Đạo luật mới từ Israel
Reuters đưa tin ngày 2/1, Quốc hội Israel đã công bố đạo luật sửa đổi thỏa hiệp "đổi đất lấy hòa bình" liên quan đến tranh chấp lãnh thổ Jerusalem giữa nước này và Palestine.
Đạo luật sửa đổi mới quy định, bất cứ quyết định nào về việc nhường lãnh thổ cho "nước ngoài" đều phải được 80 trên tổng số 120 nghị sĩ Quốc hội thông qua. Theo Reuters, mức phiếu thuận được yêu cầu trong điều luật cũ là 61/120.
Quốc hội Israel ban hành đạo luật bổ sung này chỉ chưa đầy một tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tiến trình hòa giải Israel – Palestine do Mỹ đóng vai trò trung gian đã "đóng băng" kể từ năm 2014.
Hàng rào do Israel xây dựng gần trại tị nạn Shuafat tại Bờ Tây. Ảnh: Reuters.
Trước đó, quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ngày 6/12/2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trong khu vực, khiến nhiều người Palestine nổi giận và đòi tước vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong mối quan hệ giữa 2 nước.
Mặt khác, đề xuất của Mỹ nhằm khôi phục các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine do con rể ông Trump - tức cố vấn tổng thống Jared Kushner - phụ trách, cho đến nay vẫn chưa thấy tiến triển.
Ông Naftali Bennett, lãnh đạo đảng cực hữu Ngôi nhà Do Thái của Israel, người tài trợ đạo luật sửa đổi này, cho biết: "Không người Do Thái nào tự có quyền quyết định nhượng bộ lãnh thổ".
Điều luật sửa đổi này đã được Quốc hội Israel thông qua với 64 phiếu thuận và 52 phiếu chống. Hiện các phía Palestine chưa đưa ra bình luận về điều luật bổ sung này.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Isaac Herzog cho rằng đảng Ngôi nhà Do Thái của ông Bennett đang dẫn dắt Israel bước trên con đường "hướng tới thảm họa khủng khiếp".
Tranh chấp tiếp diễn
Tình trạng thành phố thiêng Jerusalem là một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỉ giữa Israel và Palestine.
Theo Reuters, năm 1967, khu vực Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng sau cuộc Chiến tranh Trung Đông và được sáp nhập vào lãnh thổ quốc gia này, hiện nay quốc tế chưa công nhận quyết định này. Israel từng tuyên bố Jerusalem là thủ đô "vĩnh cửu và thống nhất" của mình.
Về phía Palestine, nước này lại muốn Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai, cùng với khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.
Cụ bà tay không ngăn cản đụng độ giữa Phòng vệ Israel và người biểu tình Palestine
Chủ nhật tuần qua (31/12/2017), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thuộc đảng Likud đã nhất trí với đề xuất của các nhà lập pháp nước này, nhằm đưa ra một giải pháp không ràng buộc để sáp nhập các khu định cư của Israel được xây dựng ở Bờ Tây.
Các nhà bình luận chính trị cho biết, quyết định nói trên có thể làm gia tăng sự ủng hộ từ cánh hữu đối với ông Netanyahu và có thể có lợi cho chiến dịch tranh cử sắp tới của ông. Ông này hiện đang phủ nhận những cáo buộc tham nhũng do đảng đối lập đưa ra.
Cuộc bầu cử quốc hội Israel dự kiến diễn ra trong tháng 11/2019, nhưng các cuộc điều tra của cảnh sát trong 2 trường hợp cáo buộc tham nhũng chống lại ông Netanyahu và căng thẳng giữa các đối tác liên minh trong chính quyền Israel có thể thúc đẩy nhà nước tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong thời gian tới.
Theo lời một số nhà bình luận, đạo luật sửa đổi mới này khá giống với một điều luật về thỏa hiệp lãnh thổ khác của Israel vẫn đang có hiệu lực. Do đó, họ cho rằng động thái của đảng Ngôi nhà Do Thái chủ yếu là để cạnh tranh sự ủng hộ từ cánh hữu với đảng Likud.