Động thái này đánh dấu bước đi đầu tên của nhóm trái chủ nhằm 'đóng băng tài sản nước ngoài' của Tsinghua.
Theo Financial Times, các trái chủ nước ngoài nắm giữ khoản nợ hàng chục triệu USD của một tập đoàn bán dẫn được Bắc Kinh hậu thuẫn đang tìm cách đóng băng tài sản của công ty này. Tình trạng vỡ nợ của Tsinghua UniGroup trở nên căng thẳng trong thời điểm chính quyền ông Tập Cận Bình nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào những con chip do nước ngoài sản xuất.
Tsinghua Unigroup là công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, được hậu thuẫn bởi trường đại học danh giá nhất nước này. Hồi tháng 11, công ty đã không thể thanh toán khoản trái phiếu phát hành trong nước, gây ra mối lo ngại về tình trạng vỡ nợ đối với trái phiếu phát hành ở nước ngoài trị giá khoảng 2,4 tỷ USD.
Công ty được nhà nước hậu thuẫn này là trọng tâm trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Mỹ đã hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận các loại chip do nước ngoài sản xuất, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề của Tsinghua sẽ gây rủi ro kéo theo hàng loạt công ty chip quan trọng nhất của Trung Quốc mà họ sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần.
Vào tháng 2, các luật sư đại diện cho một nhóm trái chủ của Tsinghua đã đưa ra tuyên bố yêu cầu bồi thường tại tòa án cấp cao của Hồng Kông. Động thái này đánh dấu bước đi đầu tên của nhóm trái chủ nhằm "đóng băng tài sản nước ngoài" của Tsinghua, trước khi Trung Quốc thực hiện tái cấu trúc công ty này. Nếu thành công, yêu cầu này có thể khiến Tsinghua không được phép bán tài sản ra ngước ngoài và sử dụng số tiền thu được để chi trả các khoản nợ ở Trung Quốc.
Nguồn tin thân cận tiết lộ với FT: "Nếu chúng tôi có thể làm điều này, thì số tài sản đó sẽ không được đưa vào chương trình tái cấu trúc trong nước". Trong khi đó, giá trị chính xác của số tài sản ở nước ngoài của Tsinghua vẫn chưa rõ ràng, công ty cũng chưa thông báo về kế hoạch giải quyết vấn đề về nợ.
Tính đến tháng 6/2020, khoản nợ phải trả của Tsinghua là 202,9 tỷ CNY (31,2 tỷ USD). Khoảng ¼ số đó sẽ đến hạn vào giữa năm nay, theo Debtwire dựa theo hồ sơ của công ty.
Vấn đề nợ Tsinghua cũng khiến công chúng chú ý đến chủ tịch của công ty này là Zhao Weiguo. Từng là một người chăn cừu ở Tân Cương, ông sau này đã theo học tại Đại học Thanh Hoa và tạo dựng được mối quan hệ với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Dưới thời Zhao, Tsinghua đã thực hiện một thỏa thuận kéo dài 10 năm bao gồm việc mua lại nhà sản xuất chip của Pháp Linxens, cũng như phần lớn cổ phần trong mảng mạng dữ liệu H3C từ liên doanh Hewlett-Packard. Ông là một nhà lãnh đạo thường xuyên thực hiện những thương vụ đầu tư và thâu tóm. Tuy nhiên, thương vụ đấu thầu hàng tỷ USD của các tập đoàn công nghệ Mỹ Western Digital and Micron Technology đã thất bại.
Các khoản đầu tư của Zhao cùng với những nỗ lực thúc đẩy của Bắc Kinh nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào chip nước ngoài đã trở thành "sự kết hợp hoàn hảo". Năm 2017, Tsinghua đã nhận được khoản hỗ trợ mới trị giá 22 tỷ USD từ các nhà đầu tư nhà nước để thực hiện các thương vụ thâu tóm liên quan đến chất bán dẫn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền ông Tập có ra tay "cứu trợ" đế chế của ông Zhao hay không.
Douglas Fuller – chuyên gia về chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực chip tại Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định Tsinghua lại là "một lựa chọn tồi tệ của Trung Quốc khi là một ‘phương tiện’ để xây dựng ngành chip".
Ông cho rằng, Tsinghua đã "trả quá nhiều tiền" cho 2 tập đoàn thiết kế chip là Spreadtrum và RDA Microelectronics. 2 công ty này cuối cùng lại là một nhóm có hoạt động kém hiệu quả. Ông nói thêm, ChangXing Memory Technologies và Yangtze Memory Technologies là 2 công ty con quan trọng của Tsinghua, đáng lẽ ra họ nên chứng tỏ được khả năng nhưng trong thời gian tới vẫn chưa thể thay thế các "ông lớn" toàn cầu khác trên thị trường này.
Các vấn đề của Tsinghua không phải là trường hợp duy nhất trong lĩnh vực này. Một giám đốc điều hành công ty sản xuất chip của Trung Quốc ở công ty khác cho biết các công ty và chính quyền địa phương đang chật vật để tìm nguồn vốn mới cho ngành. Người này tiết lộ: "Cho đến nay, lợi nhuận là một điều bất khả thi. Việc duy trì dòng tiền rất khó khăn. Tôi không biết chúng tôi sẽ tồn tại được bao lâu."
Nhóm trái chủ nước ngoài của Tsinghua cho biết một phần động lực để thực hiện thủ tục tố tụng là muốn công ty minh bạch hơn. Một nhà đầu tư trong vụ việc này chia sẻ: "Chúng tôi không nhận được nhiều biện pháp bảo vệ. Công ty này là một thực thể trong nước và cấu trúc pháp lý nước ngoài lại không thể được thực hiện ở trong nước."
Các thủ tục pháp lý có thể sẽ được nhà đầu tư trái phiếu Trung Quốc phát hành tại nước ngoài theo dõi sát sao. Dữ liệu của Dealogic cho thấy, các công ty phi tài chính của Trung Quốc phát hành 575 tỷ USD trái phiếu định danh bằng USD ở nước ngoài, với 72 tỷ USD đáo hạn trong năm nay.