Thất bại ở Syria đã rõ ràng: NATO cũng "ngậm ngùi" đứng về phía Nga, chối bỏ lời thỉnh cầu "tiếp đạn" cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib?

Mạnh Kiên |

Nhiều khả năng Pháp, Đức sẽ thuyết phục ông Erdogan đạt được thỏa hiệp với Moscow, đặc biệt là khi Đức, Pháp và Mỹ đều không sẵn sàng can thiệp nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc đụng độ trực tiếp với quân đội Syria ở Idlib.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/2 cho biết, hội nghị thượng đỉnh ngày 5/3 với các đối tác Nga, Đức và Pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Idlib vẫn đang được xúc tiến. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng Ankara chỉ có một vài lựa chọn hạn chế trên bàn đàm phán ở Syria.

Cửa hẹp cho Thổ Nhĩ Kỳ

Bình luận trên Sputnik, chuyên gia Trung Đông Ghassan Kadi nói rằng, điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là không ai có thể đảm bảo hội nghị thượng đỉnh ngày 5/3 sẽ được tổ chức một cách chắc chắn, trước khi bàn đến việc nó có giúp giải quyết bế tắc Idlib hay không.

"Thứ hai, chúng ta đừng quên rằng đó là sáng kiến ​​của Tổng thống Erdogan khi yêu cầu hai đối tác Macron và Merkel ủng hộ một hội nghị như vậy, bởi vì ông ấy biết mình đang gặp rắc rối", chuyên gia Kadi nói.

"Với tư cách cửa dưới, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham dự cuộc họp để tìm kiếm lối thoát và giữ lại thể diện cho mình. Tổng thống Erdogan sẽ là người phải đi thương thuyết chứ không phải người quyết định".

Đánh giá tình hình hiện tại, Christopher Assad, một nhà phân tích chính trị người Syria dự đoán Nga sẽ đưa ra tối hậu thư cuối cùng về vấn đề Idlib tại hội nghị sau khi các thỏa thuận Sochi và Astana không được tuân thủ tại tỉnh này.

"Trong một hội nghị thượng đỉnh chóng vánh, người Nga sẽ nêu bật thực trạng hiện tại và đề xuất một kịch bản: Đức và Pháp sẽ thuyết phục Tổng thống Erdogan rút toàn bộ quân đội của mình khỏi tất cả các lãnh thổ Syria, ngoại trừ một dải đất rộng 16 km ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Idlib để có thể chứa chấp tất cả các nhóm khủng bố", chuyên gia Assad giả định.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chơi lại chiêu bài "người tị nạn"?

Theo các nhà quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cố gắng sử dụng lại chiêu bài "người tị nạn" để thuyết phục Đức và Pháp đứng về phía mình.

Ankara từng nhiều lần tuyên bố họ đang quản lý khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria, một gánh nặng sẽ không thể giải quyết nếu như quân đội Syria tiếp tục cuộc tấn công toàn diện vào Idlib.

Tổng thống Erdogan từng nhiều lần dùng lý do này để đề nghị viện trợ tài chính từ châu Âu, đồng thời cảnh báo sẽ để 3 triệu người tị nạn Syria đổ về lục địa già một khi yêu cầu của mình không được đáp ứng.

Với việc châu Âu vẫn đang gặp khó khăn trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di cư, đây được coi là mối đe dọa khó xử đến từ đồng minh thân thiết.

Thất bại ở Syria đã rõ ràng: NATO cũng ngậm ngùi đứng về phía Nga, chối bỏ lời thỉnh cầu tiếp đạn cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib? - Ảnh 2.

Tình hình Idlib có thể chuyển biến tồi tệ trước ngày hội nghị thượng đỉnh bốn bên diễn ra.

Vào tháng 12/2019, Brussels cho biết 6 tỷ euro viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được "huy động đầy đủ", nhưng Ankara đang muốn đòi hỏi nhiều hơn nữa trước nguy cơ hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi tỉnh Idlib sau các xung đột mới đây.

"Tất nhiên nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng tất cả các loại lý do, bao gồm cả người tị nạn, các vấn đề nhân đạo, việc châu Âu mất cơ hội chia sẻ quyền lực ở Syria một khi Ankara mất chỗ đứng tại đây", nhà phân tích Assad nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Berlin và Paris sẽ không thỏa hiệp với Tổng thống Erdogan vì họ đã có đủ tất cả những rắc rối kể trên.

Nhiều khả năng Pháp, Đức sẽ thuyết phục ông Erdogan đạt được thỏa hiệp với Moscow, đặc biệt là khi Đức, Pháp và Mỹ đều không sẵn sàng can thiệp nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc đụng độ trực tiếp với quân đội Syria ở Idlib.

"Điểm mấu chốt là, NATO và các đối tác trong khu vực nhận thức được rằng họ đã thất bại hoàn toàn ở phía Đông Địa Trung Hải", Assad nhận xét.

Không có đột phá

Trước khi hội nghị bốn bên ngày 5/3, tình hình ở Syria sẽ có những biến đổi lớn.

"Cho đến ngày đó, rất có thể tình hình cuộc chiến sẽ tồi tệ hơn nhiều đối với Tổng thống Erdogan và ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các cam kết của mình hoặc đối mặt với sự thất bại và mất thể diện hoàn toàn", chuyên gia Kadi dự đoán.

Về phần mình, chuyên gia Assad bày tỏ niềm tin vững chắc rằng Syria "sẽ không dừng hoạt động quân sự ở Idlib trừ khi Tổng thống Erdogan rút lực lượng ngay lập tức khỏi tỉnh".

"Syria đã quyết định giải phóng tất cả lãnh thổ của đất nước, bao gồm cả Idlib", nhà phân tích chính trị nhấn mạnh. "Họ đã bắt đầu giải phóng Idlib và sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu. Không có lý do chính trị hay quân sự hợp lý nào để họ làm như vậy. 

Cách duy nhất để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Idlib là Tổng thống Erdogan chấp nhận lời đề nghị của Nga. Bằng không, ông sẽ gặp phải những rắc rối khôn lường và một cuộc chiến trước mắt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại