Tỉnh Thanh Hóa đang nhanh chóng triển khai thống kê đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng gói cứu trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Thế nhưng, bên cạnh nhóm đối tượng chính sách đang quản lý, thì nhóm đối tượng là lao động tự do chưa có hướng dẫn thực hiện, gây không ít khó khăn cho các địa phương.
Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm ở phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa của gia đình ông Trịnh Văn Khoan (83 tuổi) vắng lặng trong buổi chiều tà. Ông Khoan là nạn nhân chất độc gia cam nên được nhà nước hỗ trợ một phần để xây dựng ngôi nhà này.
Mấy tháng nay, do dịch bệnh kéo dài, thực hiện giãn cách xã hội, bữa ăn của gia đình ông gần như trông vào ruộng vườn quanh nhà.
Chiếc cuốc đã mòn đi phần nửa đang được ông đục đẽo, tra lại để bắt đầu ra vườn. Ông bảo giá cả lương thực, thực phẩm, rau quả ngoài chợ tăng cao, không có tiền để mua sắm, ông sống nhờ vườn rau, ao cá.
Nghe tin nhà nước sẽ hỗ trợ những người khó khăn, hộ gia đình chính sách do ảnh hưởng dịch bệnh, ông Khoan rất phấn khởi
Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát được hơn 120.000 hộ là đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng đủ điều kiện được hỗ trợ gói cứu trợ của Chính phủ do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, hiện nay nhóm đối tượng được hỗ trợ sở đang quản lý thì đã rà soát xong, riêng đối tượng là lao động tự do phải chờ hướng dẫn.
"Đến chiều 16/4, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát xong đối tượng này và báo cáo Chủ tịch tỉnh. Dự kiến kinh phí hỗ trợ đối tượng này trên 800 tỷ.
Còn lại các đối tượng khác như người lao động không có quan hệ lao động, lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể, kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về đối tượng.
Lao động tự do là đối tượng nào, chỗ này phải có hướng dẫn vì nếu nói lao động tự do rất nhiều, phải quy về cụ thể", ông Dũng thông tin.
Cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19, nhưng những trường hợp như gia đình bà Phạm Thị Linh (72 tuổi), ở xã Quản Thịnh, thành phố Thanh Hóa chưa biết lúc nào sẽ được hỗ trợ.
Gia đình bà Linh có 6 khẩu. Chi tiêu hàng ngày trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ chồng con trai. Thế nhưng từ khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 2 lao động chính của gia đình cũng phải nghỉ việc.
Vì là lao động tự do nên khi nghỉ việc cũng không được chủ lao động hỗ trợ gì, và địa phương cũng chưa thống kê, xem xét đến trường hợp lao động này.
"Con dâu tôi cũng chưa đi làm được nên hiện gia đình cái gì cũng khó khăn. Thấy tivi nói được miễn tiền điện tiền nước nhưng vừa rồi đi đóng vẫn chưa được miễn chi cả", bà Linh cho hay.
Hiện nay tại Thanh Hóa, số đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm rất nhiều.
Thế nhưng, việc rà soát nhóm lao động tự do không có hợp đồng trên thực tế không hề dễ dàng. Bà Trần Thị Hương, Trưởng Phòng Lao động thương binh và xã hội thành phố Thanh Hóa cho biết, phải chờ hướng dẫn cấp trên mới rà soát được.
"Thành phố rà soát đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Đây là đối tượng chúng tôi đã quản lý, rà soát báo cáo lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Còn thực tế nhóm lao động tự do, đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn. Còn về mặt hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn thế nào thì phải chờ thông tư của các bộ, ngành", bà Hương nói.
Thực tế, việc đưa đối tượng lao động tự do vào nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội là cần thiết.
Thế nhưng, việc xác định nhóm này cần nêu cụ thể lao động tự do ở ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ được hỗ trợ và dựa vào xác minh của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nơi người lao động sinh sống.
Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng được xem là "Phao cứu sinh" giúp người nghèo, người yếu thế, người lao động… Vì vậy, việc rà soát, hỗ trợ cần kịp thời để giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19./.