ nữ nghệ sĩ trẻ Joann Plaurigh và muốn lập gia đình với cô. Vụ ly dị trở thành một cú đòn khủng kiếp đối với Vivien

 

Sau khi cuộc hôn nhân với Laurence Olivier kết thúc, Vivien lúc này đã ở tuổi 47, bà bước vào cuộc tình với nam diễn viên kém bà 4 tuổi - Jack Merivale. Họ chung sống trong suốt 7 năm cuối đời Vivien nhưng không kết hôn. Dù biết trước tình trạng bệnh tật của Vivien nhưng Jack kiên quyết đến với bà và hứa sẽ chăm sóc cho bà suốt phần đời còn lại.

 

Tuy nhiên, dù đã ở bên tình mới, Vivien vẫn chia sẻ rằng: “Thà sống những năm tháng ngắn ngủi bên Laurence còn hơn sống suốt một quãng đời dài mà không có anh ta”. Quả thực, Vivien chỉ chấp nhận ly hôn với người chồng thứ 2 - Laurence Olivier vì ông đã chạy theo người khác, chứ không phải vì tình yêu của bà đã hết.

 

Năm 1967, bệnh lao của Vivien Leigh tái phát dữ dội. Vào một buổi sáng thức dậy, Jack Merivale phát hiện thấy Vivien Leigh đã nằm chết trên giường.

 

Ngay khi phát hiện Vivien qua đời, Jack đã ngay lập tức gọi điện cho Laurence Oliver để ông kịp tới nhìn Vivien lần cuối. Khi tới nơi, Laurence đã đứng cầu nguyện bên Vivien để được tha thứ vì những chuyện đau buồn từng xảy ra giữa họ. Sau đó, Jack và Laurence đã cùng đứng lên tổ chức lễ tang cho Vivien.

 

Trong cuộc đời bi kịch của Vivien, tuy không bao giờ được hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân nhưng bà luôn nhận được sự quan tâm hiếm thấy từ 3 người đàn ông. Sự ra đi của bà đã khiến họ không khỏi dày vò, đau khổ bởi vì, dù ít dù nhiều, khi còn sống chung với Vivien, cả ba đều thực lòng yêu thương bà.

 

Bất chấp những điều tiếng xung quanh cuộc đời Vivien Leigh, đối với điện ảnh xứ Sương mù bà mãi được tôn vinh như một huyền thoại. Năm 1985, bưu điện Anh cho ra con tem đầu tiên khắc họa chân dung Vivien Leigh nhân “Năm Điện ảnh Anh”. Đến tháng 4 vừa qua, một lần nữa, hình ảnh của bà lại xuất hiện trong bộ tem bưu chính của nước này để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Vivien Leigh (1913-2013).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại