Thấy gì từ phát ngôn của Thái tử Ả rập Xê út về Israel và Palestine?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chỉ là một phát biểu thôi nhưng đủ để báo hiệu sự điều chỉnh chính sách và thay đổi quan điểm rất cơ bản của Ả rập Xê út đối với Israel và Palestine.

"Có quyền có được nhà nước riêng"

Trong những ngày này, liên quan đến khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh cũng như đến thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo, bên cạnh cuộc gặp cấp cao giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, có chuyện gây ồn ào là phát ngôn của Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman với tờ The Atlantic của Mỹ rằng: "Người Palestine và người Israel có quyền có được đất nước riêng".

Vị thái tử trẻ này đưa ra những điều kiện nhất định, nhưng thiên hạ luận giải chủ yếu thông điệp là Ả rập Xê út sẵn sàng và cho rằng đã đến lúc công nhận nhà nước Israel.

Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng "Có quyền có được nhà nước riêng" còn vượt xa hơn cả "Công nhận nhà nước riêng". Cho tới thời điểm ấy, chưa có bất kỳ đại diện cao cấp nào của vương triều nơi sa mạc này đi xa đến mức như vậy để nói ra những điều ấy.

Ả rập Xê út không có quan hệ ngoại giao với Israel, tự coi là "Người bảo vệ đạo Hồi", có hai thánh địa của đạo Hồi là Medina và Mekka, cũng như luôn ủng hộ Palestine có được nhà nước độc lập.

Vương triều này luôn tận dụng những lợi thế có được để vươn lên gây dựng vai trò lãnh đạo thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo. Nó gây dựng mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống với Mỹ cũng vì thế.

Phát biểu nói trên của Mohammed bin Salman là sự phát triển và thể hiện mới một ý tưởng cũ cũng xuất xứ từ Ả rập Xê út.

Năm 2002, thái tử của vương triều này Abdullah - về sau trở thành Vua Abdullah trị vì Ả rập Xê út từ 2005 đến khi qua đời năm 2015 mà người kế vị là Vua Salman, cha của Mohammed bin Salman - đã đưa ra sáng kiến hoà bình nhằm xử lý cuộc xung đột giữa Israel và Palestin.

Tháng 3 năm ấy, Liên đoàn Ả rập đã chấp nhận sáng kiến này nhưng Thủ tướng Israel khi ấy là Ariel Sharon lại coi đó là một "âm mưu của các nước Ả rập" và đã bác bỏ nó.

Nội dung chính của sáng kiến này là các nước thành viên Liên đoàn Ả rập bình thường hoá quan hệ với Israel và công nhận nhà nước Israel, Israel rút khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép từ năm 1967 và công nhận nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem.

Bây giờ, vị thái tử đương nhiệm tiếp nhận cách tiếp cận của người trước trên cùng cương vị, nhưng khác trước ở chỗ đi xa hơn về phía này và thụt lùi ở phía khác, cụ thể là đi xa hơn khi công nhận "quyền của Israel có nhà nước độc lập" nhưng lại thụt lùi khi không đề cập gì đến vấn đề Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.

Chỉ là một phát biểu thôi nhưng đủ để báo hiệu sự điều chỉnh chính sách và thay đổi quan điểm rất cơ bản của Ả rập Xê út đối với Israel và Palestine.

Tuy chỉ là thái tử nhưng Mohammed bin Salman gần như đã nắm thực quyền ở Ả rập Xê út.

Ông chủ định khi đến Mỹ mới nói ra điều cả Mỹ và Israel muốn nghe kia. Và ông hiện tìm cách bình thường hoá cũng như thúc đẩy quan hệ với Israel chủ yếu và trước hết vì chịu sự bức bách ngày càng tăng của thời cuộc và bởi tham vọng quyền lực của chính mình. Hay nói theo cách khác, vì bị khó khăn khó xử nên mới phải dụng lại ý tưởng của người trước.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Quan hệ với Israel là chuyện rất nhạy cảm trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo.

Phát biểu nói trên của Mohammed bin Salman thực chất chẳng khác gì đánh đổi sự đồng thuận quan điểm chính sách của các nước Ả rập lấy cải thiện quan hệ riêng với Israel, như thế Ả rập Xê út đã vứt bỏ một điều cấm kỵ chung.

Thật ra, mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Israel không hẳn chỉ thù địch và hoàn toàn băng giá.

Quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại ngày càng sôi động hơn. Hợp tác về an ninh không thể không có bởi cả hai đều là đồng minh chiến lược của Mỹ và cả hai đều hợp tác quân sự và an ninh rất chặt chẽ và tin cậy với Ai cập và Jordan. Israel đã được rất nhiều nước trên thế giới công nhận.

Ở Ả rập Xê út, Mohammed bin Salman có được uy tín cao nhờ những cải cách chính trị và xã hội tuy muộn mằn nhưng cấp tiến và nhờ thể hiện tầm nhìn xa cho sự phát triển của đất nước.

Nhưng về đối ngoại thì Thái tử Salman cho tới nay thất bại nhiều hơn thành công, đặc biệt trên 4 phương diện là cuộc chiến tranh quân sự ở Yemen, cuộc chiến ngoại giao chống Qatar, vai trò suy giảm ở Syria và ganh đua ảnh hưởng với Iran.

Trong tình cảnh ấy, ông tung ra phát biểu trên nhằm hai mục đích.

Thấy gì từ phát ngôn của Thái tử Ả rập Xê út về Israel và Palestine? - Ảnh 2.

Thứ nhất là thể hiện hình ảnh của nhà cải cách chủ trương mở cửa và hiện đại hoá đất nước, giảm mức độ thái quá và tăng mức độ ôn hoà của quốc giáo ở vương quốc là đạo Hồi.

Thứ hai là tranh thủ và lôi kéo Israel vào cùng phe để ganh đua, đối phó thậm chí cả chống Iran. Cách tiếp cận của Thái tử Mohammed bin Salman ở đây xem ra không phải cái gì khác ngoài "Kẻ thù của kẻ thù là bạn".

Mohammed bin Salman đã từng cổ xuý cho tiến hành chiến tranh với Iran, vẫn đang tiến hành "chiến tranh qua tay kẻ khác" với Iran ở Yemen. Ông còn so sánh Giáo chủ Kkamenei của Iran với trùm phát xít Đức Hitler.

Ông tranh thủ và "tỏ tình" với Israel vì có kẻ thù chung với Israel là Iran, để liên quân và liên thủ, liên minh và liên kết với Israel cùng nhau vào cuộc chiến với Iran.

Cũng không loại trừ khả năng những phát biểu nói trên của Mohammed bin Salman theo cùng hướng với chủ định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cũng như về Iran.

Nhưng cứ theo đó thì chưa thấy triển vọng hoà bình cho Israel và Palestine đâu mà trước mắt chỉ thấy tăng nguy cơ xung khắc trực tiếp giữa hai nước này với Iran.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại