Thành cổ hùng vĩ kỳ bí

Vũ Thị Huế |

Giữa rừng rậm phía Bắc Sri Lanka (Nam Á), có tảng đá khổng lồ nổi bật nhờ cao hơn mặt bằng xung quanh gần 200m và 4 bề đều là vách dốc đứng.

Thành cổ hùng vĩ kỳ bí - Ảnh 1.

Toàn cảnh 'kỳ quan thứ 8' Sigiriya. Ảnh: Aleksandar Todorovic, Adobe Stock

Không ngờ, trên đỉnh tảng đá này lại là tàn tích tòa thành hùng vĩ xứng danh “kỳ quan thứ 8” của thế giới, cho đến nay vẫn thách thức khả năng lý giải.

“Cung điện trên mây”

Sri Lanka gọi tòa thành này là Sigiriya. Ngày nay, vị trí của Sigiriya thuộc quận Matale. Theo các nghiên cứu khảo cổ, vùng đất dưới chân Sigiriya có người ở từ thời tiền sử. Muộn nhất là vào thế kỷ III trước Công nguyên, nơi này đã là địa điểm tu hành của các nhà sư khổ hạnh theo đạo Phật. Họ cư trú trong các hang động bằng đá, để lại dấu vết chạm khắc trên miệng hang.

Năm 477, nhà vua Sri Lanka đương thời là Hoàng đế Kashyapa (448 – 495) quyết định dời đô từ Anuradhapura đến Sigiriya. Trái với Sigiriya vẫn còn hoang vắng, Anuradhapura là kinh thành thịnh vượng, có bề dày lịch sử và dân cư đông đúc. Vì sát hại phụ vương, cướp ngôi hoàng huynh và sợ bị trả thù, Kashyapa mới chuyển tới Sigiriya.

Theo tư liệu lịch sử “Chuyện về Sigiriya” (The Story of Sigiriya) của Giáo sư kiêm nhà khảo cổ Senarath Paranavithana (Sri Lanka, 1896 – 1972), người đề xuất Hoàng đế Kashyapa xây dựng kinh đô mới trên đỉnh tảng đá khổng lồ là một đạo sĩ người Ba Tư.

Ngoài chiều cao ấn tượng, Sigiriya còn có mặt trên gần như bằng phẳng, diện tích rộng rãi. Chỉ tính riêng 2 khu vực kiên cố và bằng phẳng nhất là phía Tây và phía Đông, nó đã có 13ha mặt bằng phù hợp cho xây dựng.

Khu vực phía Đông của Sigiriya được lựa chọn làm vị trí đặt cung điện, khu vực phía Tây làm vườn hoàng gia còn khu vực phía Nam là hồ nước nhân tạo. Cũng theo Giáo sư Paranavithana, Hoàng đế Kashyapa đã thiết kế vương đô Sigiriya theo miêu tả hư cấu về thành Alakamanda của thần Kuvera.

Vì thế, Sigiriya không giống như Anuradhapura mà tương tự với phong cách kiến trúc Ba Tư, tập trung vào trang hoàng khu vườn.

Kỹ thuật tân tiến

Thành cổ hùng vĩ kỳ bí - Ảnh 2.

Bệ Sư Tử, cổng vào của tàn tích Sigiriya. Ảnh: Aleksandar Todorovic, Adobe Stock

Lối vào “cung điện trên mây” là Bệ Sư Tử. Nó nằm dưới chân tảng đá, có chính giữa là cầu thang đá và 2 bên điêu khắc bàn chân sư tử. Cả 2 bàn chân sư tử đều rất to, chi tiết đến tận viền móng. Nối tiếp là cầu thang đá 1.200 bậc, hình zic zắc dẫn lên đỉnh tảng đá.

Gần như toàn bộ các bề mặt của Sigiriya đều được vẽ tranh. Trên tường đá phía Tây nhẵn nhụi, rộng 140m và cao 40m là “bức bích họa lớn nhất thế giới”, với hơn 500 tranh thiếu nữ, hầu hết đều vẽ bán thân, một số được vẽ giống như tiên nữ từ trên mây giáng xuống.

