Muỗi là loài côn trùng khá kỳ lạ. Ở chúng, những con muỗi đực vô hại vì thường đi hút nhựa cây, hoa quả để sống, trong khi đó muối cái lại tìm đến động vật, con người để hút máu.
Nếu chỉ hút đi chút máu thì có lẽ chúng không bị ghét đến thế! Bởi sau mỗi lần như vậy là chúng ta lại phát điên lên vì những nốt muỗi đốt tới vài ngày liền, đôi khi gặp muỗi độc, vết đó còn sưng to, đỏ, vô cùng khó chịu.
Đặc biệt là vào mùa hè hay những lúc chập choạng sáng tối, bè lũ nhà muỗi sẽ càng lộng hành kinh hơn! Lúc đó, chỉ cần nghe tiếng vo ve cũng đủ khó chịu rồi chứ đừng nói đến việc tay chân chi chít những vết sưng đỏ do muỗi.
Vậy tại sao bị muỗi đốt chúng ta lại thường sưng đỏ, ngứa ngáy?
Nhiều người cho rằng, khi hút máu, muỗi đã tiêm vào cơ thể "chất gây ngứa" và điều đó đã khiến chúng ta khó chịu như vậy.
Nhưng điều này không hoàn toàn chính xác, không có chất nào từ muỗi được gọi là chất gây ngứa cả. Trên thực tế, khi đốt, Muỗi dùng chiếc vòi của mình đâm qua lớp da người để tìm mạch máu. Khi tìm thấy muỗi sẽ hút máu chúng ta đồng thời tiêm vào 1 chất đặc biệt.
Chất đó chính là nước bọt của muỗi, nó có tác dụng ngăn không cho máu đông lại. Khi đó cơ thể sẽ khởi động quá trình phản ứng miễn dịch tự nhiên đối với protein trong nước bọt của muỗi, chính điều này sinh ra chất histamine làm cho vùng da bị đốt sưng đỏ và ngứa ngáy
Những vết muỗi đốt ở trẻ em đặc biệt ngứa và sưng kinh khủng hơn nhiều so với người lớn bởi cơ thể chúng ta dẫu sao cũng đã có "kinh nghiệm", làm quen được với những vết muỗi đốt đó!
Bị muỗi đốt ban đêm luôn luôn ngứa ngáy hơn so với ban ngày!
Nghe thì có vẻ khó tin, muỗi đốt lúc nào chả thế nhưng sự thật là bị muỗi đốt ban ngày luôn dễ chịu hơn ban đêm!
Lý do khá đơn giản. Nguyên nhân chính của điều này là bởi vào ban đêm, các hooc-môn steroid, cortisol trong cơ thể khá thấp, trực tiếp khiến cho khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể giảm đi phần nào.
Vì vậy, khi bị loài côn trùng khó chịu này tấn công vào ban đêm, chúng ta thường có cảm giác ngứa ngáy hơn và các vết sưng cũng đỏ, to hơn!
Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể có ngoại lệ bởi lượng cortisol được sản xuất trong cơ thể của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhịp sinh học của mỗi cá nhân!
Có thể bạn quan tâm: Tại sao lúc nào muỗi cũng đốt bạn thay vì người bên cạnh?
Tham khảo nhiều nguồn