Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) để phóng ba phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo đúng kế hoạch, vào lúc lúc 15:44 GMT ngày 15/9 (22:44 giờ Việt Nam), tên lửa Soyuz 2.1a của Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz MS-24 từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa phi hành gia lên Trạm ISS sau gần một năm.
Tên lửa Soyuz 2.1a phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-24 chở phi hành đoàn gồm phi hành gia NASA Loral O'Hara, các phi hành gia Roscosmos Oleg Kononenko và Nikolai Chub phóng tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ bệ phóng tại Baikonur Cosmodrome, Kazakhstan ngày 15 tháng 9 năm 2023. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters
Sau 3 giờ bay, tàu vũ trụ Soyuz MS-24 đã kết nối thành công với Trạm ISS vào lúc 1:53 sáng ngày 16/9 (giờ Việt Nam). Đây được xem là một trong những chuyến bay đến ISS nhanh nhất của tàu vũ trụ Nga.
Tàu Soyuz MS-24 chở 3 phi hành gia, bao gồm 2 phi hành gia của Roscosmos là Oleg Kononenko và Nikolai Chub; cùng một phi hành gia NASA là Loral O'Hara - cựu kỹ sư nghiên cứu tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, người đã được chọn vào quân đoàn phi hành gia NASA vào năm 2017.
Phi hành gia Oleg Kononenko là chỉ huy sứ mệnh. Ông cùng 2 đồng nghiệp của mình lên ISS để tiếp quản các sứ mệnh riêng biệt trên ISS. Phi hành gia NASA Loral O'Hara sẽ ở trên Trạm ISS 6 tháng, còn hai phi hành gia Nga sẽ hoàn thành sứ mệnh của họ trong 1 năm.
Phi hành gia NASA Loral O'Hara (ngoài cùng bên trái) và các phi hành gia Roscosmos người Nga Oleg Kononenko và Nikolai Chub. Ảnh: Vyacheslav Oseledko/Pool/AFP/Getty Images
Đồng thời, MS-24 sẽ thay thế các thành viên phi hành đoàn Expedition 70 - những người dự kiến trở về Trái đất 6 tháng trước. Phi hành đoàn Expedition 70 mắc kẹt tại ISS do một sự cố rò rỉ chất làm mát nghiêm trọng, kéo dài 3 giờ, của tàu vũ trụ Soyuz MS-22.
Roscosmos trước đó xác định rằng Soyuz MS-22 không đủ an toàn để chở phi hành đoàn về nhà và đã phóng tàu vũ trụ thay thế vào tháng 2. Điều đó khiến phi hành đoàn MS-22 bị mắc kẹt trong phòng thí nghiệm quỹ đạo trong khi Roscosmos chuẩn bị một phương tiện khác để tiếp tục luân chuyển phi hành đoàn thường xuyên.
Mối quan hệ NASA - Roscosmos vẫn rất quan trọng
Hai phi hành gia Loral O'Hara và Nikolai Chub là những tân binh bay vào vũ trụ, trong khi Oleg Kononenko là người rất có kinh nghiệm. Nhà du hành vũ trụ này đã tích lũy được 736 ngày trên quỹ đạo qua bốn sứ mệnh ISS khác nhau trước vụ phóng hôm 15/9 này.
Nếu hoàn thành khoảng thời gian làm việc kéo dài một năm của mình trên ISS, Oleg Kononenko sẽ phá kỷ lục mọi thời đại về thời gian ở trong không gian nhiều nhất. Trước đó kỷ lục do phi hành gia Nga Gennady Padalka nắm giữ từ năm 2015.
Phi hành đoàn của tàu Soyuz MS-22 bao gồm phi hành gia NASA Frank Rubio - người vừa phá vỡ kỷ lục của Mỹ về số ngày sinh sống và làm việc liên tiếp trên quỹ đạo.
Hình ảnh động cơ của tên lửa Soyuz. Ảnh: Natalia Kolesnikova / AFP via Getty Images
Sau khi các phi hành gia của Soyuz MS-24 đến và tiếp quản các hoạt động, Frank Rubio và các đồng đội của anh dự kiến sẽ quay trở lại Trái đất sau ngày 27/9.
Hai phi hành gia NASA Frank Rubio - và bây giờ là Loral O'Hara - đã di chuyển trên các phương tiện Soyuz của Nga như một phần của thỏa thuận hoán đổi phi hành đoàn giữa NASA và Roscosmos đã được ký kết vào mùa hè năm 2022. Đổi lại, đối tác vận chuyển ISS của NASA, là SpaceX, đã đưa các phi hành gia Nga vào chuyến bay của mình tới ISS.
Bất chấp căng thẳng dưới mặt đất giữa Mỹ và Nga, NASA đã nhiều lần cho biết mối quan hệ hợp tác với Roscosmos là rất quan trọng để tiếp tục hoạt động của Trạm vũ trụ ISS cũng như những nghiên cứu khoa học có giá trị được thực hiện trên tàu.
Chuyến bay gần đây nhất của SpaceX đã đến ISS vào tháng 8/2023, chở các phi hành gia của NASA, Roscosmos, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Nguồn: CNN, Space.com