Vì sao TQ "vét" chip máy tính trước khi trừng phạt của Mỹ với Hồng Kông có hiệu lực?

Minh Khôi |

Các công ty Trung Quốc đang tích trữ vi xử lý do lo ngại sự đứt vỡ của chuỗi cung ứng, và Hồng Kông đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì hoạt động này ở thời điểm hiện tại.

Số lượng mua hàng tăng kỷ lục

Các nhà nhập khẩu vi xử lý máy tính Trung Quốc đang đẩy nhanh việc nhập khẩu thiết bị thông qua Hồng Kông, do lo ngại khả năng Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt lên đặc khu sẽ khiến hoạt động thương mại trở nên khó khăn hơn.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy kim ngạch tái xuất khẩu chất bán dẫn qua Hồng Kông tới Trung Quốc đã tăng tới 11% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, tăng gần gấp đôi tăng trưởng kim ngạch mua chip vi xử lý. Chỉ tính riêng trong tháng 6, kim ngạch tái xuất khẩu mặt hàng này đã tăng tới 21%.

Hiện, kim ngạch nhập khẩu chip của Hồng Kông tương đương 38% tổng lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Bắc Kinh chính thức áp luật an ninh đối với Hồng Kông, chính phủ Mỹ đã xoá quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho đặc khu này, trong đó bao gồm việc nhập khẩu những mặt hàng có tính nhạy cảm cao, ví như vi xử lý máy tính.

Đối với các công ty công nghệ như Huawei, Xiaomi hay Lenovo, viễn cảnh Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Hồng Kông sẽ dẫn đến những khó khăn không nhỏ về nguồn cung đầu vào cho sản xuất.

"Các khách hàng Trung Quốc sẵn sàng mua nhiều hơn ngay trước thời điểm lệnh trừng phạt có hiệu lực", Victor Choi, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ và Điện tử Hồng Kông, nói. Ông cũng ước tính hiện có khoảng 300 công ty đang tham gia hoạt động nhập khẩu chip vi xử lý. "Số lượng mua hàng đang tăng kỉ lục".

Huawei cũng đang nỗ lực thuyết phục khách hàng rằng nguồn cung chip của hãng này vẫn ổn định, bất chấp các lệnh hạn chế từ Mỹ. Công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc được cho đã duy trì lượng hàng dự trữ ổn định để giúp họ vượt qua những bất ổn trong ngắn hạn, kể cả việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thay thế. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ có tác động lớn về dài hạn.

Tác động dài hạn

Thống kê cho thấy các công ty Trung Quốc đang tích trữ vi xử lý do lo ngại sự đứt vỡ của chuỗi cung ứng, và Hồng Kông đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì hoạt động này ở thời điểm hiện tại.

Với hệ thống tài chính mở và chính sách thuế hấp dẫn, Hồng Kông là cửa ngỏ nhập khẩu hàng công nghệ lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xoá bỏ quy chế thương mại đặc biệt của đặc khu được dự báo sẽ làm thay đổi toàn diện cách thức mà ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu vận hành, công ty nghiên cứu công nghiệp TrendForce cảnh báo trong một báo cáo công bố từ đầu tháng.

Trong trường hợp xấu nhất, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Hồng Kông và Trung Quốc sẽ dịch chuyển chuỗi phân phối chất bán dẫn khỏi Hồng Kông tới một quốc gia châu Á khác, Rory Green, nhà kinh tế học tại TS Lombard nói.

"Tuy nhiên, cho dù điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất đối với ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, đây không phải là vấn đề cốt tử".

Choi cũng lưu ý một số công ty xuất nhập khẩu tại Hồng Kông đang cân nhắc thiết lập các văn phòng đại diện ở Ấn Độ, Việt Nam hoặc Campuchia dể tiếp tục bán hàng cho khách hàng Trung Quốc. Và tất nhiên, chi phí sẽ tăng lên từ hoạt động này, ông nói.

Những quy định mới có thể sẽ "gây khó khăn lớn cho Trung Quốc", nhà kinh tế học Alicia Garcia Herrero và Gary Ng của Natixis nói. "Một rủi ro quan trọng khác là liệu việc Mỹ xoá tư cách đặc biệt của đặc khu có thể khiến các đồng minh của Washington thực hiện bước đi tương tự hay không".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại