Thế giới có "điên đảo" không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn?

J |

Con gì biến mất hết cũng gây hậu quả nghiêm trọng, trừ muỗi. Điều này đã được khoa học chứng minh hẳn hoi.

Mỗi năm, có 247 triệu người trên Trái đất nhiễm sốt rét. Và nguyên nhân nhiễm sốt rét là từ đâu? Chính là muỗi!

Quả thực, muỗi là vật trung gian lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm chết người. Sốt rét chỉ là một phần của câu chuyện, ngoài ra còn có sốt vàng (yellow fever), viêm não Nhật Bản, Zika... 

Gần đây nhất, Hà Nội đã phát hiện một nữ sinh tử vong vì sốt xuất huyết - một trong những căn bệnh phổ biến nhất được lây truyền qua muỗi.

Có thể nói, muỗi và người sinh ra không phải để dành cho nhau. Nhưng nếu tất cả muỗi trên đời này biến mất thì sao?

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 1.

Tất nhiên, bất kỳ sinh vật nào tuyệt chủng đều gây ra hệ lụy không hề nhỏ cho hệ sinh thái, và muỗi cũng vậy. 

Tuy nhiên, khi soi xét câu hỏi này thực sự nghiêm túc, các nhà sinh vật và sinh thái học đã đưa ra một câu trả lời thực sự bất ngờ: Sự biến mất của muỗi sẽ gây ảnh hưởng ở một mức độ hoàn toàn chấp nhận được. Đồng thời, lợi ích đem lại sẽ vượt xa tưởng tượng.

Hay nói cách khác, thế giới sẽ tốt hơn nếu không còn muỗi! Đó là những gì Carlos Brisola Marcondes, nhà sinh thái học từ ĐH Liên bang Santa Catarina (Brazil) kết luận. Thế giới không có muỗi sẽ "an toàn hơn cho con người" - Marcondes cho biết.

Bắc Cực - thiên đường của muỗi

Có lẽ sẽ chẳng nơi nào trên Trái đất có nhiều muỗi bằng các vùng đài nguyên của Bắc Cực. Trứng muỗi tại đây nở sau khi tuyết tan, rồi trưởng thành trong vòng 3 - 4 tuần. Từ phía Bắc Canada đến Nga, có những giai đoạn muỗi đi thành từng đám mây đen kịt.

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 2.

Những đám mây muỗi có lẽ là "đặc sản" tại các vùng đất phương Bắc

Đó là "Cảnh tượng thực sự hiếm thấy trên phạm vi toàn cầu" - trích lời Daniel Strickman, nhà sinh thái học từ Sở Nông nghiệp Mỹ (Maryland, Mỹ). "Chẳng ở đâu chúng ta được thấy muỗi tụ tập với số lượng lớn như vậy".

Tuy nhiên, lượng muỗi này lại đóng vai trò khá quan trọng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu muỗi tại vùng cực biến mất, lượng chim di trú tại đây sẽ giảm đi ít nhất là 50%. Hệ sinh thái cũng sẽ thay đổi hoàn toàn nếu chuyện này xảy ra.

Nhưng ấy là tại Bắc Cực. Liệu muỗi ở những nơi khác biến mất, hậu quả có giống như vậy không?

Có quá nhiều lựa chọn để thay thế

Richard Merritt, nhà sinh thái từ ĐH Bang Michigan (Mỹ) cho biết trong tự nhiên, muỗi là một nguồn thực phẩm "dễ nhận biết và dễ bắt" (dù với con người thì không phải vậy). 

Chính vì thế, việc muỗi và ấu trùng của muỗi biến mất sẽ khiến nhiều loài vật phải thay đổi chế độ ăn của mình. Trong đó có cả những loài sinh ra chỉ nhằm mục đích diệt muỗi - như cá muỗi (mosquitofish, hay cá Gambusia).

Hậu quả để lại có thể không nhỏ. Cá, chim hay bò sát đều sẽ sụt giảm số lượng. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu quan sát 2 tổ chim đặt tại 2 khu vực, trong đó có một tổ được phun thuốc muỗi. Kết quả, chim ở khu vực đã diệt muỗi đẻ ít hơn 1 trứng so với tổ bình thường.

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, hệ quả gây ra chưa chắc đã đáng lo ngại. Giới chuyên gia cho biết các loài sinh vật sẽ nhanh chóng chuyển sang một loài côn trùng khác. Đó là những sinh vật sẽ phát triển ồ ạt sau khi muỗi biến mất.

Chưa kể, một số loài vật thậm chí sẽ chẳng quan tâm đến việc muỗi tồn tại hay không. Như dơi - một sinh vật vốn nổi tiếng là săn muỗi giỏi - hóa ra chủ yếu săn bướm. Thậm chí, muỗi trong dạ dày của dơi chỉ chiếm chưa đầy 2%.

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 4.

Dơi - loài vật được mệnh danh là thiên tài săn muỗi - thực ra có thể ăn bất kỳ loài côn trùng nào

Nói cách khác, các loài sinh vật có quá nhiều lựa chọn để ăn, thay vì ăn muỗi.

Vấn đề nằm ở phương pháp, không còn ở mục đích và hậu quả

Trên thực tế, việc nên hay không nên giữ lại muỗi đã gây tranh cãi cho giới khoa học trong hàng thập kỷ.

Với các nhà khoa học theo "team muỗi", loài vật này đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các hệ thống thủy sinh toàn cầu.

Ấu trùng muỗi trong nước sẽ kích thích đời sống vi sinh vật, tạo ra dinh dưỡng, qua đó kích thích sự phát triển của cây cối.

Điều này đã được John Addicott từ ĐH Calgary (Alberta, Canada) đưa ra từ năm 1974. Ngoài ra, các nghiên cứu sau này còn cho thấy muỗi còn đóng vai trò tác nhân thụ phấn của một số loài thực vật, trong đó có cây cacao. "Không có muỗi, thế giới còn không có nổi một mẩu chocolate để ăn" - trích lời Dina Fonseca, nhà sinh vật học tiến hóa tại ĐH Rutger (Mỹ).

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 5.

Muỗi có thể giúp cây cối thụ phấn

Tuy nhiên, các chuyên gia ủng hộ việc xóa sổ muỗi thì cho rằng những lợi ích của muỗi hoàn toàn có thể được thay thế bằng các sinh vật khác. 

Ví dụ như vấn đề thụ phấn, cây cối trong tự nhiên có quá nhiều sinh vật hỗ trợ làm điều đó. Còn với những loài cây do con người kiểm soát như cacao thì không phải là vấn đề, vì chúng ta thừa đủ phương pháp mà không cần đến muỗi.

Chỉ có một việc muỗi có thể làm mà các sinh vật khác thì không, đó là khả năng giết người chỉ qua vài lần hút máu. Vậy nên theo Strickman, hậu quả lớn nhất cho hệ sinh thái khi không còn muỗi là "chúng ta sẽ có nhiều người hơn".

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 6.

Việc duy nhất muỗi làm được mà các sinh vật khác thì không, đó là giết người qua vài lần hút máu

Không còn muỗi, hàng triệu người sẽ được cứu mỗi năm. Gánh nặng từ muỗi không còn, nhiều khu vực như vùng châu Phi hạ Sahara có thể phục hồi ít nhất 1,3% GDP theo tính toán của WHO. 

"Gánh nặng cho hệ thống y tế, bệnh viện và thuốc giảm xuống, chuyển hướng đầu tư sang các căn bệnh nghiêm trọng khác" - Jeffrey Hii, chuyên gia nghiên cứu sốt rét của WHO vẽ nên viễn cảnh tươi sáng.

Phil Lounibos, nhà sinh thái học từ Phòng thí nghiệm côn trùng học Florida (Mỹ) cũng cho rằng sự tuyệt chủng của muỗi sẽ đem lại một số lỗ hổng tạm thời, nhưng sẽ sớm được lấp đầy bởi nhiều loài côn trùng khác.

Tuy nhiên, việc tranh cãi này có thể không có hồi kết, đơn giản là vì hiện con người vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào giúp tiêu diệt muỗi hiệu quả. Con người đã từng vô tình khiến nhiều loài sinh vật biến mất, hoặc đi đến bờ vực tuyệt chủng, nhưng chưa thể gây tác động đáng kể đến loài côn trùng phiền phức và chết chóc này.

Thế giới có điên đảo không nếu loài muỗi biến mất hoàn toàn? - Ảnh 7.

Huỷ diệt muỗi - nên hay không nên? Và bằng cách nào?

Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng con người vẫn còn chần chừ. Theo Joe Conlon từ Hiệp hội kiểm soát muỗi tại Jacksonville, Florida (Mỹ), thì sẽ có những sinh vật thay thế muỗi. Vấn đề là chúng thân thiện hơn với con người, hay là những sát thủ còn vô tình hơn cả muỗi.

Còn bạn thì sao? Theo bạn, việc loài muỗi tuyệt chủng là nên hay không nên? Hãy để lại bình luận nhé.

Nguồn: Nature, CNN, National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại