Sinh ngày 8/7/1995, Trương Tân Dương từng là cái tên được sùng bái khắp đất nước Trung Quốc bởi trí thông minh siêu việt. Khi mới 2,5 tuổi Dương đã có thể đọc được hơn 2.000 ký tự tiếng Trung, 5 tuổi lên lớp hai, 10 tuổi đã tham gia kỳ thi đại học và được nhận vào một đại học ở Thiên Tân. 16 tuổi Dương là nghiên cứu sinh tiến sĩ toán học ứng dụng tại một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc. Với thành tích này, Trương Tân Dương được truyền thông Trung Quốc thời điểm đó coi là "sinh viên đại học trẻ nhất Trung Quốc", "thần đồng trăm năm mới có một".
Song, đằng sau ánh hào quang của một thần đồng là cuộc đời chẳng mấy thăng hoa. Thậm chí, giờ đây anh còn là mục tiêu chỉ trích của mạng xã hội, là bằng chứng cho hành động sống thực dụng và bất hiếu.
10 tuổi thi đại học, 16 tuổi thành tiến sĩ
Trương Tân Dương lớn lên trong một gia đình trung lưu ở tỉnh Liêu Ninh. Cha cậu là một công chức. Ông đã phát hiện ra con mình thông minh khác thường từ khi còn rất nhỏ.
Cậu chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học mà những đứa trẻ bình thường khác phải mất tới 6 năm. Tân Dương có thể nói về nhiều chủ đề lớn, từ chiến tranh Iraq đến hình ảnh của thành phố. Đôi khi cậu còn tranh luận với cha nếu có quan điểm khác về một số vấn đề.
Theo Sina, năm 2002, thần đồng đến từ Liêu Ninh được chuyển thẳng lên THCS và mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành bậc học này. Giáo viên luôn phàn nàn rằng Tân Dương không chú ý nghe giảng, không trò chuyện hay giao tiếp với bạn cùng lớp. Cha của Tân Dương cho rằng con trai khác biệt suy nghĩ với các bạn đồng trang lứa nên không ép cậu thay đổi.
Sau đó, cha của Tân Dương quyết định cho em về nhà tự học. Năm 2005, Trương Tân Dương thi đỗ Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thiên Tân với 505 điểm. Cậu bé 10 tuổi trở thành hiện tượng trong ngành giáo dục.
Trước những thành tích kỳ diệu của con, cha mẹ của Dương cũng vô cùng áp lực nếu chẳng may cậu bị điểm thấp. Và để điều đó không xảy ra, họ ép cậu phải học suốt ngày, không được gặp bạn bè, không đánh điện tử,...
Trương Tân Dương từng chia sẻ, có một lần cậu mới vừa nghỉ học và chơi games thì bị cha phát hiện. Ông liền mắng rồi tự hành hạ bản thân bằng cách đi bộ trong đêm 50km từ ký túc xá của Tân Dương về nhà ở tỉnh Hồ Bắc.
"Ông ấy muốn trừng phạt tôi nhưng trên thực tế, ông đang trừng phạt chính mình", Tân Dương nói về phản ứng của cha lần đó.
Áp lực nặng nề, Dương chỉ còn biết cắm đầu vào học. Ba năm sau, cậu tiếp tục khiến cộng đồng mạng Trung Quốc ngạc nhiên vì thành tích tốt nghiệp Đại học Công nghệ Bắc Kinh, học cao học, trở thành một trong những thạc sĩ trẻ nhất. Tháng 9/2011, cậu bé đến từ Liêu Ninh hoàn thành bậc học thạc sĩ, tiếp tục được làm nghiên cứu sinh ngành Toán học và nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 16..
Đến nay, Tân Dương vẫn được mệnh danh là "Tiến sĩ nhỏ tuổi nhất Trung Quốc". Cái tên Trương Tân Dương trở thành niềm hy vọng của nhiều người.
Một giáo viên hướng dẫn của Tân Dương cho biết thần đồng nhí này có phương pháp thu nạp kiến thức cực hiệu quả: "Trong 3 học viên đỗ Tiến sĩ mà tôi dạy, thành tích của Dương là tốt nhất với nền tảng kiến thức chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Lực học của Dương quả là vượt xa trí tưởng tượng của mọi người".
Thần đồng thực dụng
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí, Dương cho biết từng đòi bố mẹ mua cho mình một căn hộ ở Bắc Kinh nếu không anh ta sẽ bỏ làm luận văn thạc sĩ. Cậu giải thích đưa ra yêu cầu như vậy vì bố mẹ là người muốn anh ở lại Bắc Kinh nhất.
