Mới đây, Sputnik có được thông tin rằng: Lầu Năm Góc đang xem xét thời điểm thích hợp để tổ chức một cuộc diễu binh theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu được tổ chức, sự kiện có thể sẽ diễn ra vào khoảng tháng 11 tới, tại Washington D.C.
Vì sao nước Mỹ đột nhiên lại thích thú với hình ảnh các quân nhân diễu hành bên cạnh xe tăng trên đại lộ Pennsylvania ư? Theo Sputnik, có vẻ như ông Trump được truyền cảm hứng từ cuộc diễu binh mừng quốc khánh mà ông chứng kiến tại Pháp năm 2017.
Làn sóng phản đối
Nhiều nhà sử học lo ngại về ý nghĩa mà sự kiện sẽ truyền tải.
"Nếu thông điệp là: Tôi muốn bày tỏ tôi trân trọng quân đội của nước mình tới mức nào thì đó là một điều tuyệt vời", nhà sử học Mỹ Michael Beschloss nói với NYTimes. Tuy nhiên, Beschlos còn lo ngại, cuộc diễu binh nhằm thực hiện những mục đích khác.
"Nếu ý tưởng tiến hành diễu binh là để bắt chước [phô diễn] năng lực quân đội của các nước khác thì tôi không nghĩ đó là ý hay".
Trong khi đó, Kathy Kelly, điều phối viên của tổ chức Voices for Creative Non-Violence, cho rằng số tiền chi cho cuộc diễu binh, ước tính khoảng 20-25 triệu USD, có thể được sử dụng một cách xứng đáng hơn.
Trao đổi với Sputnik, Kelly khẳng định, mối quan tâm đối với cuộc diễu binh sẽ đặt dấu chấm hết cho nỗ lực giải quyết các vấn đề quan trọng hơn mà nước Mỹ phải đối mặt.
Ông Trump tham dự lễ diễu binh Quốc khánh Pháp. Ảnh: Reuters
"Tôi nghĩ rằng ông Donald Trump chắc chắn đã nâng đỡ chủ nghĩa quân phiệt theo cái cách khiến cho khả năng giải quyết những vấn đề thực sự mà ta đang đối mặt bị phân tán - những vấn đề liên quan tới môi trường, cách biệt thu nhập và hạ tầng của Mỹ", Kelly nói.
"Chúng tôi có thể giải quyết tất cả những vấn đề ấy, nhưng chúng tôi sẽ không làm được điều đó mà vẫn nâng đỡ chủ nghĩa quân phiệt".
"Quá trình quân sự hóa khiến chúng ta ở trong trạng thái chiến tranh vĩnh viễn và liên tục rót nguồn lực của mình vào hầu bao của các nhà thầu quân sự, những người sẽ chỉ hạnh phúc khi bản thân được phô diễn trong một cuộc diễu binh lớn".
Peter Kuznick, giáo sư lịch sử và giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân của Đại học Mỹ, đã nhấn mạnh rằng: Mặc dù lịch sử nước Mỹ trong chiến tranh được định nghĩa bằng sự thất bại kể từ Thế chiến II, nhưng điều đó không ngăn người Mỹ ca ngợi quân đội của mình.
"Thông điệp mà chúng ta nhận được là, giải pháp quân sự không mấy khi hiệu quả... Đó chỉ nên là phương kế cuối cùng", ông Kuznick nói, "Có một điều gần như nghịch lý, đó là ta càng dở trên chiến trường thì ta càng ca ngợi quân đội mình".
Gần 30 năm "vắng bóng"
Diễu binh ở Mỹ nói chung là hiếm. Những cuộc diễu binh tương tự ở các quốc gia khác thường là để ăn mừng chiến thắng trên chiến trường hoặc phô diễn sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, hoạt động này không phải là không có ở Mỹ. Trước đây đã có rất nhiều cuộc diễu bình hoành tráng.
Cuộc diễu binh lớn cuối cùng của Mỹ là vào năm 1991. Hàng nghìn binh lính cùng xe tăng diễu hành tại Washington để ăn mừng "chiến thắng" của lực lượng Iraq trước Kuwait trong cuộc chiến Vùng Vịnh. Cuộc diễu hành tiêu tốn 12 triệu USD, Reuters dẫn báo cáo thời điểm đó.
Mặc dù Lầu Năm Góc chưa dự chi nhưng một cuộc diễu hành tương tự sẽ tiêu tốn hàng triệu USD và đó sẽ là một thách thức về mặt hậu cần cho Washington để đưa hàng nghìn binh lính, xă tăng và máy bay về thủ đô.
Hội đồng Quận Columbia có vẻ không hưởng ứng trước ý tưởng tổ chức diễu binh trên đại lộ Pennsylvania, chặng đường dài 1,9km từ Điện Capitol tới Nhà Trắng.
Phát ngôn viên của Thị trưởng Washington Muriel Bowser cho biết Quận Columbia không hề đưa ra đề nghị tổ chức diễu binh nhưng "cũng như bức tường (ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico), ông ta (Trump) sẽ phải chi trả cho nó".
Nhưng dù cuộc diễu binh chưa diễn ra, giáo sư Kuznick cho rằng, người Mỹ chỉ cần xem Super Bowl (Siêu cúp bóng bầu dục) hoặc bất kỳ trận bóng bầu dục nào" là có thể cảm nhận được tinh thần ca ngợi quân đội.
"Niềm tin nơi quân đội là một điều mà dường như người dân đều có thể đồng tình... Anh không cần phải đi tới một cuộc diễu binh [để cảm thấy điều đó]", ông Kuznick nói.