Chúng ta làm việc vất vả cả năm, chăm chỉ cả năm đôi khi để mong có một cái Tết thật đầy đủ, sung túc. Nhưng cũng có lúc cuộc đời mang đến những bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước được.
Bạn đã nghĩ đến việc khi cầm trong tay món tiền thưởng Tết mình sẽ mua ngay một món quà để tặng cho bản thân vì đã chăm chỉ suốt cả năm. Hoặc năm nay có thể sắm Tết cho gia đình đầy đủ hơn. Hoặc bạn cũng có thể tiết kiệm được một khoản nho nhỏ cho những kế hoạch vào năm sau.
Vậy mà đùng một cái, công ty sa thải bạn vì nhiều lý do khác nhau. Đây có lẽ là một cú sốc mà bất cứ ai cũng đều không sẵn sàng để đối mặt.
Theo Nuala Whelan, tiến sĩ tâm lý khoa Xã hội học tại Mỹ, cú sốc về sự thất nghiệp sẽ làm góp phần tạo ra những trải nghiệm đau khổ trong tâm lý một người. Mất việc khiến cho mọi người không hạnh phúc và có thể khiến cho tâm trạng trở nên thất thường, lo lắng, nhận thức kém, mất tự tin và nhiều các vấn đề tâm lý nặng nề khác như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Thất nghiệp đã đáng sợ, thất nghiệp trước Tết còn đáng sợ hơn
Thất nghiệp là một sự kiện đáng sợ, nhưng có lẽ thất nghiệp trước Tết còn đáng sợ hơn nhiều. Hàng trăm nỗi lo toan đang ở phía trước, những ngày tháng cuối năm là lúc người ta đang chạy đôn chạy đáo kiếm tiền thì mình lại mất việc làm, mất thu nhập. Chỉ mới tưởng tượng thôi đã thấy rất nhiều mệt mỏi.
Cuối năm là lúc chúng ta nhìn lại một năm đã qua, để xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì và đạt được những thành tựu gì. Sẽ có những người hài lòng và thỏa mãn về những gì mình có được, nhưng cũng có những người hụt hẫng, buồn bã và thất vọng. Đặc biệt, khi bị sa thải vào thời điểm này, nhiều người sẽ mang tâm lý thất bại và đau buồn.
Chưa kể đến việc sẽ phải đối mặt với gia đình và bạn bè ra sao, áp lực tài chính khiến cho những người bị thất nghiệp vào thời điểm này có thể trở nên khủng hoảng. Hơn nữa, trong khoảng thời gian cuối năm này thì việc tìm việc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, thất nghiệp không hẳn là một điều tồi tệ. Trên thực tế, bạn có thể sử dụng thời gian thất nghiệp của mình để biến những điều tuyệt vời thành hiện thực, đặc biệt là thời điểm năm hết Tết đến.
Và đối với một số người, việc thất nghiệp thậm chỉ có thể giống như một sự giải thoát. Bạn sẽ không phải dậy sớm mỗi ngày, không phải lo chạy deadline, và lâu lắm rồi bạn mới có nhiều thời gian rảnh đến vậy.
Cảm giác đau buồn, sốc và thậm chí là nhẹ nhõm là những phản ứng tự nhiên khi bạn lâm vào cảnh thất nghiệp. Bất cứ điều gì bạn đang cảm thấy đều hoàn toàn ổn. Đó là một sự thay đổi lớn, vì vậy hãy để bản thân cảm nhận mọi thứ.
Hãy sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi này để nghĩ về tương lai của mình và chuẩn bị cho mình những cơ hội nghề nghiệp mới, bất kể chúng có thể là gì.
Thất nghiệp rồi, biết phải làm sao?
Thất nghiệp là điều chẳng ai muốn xảy ra cả. Đây là trở ngại nhưng cũng có thể là cơ hội để bạn gắn kết với một công việc mới nếu bạn biết cách thay đổi bản thân mình.
Nếu không may rơi vào tình cảnh thất nghiệp trước Tết, đây là 8 điều mà bạn cần tham khảo để vượt qua.
1. Xin trợ cấp thất nghiệp
Nếu bạn thất nghiệp, hãy lập tức nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên cơ quan bảo hiểm xã hội. Với mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, áp lực tài chính của bạn có thể sẽ giảm bớt được phần nào.
2. Giữ lịch trình hàng ngày đều đặn
Đừng quá thoải mái với bản thân. Có thể là đã lâu rồi bạn không được ngủ một giấc thật dài, hoặc đã lâu bạn không nằm ì trên sofa xem một chương trình truyền hình yêu thích. Khoảng thời gian thất nghiệp này có thể cho phép bạn làm những gì mà trước đó bạn muốn, nhưng hãy chỉ cho phép bản thân mình nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Việc giữ lịch trình hàng ngày đều đặn là một cách để bạn duy trì năng suất và sự tập trung.
Sau khi thất nghiệp, nếu bạn tiếp tục bắt đầu ngày mới đúng giờ, điều đó sẽ giúp bạn luôn năng động và ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
3. Dành thời gian để suy nghĩ về những gì tiếp theo
Hãy cho bản thân thời gian để suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm tiếp theo thay vì lao thẳng vào việc tìm kiếm công việc mới. Khi chúng ta bận rộn với công việc, thường rất khó tìm được thời gian để xử lý và suy ngẫm về cuộc sống. Thất nghiệp có thể là cơ hội để đánh giá cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
Hãy tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng với cuộc sống nghề nghiệp như khả năng cân bằng của bạn giữa công việc và cuộc sống như thế nào, bạn muốn làm toàn thời gian hay tự do, bạn cảm thấy thế nào về việc làm từ xa hay đến văn phòng, bạn nên dành thời gian để học tiếp hay không, tình hình tài chính của bạn hiện tại như thế nào...
Hãy sử dụng khoảng thời gian thất nghiệp này để suy nghĩ lại về những gì bạn muốn làm với cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình.
4. Phát triển kỹ năng
Thất nghiệp có thể là thời điểm tốt để bạn nâng cấp kỹ năng của mình hoặc thậm chí là học thêm một kỹ năng mới. Nếu bạn đang cân nhắc thay đổi nghề nghiệp, thì việc sử dụng thời gian này để học kỹ năng mới có thể giúp bạn có nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Ngay cả khi bạn không thay đổi lĩnh vực công việc của mình, việc nâng cấp các kỹ năng hiện tại sẽ giúp bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá.
Ngoài việc nâng cấp các kỹ năng, đây cũng là cơ hội tốt để đầu tư và phát triển cá nhân. Học tập và phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu cũng sẽ rất quan trọng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Không quan trọng là bạn làm việc trong ngành nào, những kỹ năng như giao tiếp, tính linh hoạt và tư duy phản biện luôn có giá trị.
Và đừng quên rằng, thế giới công việc đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta cũng phải phát triển cùng với nó. Việc học các kỹ năng mới là cách để bạn có thể tự chứng minh bản thân trong tương lai trước sự gián đoạn lực lượng lao động, chẳng hạn như tự động hóa.
5. Cập nhật CV và hồ sơ xin việc
Trước khi gửi đơn xin việc, hãy dành thời gian để suy nghĩ và cập nhật CV của mình. Hãy cập nhật tất cả kinh nghiệm làm việc gần đây và có liên quan, trình độ học vấn, kỹ năng và tư duy.
Đây là thời điểm để bạn trau chuốt và chỉn chu lại CV của mình. Bạn có thể sử dụng những từ khóa nổi bật về bản thân để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, hoặc sử dụng những phần mềm để làm đẹp cho bộ hồ sơ của mình.
6. Sắp xếp lại cuộc sống của bạn
Thất nghiệp là một cơ hội để bạn có thể sắp xếp lại cuộc sống của mình. Cũng là thời điểm cuối năm, bạn có thể bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ những thứ không còn cần đến nữa, bắt đầu tập một bộ môn thể dục mà bạn luôn muốn thử, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách hợp lý sẽ giúp bạn nhìn rõ trái tim mình hơn, đồng thời nó cũng khuyến khích bạn bước sang một chương tiếp theo của cuộc đời và khiến cho khoảng thời gian thất nghiệp của bạn được sử dụng một cách hiệu quả.
7. Du lịch
Du lịch có thể mang lại những trải nghiệm văn hóa mới mẻ và thú vị. Du lịch có thể giúp bạn mở rộng tầm nhìn và cho phép bạn hiểu rõ hơn về những người khác trong bối cảnh hiện tại. Điều này sẽ làm cho cuộc sống của bạn phong phú hơn.
Nếu bạn có đủ nguồn lực cho một chuyến đi, hãy đến một nơi mà bạn chưa từng đến trước đây và tìm hiểu văn hóa tại đó. Thông qua trải nghiệm này, bạn có thể khám phá thêm được những sở thích mới, đam mê mới và tìm hiểu thêm được về bản thân hoặc phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với người khác.
8. Chăm sóc bản thân
Khi thất nghiệp, bạn có thể đột nhiên thấy mình có rất nhiều thời gian. Bạn có thể cân nhắc khoảng thời gian này để dành cho bản thân thay vì dành thời gian để tìm kiếm công việc mới.
Hãy dành khoảng thời gian cuối năm này để lắng nghe bản thân, tập trung xây dựng sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn. Hãy ưu tiên cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Tập thể dục và thực hiện các thói quen lành mạnh cũng sẽ giúp bạn phấn chấn và khỏe mạnh hơn.
Lời kết
Thất nghiệp có thể là một khoảng thời gian khó khăn, đặc biệt là trước Tết. Hãy dành thời gian để xử lý cảm xúc của mình và sau đó điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình là sử dụng khoảng thời gian này một cách hiệu quả.
Thất nghiệp cũng là thời điểm một cánh cửa đóng lại nhưng nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra, và đôi khi chỉ vài tuần ít ỏi cuối cùng của năm cũ cũng giúp bạn trở thành một phiên bản tốt hơn nhiều ở năm mới.