Robotics (nghiên cứu chế tạo người máy) là ngành công nghiệp quan trọng trong chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng thống trị đại dương bằng robot dưới nước của một công ty ở Thiên Tân (do một tướng quân đội về hưu làm chủ) có thể không đạt được mục tiêu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.
Thống trị đại dương bằng robot
SCMP ngày 23/8 cho hay, cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc Wei Jiancang đã thành lập công ty sản xuất thiết bị không người lái (robot) dưới nước và tin rằng, công ty của ông có thể thống trị đại dương giống như cách công ty Da Jiang Innovation đã thống trị bầu trời bằng máy bay không người lái.
Được thành lập năm 2013 tại quận Bình Hải (tỉnh Thiên Tân), Công ty Khoa học và Công nghệ Đại dương Thiên Tân Sublue dự kiến có mức doanh thu tăng gấp 10 lần trong năm nay và đang mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất robot dưới nước cho quân đội, công ty đã mở rộng sang thị trường dân sự. Hiện, Sublue cung cấp các robot dưới nước và tàu ngầm được sử dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, quay phim, khảo cổ học, giám sát an ninh - cứu hộ, cũng như trong lĩnh vực giải trí.
Ông Wei còn cho biết, Hải quan Macau đã mua một robot của công ty ông vào năm ngoái và đặt một đơn hàng khác, sử dụng công nghệ này để giám sát hoạt động buôn lậu đường thủy.
Nhờ tiềm năng thị trường lớn và liên tục mở rộng, nhà sáng lập Sublue tự tin rằng, doanh thu bán hàng của công ty có thể đạt 1 tỷ nhân dân tệ (146 triệu USD) vào năm 2020 và tăng trưởng lên tới 10 tỷ NDT vào năm 2022.
Ông Wei cũng cho biết, công ty đã phát triển các công nghệ riêng của mình bao gồm kỹ thuật điều hướng, hệ thống liên lạc, cung cấp năng lượng và các tính năng kín hơi của tàu ngầm. "Chúng tôi hiện không có đối thủ cạnh tranh", cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc tự tin.
Nhà sáng lập Sublue tự hào về sản phẩm chân vịt (propeller) tự động cỡ nhỏ mới của công ty. Mặt hàng độc đáo về thiết kế và chức năng cho các hoạt động lặn nên được nhiều khách sạn tại châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản săn lùng.
"Sublue cũng có một đội ngũ bán hàng ở Los Angeles (Mỹ) và đang thiết lập một nhóm khác ở Sydney (Australia)", ông Wei cho biết khi nói về mong muốn mở rộng hơn nữa thị trường ra nước ngoài.
Các đơn đặt hàng loại chân vịt nêu trên đã lên tới 140.000 chiếc nhưng Sublue mới cung cấp được 12.000 thiết bị. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, ông Wei dự định cho lắp đặt dây chuyền sản xuất mới vào tháng tới, để tăng công suất lên 300.000 chiếc vào cuối năm nay.
Sản phẩm công nghệ cao nằm trong tầm ngắm thuế của Mỹ
Tuy vậy, việc hỗ trợ chính sách cho các công ty công nghệ cao nội địa của Trung Quốc đã khiến nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài không hài lòng vì bị hạn chế cơ hội gia nhập thị trường.
Theo giới quan sát, Mỹ đang để ý tới tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo. Washington còn xác định Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược và ngày càng xem xét các yếu tố quân sự và địa chính trị khi xây dựng chính sách thương mại.
Hơn nữa, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang không ngừng leo thang.
Ngoài việc áp đặt thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau, 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác tiếp tục phải chịu mức thuế cao bắt đầu từ ngày 23/8.
Trong một động thái "ăn miếng, trả miếng", ngày 23/8, Bắc Kinh tuyên bố áp thêm thuế đối với các hàng hóa Mỹ trị giá 16 tỷ USD. Hoa Kỳ cũng đang lên kế hoạch đánh thuế tiếp 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dù thiết bị không người lái của Trung Quốc chưa nằm trong danh sách thuế quan của Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế trừng phạt đối với tất cả mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó chắc chắn không loại trừ các sản phẩm công nghệ như máy bay, robot không người lái.
"Cho đến nay chúng tôi được an toàn. Nhưng nếu ông Trump đi xa hơn với việc áp thuế cao các sản phẩm robot Trung Quốc, chúng tôi sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực", một nhân vật có tiếng trong ngành công nghiệp Robotics của Trung Quốc nói trên SCMP.
Một số ý kiến cho rằng, dù chiến tranh thương mại có "hạ nhiệt", Mỹ vẫn sẽ cảnh giác với những nỗ lực phát triển công nghệ cao của Trung Quốc, lĩnh vực đang được các quốc gia đã phát triển như Hoa Kỳ thống lĩnh.
Theo học giả Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, "ngay cả khi cuộc chiến thuế quan được kiềm chế, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hạn chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc bằng cách thắt chặt đầu tư hơn nữa và kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng công nghệ".
Trong khi đó, từ góc nhìn của giới chức Trung Quốc, việc Mỹ dừng cung cấp chíp cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đã nhắc nhở Bắc Kinh cần phải thúc đẩy phát triển công nghệ riêng của mình.
Bí thư quận Bình Hải Zhang Yuzhuo cho rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ mang tới "cả thách thức và cơ hội" cho Trung Quốc. Trong đó, chính quyền ông Zhang đã tập trung vào việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, chiếm gần 30% tổng số các công ty trong quận.