1. Công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ
Hình ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ được các nhà khoa học thuộc nhóm Event Horizon Telescop Collaboration công bố ngày 10/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10/4 vừa qua, các nhà khoa học thuộc nhóm Event Horizon Telescop Collaboration đã công bố hình ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ. Hố đen này nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái Đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng gấp khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Hình ảnh hố đen được chụp từ 8 kính viễn vọng trên toàn cầu - từ các núi lửa ở Hawaii (Mỹ) tới sa mạc Atacama ở Chile, đến tận Nam Cực và châu Âu. Đây là một phát hiện đột phá, được cho có thể kiểm chứng thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein.
2. Tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga của Trung Quốc hạ cánh xuống mặt tối của Mặt Trăng.
Việc tàu vũ trụ thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc ngày 3/1 hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng (là nửa Mặt Trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất) đã đánh dấu bước tiến lớn của Bắc Kinh trên con đường chinh phục vũ trụ và là sự kiện đi vào lịch sử vũ trụ thế giới khi lần đầu tiên một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của hành tinh này.
Các nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, địa mạo và thành phần khoáng chất của Mặt Trăng và đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt Trăng.
3. Các nhà khảo cổ tìm thấy xương hóa thạch của loài vượn đi bằng hai chân tại một hang động hóa thạch ở Bayern, Đức
Đó là loài vượn bí ẩn có tên Danuvius guggenmosi có nhiều thuộc tính rất giống với con người, trong đó có khả năng đi lại bằng hai chân. Hóa thạch của loài vượn sống cách đây khoảng 11,6 triệu năm này có thể làm thay đổi đáng kể sự hiểu biết của con người về quá trình tiến hóa của một đặc điểm cơ bản - đi thẳng đứng trên hai chân.
Loài Danuvius giúp nhận ra rằng đi bộ thẳng đứng bắt nguồn từ trên cây chứ không phải trên mặt đất và tổ tiên cuối cùng của loài người cũng như loài vượn không trải qua giai đoạn đi bộ gập người, như suy nghĩ từ trước đến nay. Ngoài ra, phát hiện này cũng khiến cho giả thiết về sự tiến hóa của loài người hoàn toàn diễn ra ở châu Phi, khó thể đứng vững.
4. Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25) vẫn không nhất trí được lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị COP 25, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/12/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha chưa tìm được tiếng nói chung trong việc hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, và nếu có thể là 1,5 độ C. Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý cấu trúc của các thị trường carbon.
Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. Do vậy, mọi hồ sơ về vấn đề này đều phải dời sang năm 2020.
5. Cuối cùng là việc các loại thuốc vi lượng đồng căn (homéopathie), chủ đề tranh cãi lâu nay, sẽ không còn được bảo hiểm y tế Pháp thanh toán, vì không đủ bằng chứng cho thấy sự hiệu quả.
Vi lượng đồng căn là một phương pháp điều trị bệnh nhân bị mắc một bệnh nào đó bằng cách sử dụng những chế phẩm được pha chế theo một quy trình nhất định để gây ra các triệu chứng cho một người bình thường giống như là triệu chứng của chính căn bệnh cần chữa.
Nguyên tắc cơ bản của vi lượng đồng căn là "quy luật của những mối tương đồng" nghĩa là "hãy để cho những thứ giống nhau chữa cho nhau".
Định luật do chính bác sĩ người Đức Samuel Hahnemann đưa ra lần đầu tiên vào năm 1796. Tuy nhiên, đó chỉ là lời khẳng định của cá nhân và chưa được chứng minh bằng các thử nghiệm lâm sàng.