Thành phố New York đang chìm, không chỉ vì lũ lụt: Đâu là "điểm nóng"?

Trang Ly |

NASA cho biết, thành phố New York đã chìm xuống trung bình 1,6 mm mỗi năm.

Thành phố New York của Mỹ đang chìm dần. Không phải vì trận lũ lụt gần đây đã khiến người đi làm bơi trên đường phố West Village (Khu lân cận ở thành phố New York) còn thì ô tô bị mắc kẹt trên đường cao tốc Franklin D. Roosevelt (phía đông quận Manhattan), Space dẫn thông tin nghiên cứu từ NASA cho hay.

Thành phố New York đang chìm, không chỉ vì lũ lụt: Đâu là điểm nóng? - Ảnh 1.

Người dân đi bộ qua vùng nước ngập lụt ở ngoại ô Mamaroneck của Thành phố New York hôm 29/9. Ảnh: Mike Segar/Reuters

Từ năm 2016 đến năm 2023, các nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA đã sử dụng một phương pháp dựa trên không gian được gọi là Radar khẩu độ tổng hợp giao thoa kế (InSAR) để lập bản đồ 3D mặt đất bên dưới Thành phố New York, đo chuyển động đất thẳng đứng theo thời gian.

Họ phát hiện ra rằng trong thời gian này, khu vực thành phố New York đã chìm xuống trung bình 1,6mm mỗi năm.

Trong báo cáo "Sức nặng của thành phố New York" đăng trên Tạp chí AGU hồi tháng 5/2023, nhà địa chất Tom Parsons cho biết: "Thành phố New York phải đối mặt với những thách thức đáng kể từ nguy cơ lũ lụt; mối đe dọa mực nước biển dâng cao gấp 3-4 lần so với mức trung bình toàn cầu dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ".

Đâu là nguyên nhân?

Theo các nhà địa chất học, một số vùng đất bên dưới thành phố New York đang bị lún xuống một cách tự nhiên.

Khoảng 24.000 năm trước, một tảng băng bao phủ vùng New England đông bắc Mỹ. Dưới sức nặng khổng lồ của nó, vùng đất bên dưới chìm xuống giống như một tấm nệm bị nén xuống dưới sức nặng của một quả bóng bowling.

Trong khi đó, các khu vực xung quanh tảng băng – bao gồm cả thành phố New York – đã di chuyển lên trên.

Hiện giờ, băng đã tan, mặt đất đang trở lại mức bình thường trong một quá trình gọi là điều chỉnh đẳng tĩnh băng. Đối với riêng thành phố New York, điều đó có nghĩa là mặt đất đang chìm xuống.

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học NASA đã tiết lộ những khám phá mới về quá trình lún xuống của thành phố New York và một số trong đó không phải tự nhiên mà có và nó có mối quan hệ với hoạt động của con người (nhân tạo).

Brett Buzzanga, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại JPL, đồng thời là tác giả chính của bài báo, cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một bản đồ chi tiết về chuyển động thẳng đứng của đất ở khu vực thành phố New York đến mức có những đặc điểm nổi bật mà trước đây chưa được chú ý.

Chẳng hạn ở quận Queens, đất đang chìm nhanh hơn mức trung bình tại đường băng của Sân bay LaGuardia và Sân vận động Arthur Ashe, nơi tổ chức Giải vô địch quần vợt Mỹ mở rộng (US Open) mỗi năm. Đó là bởi vì chúng được xây dựng trên bãi chôn lấp.

Governors Island thuộc quận Manhattan và Rikers Island là những điểm nóng về sụt lún (hoặc chìm) khác có liên quan đến các bãi chôn lấp".

Thành phố New York đang chìm, không chỉ vì lũ lụt: Đâu là điểm nóng? - Ảnh 3.

Thành phố New York đang chìm dưới sức nặng của những tòa nhà chọc trời? Nguồn: Shutterstock/New York skyline

Nhóm nghiên cứu của NASA cũng phát hiện ra những điểm mà đất đang dâng lên (còn gọi là lực nâng). Ở East Williamsburg, quận Brooklyn của Thành phố New York, đất đang di chuyển lên trên khoảng 1,6mm mỗi năm.

Và ở Woodside, quận Queens, đất đã tăng 6,9mm mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2019, mặc dù xu hướng đó hiện đã ổn định.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Robert Kopp của Đại học Rutgers (New Jersey, Mỹ), bơm nước ngầm có thể là một yếu tố gây nên sự nâng cao ngắn hạn này.

Các nghiên cứu sắp tới sẽ tiếp tục điều tra sự dịch chuyển bề mặt trên toàn cầu, bao gồm cả sứ mệnh Radar khẩu độ tổng hợp (NISAR) của ISRO-NASA sắp ra mắt vào năm 2024.

Trong bối cảnh mực nước biển dâng cao xảy ra trên khắp hành tinh, dữ liệu của NISAR có thể là vô giá cho việc lập kế hoạch ứng phó.

Trước đó, AP thông tin, mưa lớn bao trùm khu vực đô thị New York với sức mạnh kinh hoàng hôm 29/9 đã làm tê liệt một số tuyến tàu điện ngầm và đường sắt, khiến tài xế mắc kẹt trên đường cao tốc, làm cho các tầng hầm ngập nước và buộc nhà ga tại Sân bay LaGuardia phải đóng cửa trong nhiều giờ.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia của Mỹ cho biết, lượng mưa 21,97cm tại Sân bay John F. Kennedy đã vượt qua kỷ lục của mọi tháng 9 kể từ năm 1960.

Lý giải nguyên nhân thành phố New York hứng chịu trận mửa kỷ lục này, chuyên gia khí tượng học Ross Dickman thuộc Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết, tàn dư của bão nhiệt đới Ophelia trên Đại Tây Dương kết hợp với hệ thống vĩ độ trung bình đến từ phía tây - vào thời điểm trong năm khi các điều kiện từ đại dương đặc biệt thuận lợi cho các cơn bão, đã gây nên trận mưa trên khắp thành phố New York trong 12 giờ.

Theo các nhà khoa học khí quyển, khi hành tinh ấm lên, các cơn bão đang hình thành trong bầu không khí nóng hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, khiến lượng mưa cực lớn xảy ra thường xuyên hơn.

Nguồn: Space, AP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại