Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb hôm 2/7 cho biết, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga xuất phát từ sự phụ thuộc ngày càng tăng của nước này vào gã khổng lồ châu Á khi Nga phải vật lộn với các lệnh trừng phạt kinh tế tê liệt từ phương Tây.
"Tôi cho rằng hiện tại Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức một cuộc điện thoại từ Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng này", ông Stubb nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc. "Nếu ông ấy [ông Tập] nói, 'Đã đến lúc bắt đầu đàm phán hòa bình.' Nga sẽ bị buộc phải làm điều đó."
"Họ [Nga] sẽ không có lựa chọn nào khác", ông Stubb tiếp tục.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Business Insider được gửi ngoài giờ hành chính.
Tổng thống Phần Lan - quốc gia đã gia nhập liên minh quân sự NATO vào tháng 4 năm ngoái - nói với Bloomberg rằng, việc làm trung gian hòa giải cuộc xung đột ở Ukraine sẽ có lợi cho Trung Quốc.
"Đó là điều đúng đắn cần làm. Và điều đó cũng thể hiện sự lãnh đạo từ Trung Quốc", ông Stubb nói thêm.
Theo Business Insider, trên thực tế, Trung Quốc đã kêu gọi hòa bình ở Ukraine.
Vào tháng 5/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh. Ông Tập nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc về một hội nghị hòa bình quốc tế có sự tham gia của Nga và Ukraine.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã không tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng 6 vừa qua vì Nga không được mời.
"Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng một hội nghị hòa bình quốc tế phải được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên, và tất cả các đề xuất hòa bình phải được thảo luận một cách công bằng và bình đẳng", Mao Ninh - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bình luận vào ngày 31/5 về sự kiện được tổ chức ở Thụy Sĩ.
Quan hệ tốt nhất trong lịch sử
Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đưa tin, vào ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi "mối quan hệ đối tác" giữa hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một khối an ninh khu vực do hai nước dẫn dắt nhằm đối trọng với sức mạnh của phương Tây.
Trong bài phát biểu trên truyền hình trước cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Astana (Kazakhstan) với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin cho biết "quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược" của hai nước đang trải qua thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.
Đáp lại, ông Tập đã đề cập đến "tình hình quốc tế và môi trường bên ngoài bất ổn" và nói rằng Nga và Trung Quốc "nên tiếp tục duy trì khát vọng hữu nghị ban đầu cho các thế hệ mai sau".
Ông Tập tiếp tục gọi ông Putin là "người bạn cũ" và cho biết hai nước đã đặt ra "kế hoạch và sắp xếp cho sự phát triển tiếp theo của quan hệ song phương".
Theo Al Jazeera, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga-Trung – lần thứ hai trong vòng 2 tháng – diễn ra khi cả hai nước tiếp tục đối mặt với áp lực từ phương Tây về chính sách khu vực của họ. Trong cuộc gặp gần đây nhất ở Bắc Kinh vào tháng 5, hai nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường quan hệ, đồng thời công kích các tổ chức quốc tế bao gồm Liên Hợp Quốc, G20 và NATO.
Tính chung, hai nhà lãnh đạo Nga-Trung đã gặp nhau khoảng 40 lần. Trong đó bao gồm việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" chỉ vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.