Bố cục vương đô Sigiriya vô cùng hợp lý, vừa tận dụng được các lợi thế sẵn có của tảng đá khổng lồ, vừa hòa hợp với tự nhiên. Cung điện Sigiriya rộng khoảng 1,5ha, bên trong có ngai vàng được tạc vào đá.

Khu vườn hoàng gia được quy hoạch theo dạng đối xứng, hình chữ nhật, dài 700m và rộng 500m, có 3 vườn chính, 2 con hào và một số đài phun nước. Các đài phun nước không chỉ được thiết kế đẹp, mà còn hoạt động hiệu quả, đến tận bây giờ vẫn dẫn và phun nước tốt.

Hồ nước nhân tạo ở phía Nam được đục sâu và rộng vào lòng tảng đá. Nước mưa trên khắp bề mặt Sigiriya đều chảy về đây, được giữ dùng suốt mùa khô.

Phần nổi bật nhất của vương đô Sigiriya có lẽ là vườn Nước trong khu vực vườn hoàng gia. Nó được chia thành 4 vườn, vườn 1 có 4 ao lớn hình chữ L, bao quanh đảo nhỏ.

Vườn 2 có đài phun nước kỳ vĩ, vườn 3 có bố cục bất cân xứng khác biệt, vườn 4 là mô hình thu nhỏ của cả 3 vườn lớn. Ngoài các vườn Nước, vương đô Sigiriya còn vườn Đá Cuội và vườn Bậc Thang. Chúng đều được xem là những vườn cảnh có sớm nhất trong lịch sử nhân loại.

Kỹ thuật xây dựng hệ thống dẫn nước của vương đô Sigiriya ấn tượng nhất. Nó bao gồm các hào nổi và kênh ngầm được kết nối một cách khoa học, đưa nước tới mọi ngóc ngách trong “cung điện trên mây”. Nhờ thế mà ngay cả trong mùa khô nắng nóng kéo dài, Sigiriya vẫn tươi tốt và xinh đẹp.

Bí ẩn khó giải

Thành cổ hùng vĩ kỳ bí - Ảnh 3.

Hoàng đế Kashyapa, người xây dựng 'cung điện trên mây' Sigiriya. Ảnh: Talesofceylon.com

Người hoàng huynh bị Hoàng đế Kashyapa cướp mất ngai vàng là thái tử Moggallana. Trong khi Kashyapa là thứ tử và con của thứ phi thì Moggallana là trưởng tử và con của hoàng hậu.

Khi Kashyapa làm phản, Moggallana may mắn thoát chết và chạy trốn sang Ấn Độ. Với quyết tâm trả thù, thái tử kiên trì gây dựng lực lượng trên đất khách. Năm 495, sau 18 năm lưu vong, thái tử trở lại Sri Lanka, dẫn quân thẳng tiến tới Sigiriya.

Thời gian sống trong vương đô Sigiriya, Hoàng đế Kashyapa khét tiếng trụy lạc. Ông vơ vét tài vật của dân, khiến khắp nơi lầm than và triều đình oán thán. Vừa thấy thái tử Moggallana trở về, quân và dân Sri Lanka đã lập tức chào đón. Ngay cả quân đội hoàng cung cũng quay lưng với nhà vua. Bước đường cùng, Kashyapa tự kề gươm vào cổ, kết liễu mạng sống.

Sau khi Kashyapa mất, Sigiriya bị bỏ rơi. Mãi đến năm 1831, nó mới được phát giác và năm 1890 thì được khai quật. Các nhà nghiên cứu không thể ngừng thắc mắc, tại sao vua Kashyapa lại chọn xây dựng vương đô trên đỉnh tảng đá cao ngất này? Ngoài quá tốn kém nhân - vật lực, nó còn không phải là “bất khả xâm phạm”, vì chỉ cần phá được cổng thành và chiếm lối đi lên là kết thúc.

Trên tất cả, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp vận chuyển nguyên vật liệu mà người Sri Lanka thời cổ đại đã dùng để mang chúng lên đỉnh tảng đá cao 180m và dốc đứng này. Truyền thuyết Sri Lanka chỉ kể, thành Sigiriya là phiên bản “dưới đất” của “cung điện trên bầu trời”, không hề trực tiếp hay gián tiếp nói đến kỹ thuật xây dựng.

Theo ancient-origins

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại