Chi tiết cuộc tấn công bằng Storm Shadow vào lãnh thổ Nga
Tạp chí Forbes (Mỹ) mới đây tiết lộ chi tiết về cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp nhằm vào sở chỉ huy của quân đội Nga tại tỉnh Kursk đêm 20/11, rạng sáng 21/11.
Theo đó, các máy bay ném bom của Không quân Ukraine đã bắn ít nhất 10 tên lửa hành trình Storm Shadow vào mục tiêu ở Maryino, tỉnh Kursk, cách biên giới Ukraine khoảng 40km. Mỗi quả tên lửa này nặng hơn 1.300kg.
Theo tạp chí Mỹ, 10 quả Storm Shadow là số lượng lớn. Trong các đợt tấn công trước đây nhằm vào mục tiêu của quân Nga trên lãnh thổ Ukraine, Không quân Ukraine thường bắn tên lửa Storm Shadow từ máy bay ném bom siêu thanh Sukhoi Su-24 bay thấp theo từng cặp.
"Quy mô của cuộc tấn công đêm 20/11 cho thấy mục tiêu có giá trị cực kỳ cao" – Forbes nhận định.
Công ty BAE Systems của Anh đã phát triển riêng đầu đạn Bomb Royal Ordnance Augmented Charge nặng 400kg cho Storm Shadow để phá hủy các cấu trúc kiên cố như boongke dưới mặt đất. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc tấn công nhằm vào một tàu ngầm của Hải quân Nga tại ụ khô ở Crimea tháng 9/2023, Ukraine đã bắn ít nhất 1 tên lửa Storm Shadow.
Theo thông tin do Forbes nắm được, trong cuộc tấn công đêm 20/11, Không quân Ukraine đã huy động 5 máy bay ném bom Su-24, mỗi máy bay mang theo một cặp tên lửa dẫn đường chính xác Storm Shadow. Đây là số máy bay "kỷ lục" được Ukraine huy động từ trước tới nay cho một cuộc tấn công bằng tên lửa do Anh cung cấp.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Không quân Ukraine đã cải tiến nhiều máy bay Su-24 cũ của Liên Xô để chúng có thể triển khai tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG. Đây là dòng tên lửa do Anh-Pháp hợp tác sản xuất, với Storm Shadow là tên gọi ở Anh và SCALP-EG là tên gọi ở Pháp.
Nhiệm vụ tấn công mục tiêu bằng tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG (và sắp tới là bom rocket do Ukraine sản xuất) đã được giao cho lực lượng Su-24 duy nhất của Không quân Ukraine, đó là Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 đóng tại miền tây nước này.
Thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022, các phi công của Lữ đoàn số 7 chủ yếu tiến hành tập kích bằng bom không dẫn đường. Tuy nhiên, giờ đây, vũ khí chủ lực của họ là tên lửa có độ chính xác cao của phương Tây.
"Bắn 1 tên lửa hành trình vào mục tiêu đối phương từ khoảng cách 300km an toàn hơn là thả bom không dẫn đường từ trên cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc tấn công bằng tên lửa thực sự an toàn bởi phi công phải đối mặt với tên lửa đáp trả của đối phương lao về phía mình" - Phóng viên Ukraine Yuri Ignat cho hay.
Trong bài phát biểu qua video tối 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa Storm Shadow vào sở chỉ huy quân Nga ở Maryino. Ông cho biết, trong cuộc tập kích, lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow kết hợp với hệ thống phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp.
Song, nhà lãnh đạo Nga không đề cập tới số lượng tên lửa mà Ukraine đã bắn ra.
"Tại tỉnh Kursk, cuộc tấn công đã nhắm vào một trong những sở chỉ huy của nhóm quân 'Phía Bắc'.
Đáng tiếc, cuộc tấn công và trận chiến phòng không sau đó đã gây ra thương vong, bao gồm cả trường hợp tử vong và bị thương, cho các đơn vị bảo vệ xung quanh và nhân viên hỗ trợ.
Tuy nhiên, các thành viên cốt cán trong trung tâm chỉ huy không bị thương và đang tiếp tục chỉ đạo hiệu quả các hoạt động của lực lượng Nga để đẩy lùi quân đối phương (Ukraine) ra khỏi Kursk" – Ông Putin nói.
Truyền thông Ukraine cho biết, sở chỉ huy quân Nga ở Maryino có thể đã được cả các sĩ quan Nga và Triều Tiên sử dụng.
Lý do Nga đánh chặn thất bại Storm Shadow?
Theo Defense Express (Ukraine), đoạn video kiểm soát mục tiêu do UAV trinh sát của Ukraine quay lại ở tây nam Maryino cho thấy 10 tên lửa bắn trúng mục tiêu. Đoạn video do người dân địa phương tại đây chia sẻ cho thấy những tiếng nổ lớn liên tiếp.
Hơi khác với thông tin từ Forbes, Defense Express cho biết Ukraine đã bắn 12 tên lửa Storm Shadow vào sở chỉ huy quân Nga ở Maryino. Như thế, chỉ có 2 tên lửa trượt mục tiêu.
Một câu hỏi đang khiến nhiều người băn khoăn nhất lúc này là: Tại sao tỷ lệ tên lửa Storm Shadow bị đánh chặn lại thấp như vậy? Trong nhiều tháng Ukraine thường xuyên phát động tấn công bằng tên lửa R-360M Neptune-MD vào Kursk, lữ đoàn tên lửa phòng không hỗn hợp của Không quân Nga, cũng như Bộ chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ Nga lẽ ra phải tối ưu hóa được mạng lưới radar.
Theo nhà phân tích Nga Evgeniy Damantsev, trên tuyến đường bay dự kiến của các tên lửa Storm Shadow đến Maryino, chỉ có 2-3 xe chiến đấu của hệ thống phòng không Tor-M2 được ngụy trang, hoặc hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 ở trạng thái tắt radar để tránh các phương tiện trinh sát của đối phương phát hiện. Số lượng này không đủ để đánh chặn được số tên lửa Storm Shadow lớn như vậy.
Trên lý thuyết, quân đội Nga có khả năng kỹ thuật để đặt hệ thống phòng không Tor-M2 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với radar tắt, chờ nhận lệnh mục tiêu. Điều đó có nghĩa, họ có thể triển khai một tiểu đoàn đầy đủ gồm 6 hệ thống Tor-M2 được ngụy trang, liên kết với xe chỉ huy Ranzhir-M cũng được ngụy trang trong rừng ở Kursk.
Để tất cả các xe chiến đấu Tor-M2 nhanh chóng vào vị trí bắn và xử lý kịp thời các tuyến đường bay của tên lửa Storm Shadow, dữ liệu mục tiêu cần được chuyển từ máy bay cảnh báo sớm A-50U tới xe chỉ huy Ranzhir-M trước, sau đó các điều phối viên sẽ phân phối mục tiêu giữa các hệ thống Tor-M2. Tuy nhiên, số lượng máy bay A-50U của Nga hiện tại rất hạn chế.
Đáng lưu ý, lực lượng Không quân Nga hiện có đủ số lượng tiêm kích Su-35S thế hệ mới, với radar Irbis-E có khả năng thực hiện chức năng cảnh báo sớm, phát hiện tên lửa Storm Shadow từ khoảng cách lên tới 110km.
Với sự hỗ trợ của hệ thống liên lạc S-108, theo ông Damantsev, các phi công Su-35S đáng ra có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu cho xe chỉ huy Ranzhir-M, cũng như tự mình đánh chặn phần lớn các tên lửa Storm Shadow bằng tên lửa R-77-1. Thậm chí, một chiếc Su-35S "có thể đồng thời đánh chặn 8 tên lửa Storm Shadow bằng tên lửa R-77-1".
Song, các máy bay Su-35S trên hướng Sumy hiện nay chủ yếu được triển khai để hộ tống các tiêm kích-bom đa năng Su-34 trong các hoạt động tấn công. Do đó, tên lửa Ukraine "như cá gặp nước" khi bay vào không phận biên giới Nga.
Tình huống tương tự cũng xảy ra với các UAV trinh sát quang-điện tử của Ukraine bay qua các khu vực biên giới của tỉnh Kursk. Chúng phá hủy các điểm hậu cần, điểm liên lạc và đoàn xe kỹ thuật của Nga, sau đó truyền dữ liệu mục tiêu cho hệ thống phóng loạt HIMARS tấn công.
Để ngăn chặn các UAV của Ukraine (bay ở độ cao 3.500m), Nga có thể triển khai hệ thống phòng không Strela-10M3/MN, hoặc trực thăng Mi-28NM và Ka-52M với khả năng tiêu diệt UAV bằng tên lửa Igla-V và Vikhr-1.
"Thế nhưng, không rõ vì lý do gì, mà việc đánh chặn không phải lúc nào cũng thành công" – Ông Damantsev lưu ý.
Trái ngược với tình hình ở Kursk, một mạng lưới chống tên lửa có hệ thống và hiệu quả đã được quân đội Nga thiết lập theo hướng Azov. Ngay trước ngày Ukraine nã tên lửa Storm Shadow vào Kursk, tất cả các tên lửa của Anh đều bị các hệ thống Tor-M2 và Pantsir-S1 Nga đánh chặn trên vịnh Taganrog.
Ngoài hai hệ thống này, Nga còn triển khai bảo vệ các tuyến tác chiến theo hướng Azov bằng tổ hợp Buk-M3, S-400 và cả S-500.