Thầy là Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng còn trò là Thượng úy Trần Thanh Luân, cùng công tác tại Trung đoàn 935, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không Không quân.
Cống hiến hết mình
Cuối tháng tư, gọi điện cho Thượng úy Trần Thanh Luân - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015, anh nói sắp lên máy bay tập luyện. Anh Luân hiện là phi công chiến đấu ở Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng PKKQ.
Cuộc gọi chỉ có vài phút. Luân hẹn sau 15h mới nói chuyện thêm được, vì đầu giờ chiều vẫn phải bay. Luân sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Không quân trở thành phi công đầu tiên được đưa thẳng lên máy bay Su-30MK2 hiện đại để huấn luyện chuyển loại.
“Ý thức được niềm vinh dự này, mình và đồng đội không ngừng học tập", Luân chia sẻ dịp về nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ở Hà Nội.
Luân bảo, lần đầu được thử sức với chiến đấu cơ hiện đại như Su-30MK2 rất hồi hộp. Rồi những bài bay đòi hỏi độ phức tạp ngày càng cao, phi công phải có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, tinh thần vững.
Luân chia sẻ, đối với phi công, mỗi khi cất cánh phải toàn tâm, và tập trung cao độ. “Đó là tính mạng của mình, của đồng chí, đồng đội. Rồi chiếc máy bay rất hiện đại, đắt tiền nữa. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ trả giá rất đắt.
Nhiệm vụ dù khó khăn, vất vả, nguy hiểm thế nào chăng nữa, những phi công như mình sẽ không chùn bước, luôn vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ”, Luân nói.
“Giữa mênh mông ngàn trùng sóng nước, hàng trăm cây số ra Trường Sa, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên đảo, nhìn thấy bộ đội mình vẫy tay chào thì lòng tự hào dân tộc lại trào dâng”.
Phi công Trần Thanh Luân
Luân hạnh phúc vì thực hiện ước mơ cháy bỏng là được điều khiển chiến đấu cơ hiện đại nhất của Quân chủng PKKQ để bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Theo Luân, mỗi chuyến bay cất cánh luôn mang theo niềm tin của nhiều thành phần, từ bộ phận kỹ thuật, thông tin, chỉ huy và gắn với đó là trách nhiệm. “Trách nhiệm nặng nề nhưng mình thấy vinh dự, tự hào.
Mỗi khi cất cánh lên không trung, được ngắm nhìn bầu trời Tổ quốc trong xanh, hiền hòa và mặt đất thân yêu, mình mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về căn cứ hạ cánh an toàn. Đó là động lực thôi thúc mình hoàn thành mọi chuyến bay”, Luân chia sẻ.
Đặc biệt, theo Luân, mỗi lần bay tuần tiễu ra quần đảo Trường Sa cảm xúc lại dâng trào. “Giữa mênh mông ngàn trùng sóng nước ra Trường Sa, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, thấy bộ đội mình vẫy tay chào thì lòng rất tự hào", Luân nói.
Luân chia sẻ, khi được biên chế vào Trung đoàn Không quân 935 - đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, thềm lục địa phía Nam, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, Luân nhận được sự giúp đỡ của thủ trưởng cấp trên, sự dạy bảo của thế hệ phi công đi trước để bây giờ có thể tự hào nói “tôi đã là phi công chiến đấu thực thụ”.
Thầy trò cùng giữ chủ quyền
Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng - Thủ trưởng, thầy giáo của Luân ở Trung đoàn 935 cũng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Anh Thắng nhận giải thưởng năm 2002.
Với Luân, anh Thắng vừa là Thủ trưởng, vừa là đồng chí, đồng đội, lại cùng bay trên một chuyến bay. Ngoài công việc, nhiệm vụ, ở ngoài đời anh Thắng là người anh, người bạn rất tâm lý.
“Anh Thắng và tất cả những người làm thầy, làm nghề huấn luyện, giảng dạy cho phi công, đặc biệt là về các loại Su-30 đều rất tâm huyết với nghề.
Ngoài nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện tốt nhiệm vụ, các anh, các thầy còn truyền đạt hết tất cả kinh nghiệm cho thế hệ đi sau.
Qua từng chuyến bay, bài bay, các thầy uốn nắn trực tiếp, chỉ cho học viên từng khuyết điểm, trong cuộc sống luôn quan tâm đến suy nghĩ, nắm bắt diễn biến tâm lý của học trò, kịp thời chấn chỉnh, rèn luyện cho bản lĩnh vững vàng, có thể đương đầu với mọi khó khăn thử thách”, Luân chia sẻ.
Phi công Trần Thanh Luân.
Anh Thắng hiện là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, Sư đoàn 370. Hồi nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, anh đang công tác tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang).
Ngày 7/7/2002, anh đang bay trên chiếc Su-27 thực hiện nhiệm vụ trên biển thì gặp trục trặc động cơ. Vị trí lúc đó cách đất liền khoảng 200 km, nếu không kịp xử lý sẽ dẫn đến hậu quả không lường.
Bằng khả năng và lòng dũng cảm của mình, anh đã hạ cánh an toàn. Từ đó đến nay, anh vẫn hướng dẫn bay huấn luyện, tập luyện, sẵn sàng bay chiến đấu và làm công tác chỉ huy.
Trao đổi về những học trò như Luân, anh Thắng bảo, chỉ dạy thêm trong mấy tháng là xong vì học trò đã là phi công rồi, chỉ kèm cặp để chuyển loại.
“Luân là khóa đầu tiên. Hiện mình đang dạy khóa thứ ba. Huấn luyện phi công nói chung rất khó. Mức độ thải loại rất cao, đòi hỏi khắt khe hơn các môn khác. Lúc vào đã chọn lựa các phi công cơ bản rất giỏi rồi.
Để lái được máy bay chiến đấu phải đầy đủ các yếu tố như tố chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị... Thiếu một cái không được”, anh Thắng nói.
Cách đây hai chục năm, cũng tầm tuổi như Luân bây giờ, anh Thắng đã bay tuần tiễu ra Trường Sa. “Có khi tuần một lần, cũng có khi tháng một lần.
Mỗi lần ra đó mình đều rất bâng khuâng, phấn chấn”, anh Thắng nói. Đến bây giờ anh vẫn thường xuyên cùng học trò bay huấn luyện và bay tuần tiễu ra Trường Sa trên Su-30MK2.