THẾ GIỚI 24H: Mỹ điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân

Thanh Huyền |

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Mỹ sẽ điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc.

 - Ảnh 1.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nhiều đối thủ ngang hàng hạt nhân đang thách thức an ninh Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia đó đang phát triển, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và ưu tiên vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược an ninh quốc gia của họ. Trước tình hình môi trường an ninh thay đổi như vậy, ông Richard Johnson - phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho biết, Mỹ có thể cần phải điều chỉnh Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022 để duy trì khả năng răn đe hạt nhân. Theo ông Johnson, việc này là cần thiết khi xét tới năng lực hạt nhân được tăng cường của Trung Quốc và Nga và khả năng thiếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sau tháng 2/2025.


Xả súng gần Đại sứ quán Israel tại Jordan, 3 cảnh sát bị thương . Ngày 24/11, giới chức an ninh Jordan thông tin một vụ xả súng đã xảy ra gần Đại sứ quán Israel khiến 3 cảnh sát bị thương trong khi kẻ thủ ác bị tiêu diệt khi đang tìm cách trốn khỏi hiện trường. Theo hãng thông tấn Jordan Petra , vụ việc xảy ra tại khu ngoại ô Rabiah của thủ đô Amman. Hung thủ đã xả súng vào một chốt tuần tra khiến 3 cảnh sát bị thương rồi tìm cách trốn chạy trước khi bị bắn hạ.


Hỏa hoạn thiêu rụi hàng nghìn ngôi nhà ở thủ đô của Philippines. Ngày 24/11, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại một khu ổ chuột ở thủ đô Manila của Philippines. Sở Cứu hỏa Manila cho biết khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong biển lửa, được cho là đã bốc lên từ tầng 2 của một ngôi nhà tại làng Isla Puting Bato ở quận Tondo (Manila). Hiện, chưa có thông tin về thương vong. Lực lượng chức năng đã điều 36 xe tải, 4 thuyền cứu hỏa đến dập lửa, trong khi không quân cũng đã điều 2 trực thăng đến hỗ trợ.


Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu hệ thống tên lửa Pinaka. Ấn Độ đã bắt đầu bàn giao các hệ thống tên lửa Pinaka do nước này nghiên cứu và chế tạo cho Armenia. Pinaka là hệ thống tên lửa đa nòng có độ chính xác cao, do Viện Nghiên cứu và Phát triển vũ khí (ARDE), trực thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), Ấn Độ. Theo nguồn tin, lô đầu tiên của các hệ thống bệ phóng tên lửa đa nòng Pinaka đã được chuyển đến Armenia.


Iran kích hoạt máy ly tâm hạt nhân mới . Iran tuyên bố mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết chỉ trích nước này. Iran cho biết sẽ khởi động loạt máy ly tâm "mới và tiên tiến" để đáp lại nghị quyết mới đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.


Mỹ từ chối cấp hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD cho Ukraine . Theo tờ Focus của Ukraine, Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga, đặc biệt sau khi tên lửa đạn đạo siêu thanh “Oreshnik” của Nga tấn công nhà máy Yuzhmash ở Dnipro. Tuy nhiên, việc Mỹ từ chối cung cấp hệ thống THAAD là điều không bất ngờ. Lý do chính cho sự từ chối này là Mỹ hiện đang sở hữu rất ít hệ thống THAAD, và tất cả đều đang được sử dụng. Một số hệ thống được triển khai tại Mỹ, trong khi một số khác có mặt ở Trung Đông. Bên cạnh đó, chi phí để vận hành hệ thống THAAD rất cao, với giá trị lên đến 3 tỷ USD và chi phí cho mỗi lần bắn lên tới 20 triệu USD.


Nga để ngỏ khả năng chuyển công nghệ hạt nhân cho "các nước thù địch với Mỹ". Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 24/11 tuyên bố nước này có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các nước thù địch với Mỹ". Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh truyền thông phương Tây đưa tin về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Trong tuyên bố của mình, ông Medvedev nhấn mạnh những sáng kiến như vậy của phương Tây có vẻ đặc biệt mang tính khiêu khích trong bối cảnh học thuyết răn đe hạt nhân của Nga được sửa đổi.


Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới. Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại