Ở Trung Quốc luôn có một quan niệm chung là miễn là bạn được nhận vào Thanh Hoa hoặc Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh), bạn đã được coi là người thành công một nửa trên đường đời.
2 ngôi trường top đầu này luôn là “cung điện trong mơ” của hầu hết học sinh đất nước tỷ dân và là chấp niệm của mọi người xuất sắc. Vậy nên từng có trường hợp có người thi 8 năm liên tiếp để đỗ Đại học Thanh Hoa mới thôi. Lư Thiên Úc, một thanh đến từ tỉnh Tứ Xuyên cũng có hành trình tương tự như thế.
Vào năm 18 tuổi, trong lần thi đại học đầu tiên, anh đã đạt điểm rất cao là 663. Thế nhưng Thiên Úc đã từ chối nộp đơn vào bất kỳ trường đại học nào, bất chấp người xung quanh khuyên can.
Lư Thiên Úc vẫn thi lại dù điểm đã cao chót vót
Lư Thiên Úc từ nhỏ đã học rất giỏi, quanh năm đều đứng trong top đầu của lớp, thầy cô và cha mẹ đều kỳ vọng rất lớn vào cậu. Bản thân anh cũng biết rằng mình có năng khiếu học tập thích cảm giác thành tựu sau các kỳ thi. Vì thế mà anh chỉ đặt mục tiêu vào 2 trường đại học hàng đầu trong nước là Thanh Hoa - Bắc Đại.
Sau khi có kết quả, dù là số điểm cao và thừa sức vào những ngôi trường tốt nhất mà bao người mơ ước, Lư Thiên Úc vẫn thất vọng nặng nề vì phải cần thêm một chút điểm nữa, anh mới đậu vào được 1 trong 2 ngôi trường danh giá trong giấc mơ của mình.
Các giáo viên và người thân đã thuyết phục Lư Thiên Úc hạ thấp yêu cầu của mình và đăng ký vào một trường trọng điểm khác. Nhưng thanh niên này quyết tâm phải ôn thi lại bằng được. Đến năm sau, Lư Thiên Úc đã được toại nguyện, đạt được 722 điểm.
Đạt điểm cao vẫn bị “ném đá”
Lư Thiên Úc đã chứng tỏ bản thân với kết quả thi lại của mình, điều này thực sự đáng chúc mừng. Thế nhưng khi cậu chuyện này được đăng tải lên truyền thông, nó lại gây ra tranh cãi gay gắt. Trên thực tế, việc học lại không chỉ là thử thách của Lư Thiên Úc, mà còn gây ra áp lực tinh thần nhất định cho cả gia đình anh.
Sau những lời chúc mừng, cũng có nhiều ý kiến phản đối phản đối chàng trai trẻ và những trường hợp tương tự. Họ cho rằng hành động của Lư Thiên Úc quá ích kỷ và không công bằng. Anh ấy đã đạt điểm cao trong năm đầu tiên, hoàn toàn có thể vào một ngôi trường tốt nhưng vẫn khăng khăng ôn thi lại.
Những học sinh học lại có thành tích cao như Lư Thiên Úc chắc chắn đã tạo ra sự cạnh tranh lớn cho lớp học sinh tiếp theo và vắt kiệt tài nguyên của người khác. Có lẽ anh cũng đã lấy một vị trí của một sinh viên 18 tuổi khác khi được nhận vào Thanh Hoa. Đối với những ứng viên như vậy, họ bị hạn chế điều kiện học lại và có chỉ tiêu đầu vào cao hơn để đảm bảo công bằng với lứa sau.
Nhóm người phản đối còn lên tiếng rằng những câu chuyện như Lư Thiên Úc càng khiến xã hội quá coi trọng danh tiếng phù phiếm của trường top đầu, trong khi rõ ràng điều quan trọng nhất vẫn là cách học tập của sinh viên chứ không phải trường bạn nằm vị trí thứ mấy trong bảng xếp hạng.
Tất nhiên, song song đó cũng có nhiều người cho rằng việc học lại, thi lại là quyền của mỗi người. Những người dám lựa chọn học lại đều dũng cảm và bản thận họ đã phải hạ quyết tâm rất nhiều. Nếu cuối cùng có kết quả tốt, mọi người nên chúc mừng họ thay vì chỉ trích.
Kỳ thi tuyển sinh đại học là một thời điểm rất quan trọng trong cuộc đời. Việc được nhận vào một trường đại học tốt không chỉ liên quan đến môi trường học tập và ngành học mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc trong tương lai. Lư Thiên Úc có một mục tiêu kiên định và sẵn sàng phấn đấu đến cùng vì nó là một đức tính đáng ngưỡng mộ.
Những trường hợp như Lư Thiên Úc khiến mọi người chỉ trích việc cố chấp phải vào Thanh Hoa - Bắc Đại bằng được là phù phiếm
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp để thi lại. Bản thân Lư Thiên Úc là một học sinh xuất sắc và anh có nhận thức đầy đủ về khả năng của bản thân. Còn đối với hầu hết các thí sinh bình thường, tốt hơn hết là vẫn nên nắm bắt cơ hội đầu tiên để đạt điểm cao và nếu đã có kết quả ổn, hãy cân nhắc kỹ trước khi liều lĩnh như Lư Thiên Úc. Xét cho cùng, việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học tốn quá nhiều công sức và có lẽ nhiều người không muốn trải qua lần thứ hai.