"Khi tôi đến Bắc Kinh và Thiên Tân lúc 10 tuổi, tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự khác biệt giữa tôi và những đứa trẻ địa phương. Phần lớn các gia đình ở Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ mua một căn hộ cho con cái họ khi chúng chào đời hoặc thậm chí trước khi chúng chào đời. Tôi cảm thấy mình nên được như vậy. Nếu bạn thậm chí không có nhà ở Bắc Kinh thì bằng tiến sĩ có ích gì?", Dương nói với phóng viên.
Trên sóng Đài truyền hình Trung Quốc (CCTV), Tân Dương bị chỉ trích có lối sống thực dụng, bị đô thị xa hoa làm mờ mắt.
Đáp lại, cha mẹ Dương không chấp nhận yêu cầu của anh và họ chỉ thuê một căn hộ ở Bắc Kinh, khi anh học tiến sĩ năm 2011. Năm 2019, Dương tốt nghiệp và bắt đầu đi làm giáo viên tại Đại học Sư phạm Ninh Hạ, trước khi nghỉ việc vào tháng 8/2021.
Toàn bộ số tiền kiếm được trong thời gian đi dạy (khoảng 50.000 tệ), anh đã tiêu hết. Hiện anh chưa đi làm ở đâu, sống bằng chu cấp của gia đình, thi thoảng tham gia một số dự án với bạn bè. Mỗi ba tháng, bố sẽ gửi cho anh khoảng 10.000 tệ, đồng thời trả tiền thuê nhà hàng tháng (khoảng 2.200 tệ).
"Tôi thực sự khá hài lòng với cuộc sống hiện tại và không có nhiều ham muốn. Nếu thực sự cần điều gì đó, tôi chỉ gọi cho bố. Bố mẹ vẫn còn nợ tôi một căn hộ ở Bắc Kinh, căn hộ này có giá khoảng 10 triệu tệ ở thời điểm hiện tại. Điều đó có nghĩa là miễn là chi tiêu của tôi dưới 10 triệu tệ, tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn", Dương nói.
Nhưng cha mẹ Dương cũng không dư dả để có thể chu cấp cho anh ta mọi thứ. Khi không có tiền, Dương chỉ gọi các món rau và ăn thực phẩm hết hạn sử dụng ở cửa hàng tiện lợi. Dẫu vậy, Dương vẫn không muốn kiếm công việc toàn thời gian.
"Tìm việc làm thậm chí còn tệ hơn tình hình hiện tại. Làm thế nào bạn có thể đạt được tự do tài chính bằng cách làm việc cho người khác? Ít nhất hiện tại, tôi không bị ai sử dụng. Thời thế đã thay đổi, ngày nay sẽ không còn ai chết đói nữa. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả, bạn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc. Nếu khởi nghiệp kinh doanh một cách liều lĩnh, bạn có thể dễ dàng mất tất cả. Tôi hài lòng với tình trạng hiện tại của mình. Không việc làm, không căng thẳng", Dương tuyên bố.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ không thoải mái và dừng chu cấp, Dương trả lời: "Việc họ có sẵn lòng hay không không quan trọng. Cho dù họ không muốn thì họ cũng phải đưa tiền cho tôi".
Trong cuốn tự truyện "The Miracle of Learning" (Tạm dịch: Phép màu của sự học) do cha Tân Dương viết, ông đã tâm sự về quá trình nuôi một đứa trẻ thần đồng khôn lớn không hề dễ dàng. "Tôi chỉ mong muốn vun đắp cho con trai của mình để mong nó có thể dùng hết kỹ năng. Nhưng việc nổi tiếng quá sớm khiến nó chỉ nghĩ đến tiền và tiền".
Một số người nói về chuyện của Trương Tân Dương đã bình luận: Những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên, vì thích sự phù phiếm và sĩ diện, chúng đã yêu cầu cha mẹ mua cho anh ta một căn hộ ở Bắc Kinh. Giá nhà đắt quá, vì ý tưởng này mà con đòi bố mẹ bán nhà cũ mua nhà mới có phải bất lực lắm không?
Một số người cho rằng, việc nổi tiếng quá sớm có thực sự tốt cho trẻ em hay không? Đôi khi, danh vọng và tài sản của thế giới bên ngoài đã thay đổi tâm hồn của trẻ, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.
Giáo viên đại học của anh, Zhang Yuehui, nói với truyền thông rằng học trò cũ của mình vẫn có thể đạt được "những điều lớn lao" nếu muốn, chỉ cần không sống như một kẻ thất bại giống như hiện tại.
Thứ nằm "chềnh ềnh" giữa phòng khách mỗi nhà nhưng hiếm khi được vệ sinh: Để lâu vừa bẩn vừa tốn điện