"Thỏa thuận thế kỷ"...
Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump sau khi tham vấn một số nước Ả rập, vừa qua đã đưa ra một kế hoạch mới nhằm giải quyết vấn đề Palestine mà các phương tiện thông tin gọi là "Thỏa thuận thế kỷ" (The deal of the century).
Thuật ngữ "Thỏa thuận thế kỷ" được giới chính trị sử dụng từ khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Jared Kushner, con rể và là cố vấn của Donald Trump chính là cha đẻ của "Thoả thuận thế kỷ". Cùng làm việc với Jared Kouchner còn có Jason Greenblatt, đặc phái viên của Mỹ về Tiến trình Hoà bình Trung Đông. Jason Greenblatt là người Mỹ gốc Do Thái có quan hệ thân thiết với Donald Trump từ lâu.
Ông Jason Greenblatt (ngoài cùng trái) và con rể ông Trump Jared Kushner (thứ 3 từ trái sang) gặp Thủ tướng Israel Netanyahu (ngoài cùng phải). Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Israel
Jared Kushner đã đến thăm Ả rập Xê út, Ai cập và Israel, ba nước được coi là quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông, để đề xuất và vận động cho ý tưởng của kế hoạch này.
Mặc dù đến nay "Thỏa thuận thế kỷ" chưa được công bố chính thức, nhưng nhiều nội dung chi tiết đã được tiết lộ. Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức đưa ra một kế hoạch giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel vào giữa năm nay.
Chính quyền Mỹ cho đây sẽ là một kế hoạch toàn diện, hoàn toàn khác với ý tưởng cả các chính quyền Mỹ trước đây. Ả rập Xê út và các nước vùng Vịnh khác sẽ hỗ trợ tài chính 10 tỷ đô la cho Palestine để thực hiện kế hoạch này.
Kế hoạch này đã được phía Palestine tiết lộ trong cuộc họp của Hội đồng Trung ương Palestine ngày 14-15/1/2018 với nội dung chính như sau:
- Công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về đây.
- Sáp nhập các khu định cư lớn ở Bờ Tây vào Israel.
- Tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine phi quân sự ở dải Gaza và một số vùng thuộc Bờ Tây, Israel giữ quyền kiểm soát về an ninh.
- Công nhận Israel là quốc gia Do Thái.
- Israel sẽ rút dần khỏi các khu vực Palestine bị chiếm đóng.
- Vấn đề người tị nạn Palestine sẽ được đàm phán sau.
- Thủ đô của Nhà nước Palestine sẽ nằm ở vùng ngoại ô thành phố Jerusalem, ngoài biên giới năm 1967 sáu km.
- Muộn nhất là sau 2 đến 3 tháng, chính quyền Mỹ sẽ tuyên bố chấp thuận việc sáp nhập các khu định cư và sau đó sẽ đưa ra một "khái niệm an ninh chung" cho cả hai nhà nước Israel và Palestine như hai đối tác của hoà bình.
Thực chất của đề nghị này là nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine và thành lập một liên minh mới chống Iran với sự tham gia của Israel.
...hay "cú tát thế kỷ"?
Đề nghị này có 4 điểm hoàn toàn mới đã bị phía Palestine bác bỏ hoàn toàn.
Đó là Nhà nước Palestine sẽ là một nhà nước phi quân sự, thiết lập quan hệ hợp tác an ninh chung giữa Israel và Palestine với sự tham gia của Wahington và một số nước khu vực, các lực lượng Israel sẽ đóng dọc theo sông Jordan và dãy núi miền Trung để bảo vệ an ninh cho hai nhà nước và Israel chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh trong các trường hợp khẩn cấp.
Theo kế hoạch này, các nước trên thế giới sẽ công nhận quốc gia Israel là tổ quốc của người Do Thái và quốc gia Palestine là tổ quốc của người Palestine. Israel sẽ đảm bảo tự do thờ đạo cho tất cả mọi người ở các vùng thánh địa.
"Thỏa thuận thế kỷ" thực chất là xoá bỏ giải pháp hai nhà nước, bỏ qua những hồ sơ quan trọng nhất của cuộc xung đột như vấn đề người tị nạn, các khu định cư, nghiễm nhiên quyết định Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel.
Đây là một giải pháp mang tính chất áp đặt đối với Palestine không qua đàm phán, đi ngược lại hoàn toàn với các điều khoản của Thỏa thuận Oslo ký năm 1993 giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine PLO và được chính Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận.
Chính quyền Palestine và các tổ chức Palestine đề đã lên tiếng bác bỏ hoàn toàn kế hoạch này của Mỹ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abass mô tả kế hoạch này là một "cú tát thế kỷ" ( tiếng Ả rập "Thỏa thuận thế kỷ" là "Safqa Al-Qarn", "Cú tát thế kỷ" là Safaa Al-Qarn" phát âm gần giống nhau). Ông khẳng định, với kế hoạch này, Israel đã chấm dứt tiến trình Oslo và Palestine không thể nhân nhượng vì Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.
Một sáng kiến liên quan đến những vấn đề sống còn của Israel và Palestine mà bị một bên bác bỏ hoàn toàn thì sáng kiến đó sẽ không có "đất sống". Đây không phải ý kiến của riêng tôi mà một chuyên gia nổi tiếng của Israel về các vấn đề Ả rập Yoni Ben-Menachem.
Chuyên gia Yoni Ben-Menachem cũng cho rằng: "Thỏa thuận thế kỷ" rất khó có cơ hội thành công bởi nó hoàn toàn không có một triển vọng chính trị nào giữa người Palestine và người Israel, đặc biệt trong tình hình Mỹ và các nước Ả rập đang vướng vào những mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ, chưa nói đến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa có triển vọng giải quyết.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại