Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra (KLTT) liên quan đến một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn TP Hà Nội.
Qua thanh tra trực tiếp tại năm dự án, TTCP đã phát hiện có nhiều thiếu sót, trong đó điển hình là Hợp phần 1 - Xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở GTVT làm chủ đầu tư với tổng số tiền sai phạm là hơn 43 tỉ đồng.
Lãng phí ngân sách tại nhiều gói thầu
Theo KLTT, dự toán bảy gói thầu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng.
Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Sở GTVT đã thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt hợp đồng hơn 200 triệu đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, tại hai gói thầu BRT CP04a và BRT CP4b, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng, trong khi đó các tuyến đều có kết quả đo cường độ mặt đường tốt.
Điều này đã gây lãng phí ngân sách hơn 15 tỉ đồng.
Đầu tư rất lớn nhưng không hiệu quả
TTCP cho rằng việc đầu tư dự án BRT là chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng.
Điển hình như các nhà chờ và cầu vượt chưa thuận tiện cho người sử dụng, xe buýt BRT được bố trí làm đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Về lượng khách, theo báo cáo của Sở GTVT, trong sáu tháng đầu năm 2017, bình quân đạt 39,9 người/lượt, chỉ đạt 44% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7 người/lượt, đạt 75,4% công suất.
“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường TP” - KLTT nêu.
TTCP khẳng định trách nhiệm đối với những sai phạm trên thuộc về UBND TP Hà Nội , Sở GTVT, ban quản lý dự án và tư vấn thiết kế.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng giao chủ tịch UBND TP chỉ đạo rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại trên; tăng cường công tác khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng cùng các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả BRT.
Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đối với gói thầu trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã điều chỉnh giảm khối lượng tính thừa 316 m2 tương ứng trị giá hơn 800 triệu đồng việc gia công, lắp dựng vách hợp kim nhôm kính an toàn.
Rà soát hồ sơ nghiệm thu khối lượng hơn 158 tấn thép nhà thầu chưa chứng minh đủ hồ sơ, hóa đơn đưa vào thi công với giá trị hơn 1 tỉ đồng.
Để có thông tin nhiều chiều, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên lạc với đại diện dự án Hợp phần 1 - Xe buýt nhanh BRT nhưng người này không nghe điện thoại.
Không đạt mục tiêu của khảo sát Theo kết luận TTCP, tuyến buýt nhanh BRT có chiều dài 14,7 km (từ Bến xe Yên Nghĩa tới Kim Mã), với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Thời gian thực hiện từ quý IV-2007 đến năm 2010 nhưng thực tế phải đến năm 2013 hợp phần BRT mới khởi công, chậm sáu năm so với thời gian phê duyệt và sau chín năm đưa vào hoạt động. Để thực hiện hệ thống xe buýt nhanh BRT, UBND TP Hà Nội tổ chức ba đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonesia. Tuy nhiên, một đoàn không có báo cáo kết quả, hai đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Bên cạnh đó, các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư , thiết kế, dự toán xe BRT. Do đó không đạt mục tiêu của việc khảo sát. |