Tờ South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia cảnh báo, việc quân đội Trung Quốc tăng cường sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.
Một báo cáo của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới chỉ ra, Trung Quốc hiện tụt lại phía sau rất xa so với Mỹ trong phát triển AI. Tuy nhiên, khoảng cách này gần như chắc chắn sẽ bị thu hẹp khi Bắc Kinh thực hiện các kế hoạch nhằm tăng tốc phát triển một "lực lượng quân đội thông minh" – như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhắc tới vào năm 2017 tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19.
Quốc gia châu Á đã thiết lập hai trung tâm nghiên cứu lớn tập trung vào AI và các hệ thống không người lái. Đây cũng là một trong những cơ sở để Trung Quốc nhận định rằng, khoảng cách với Mỹ sẽ được rút ngắn khi nước này nhanh chóng phát triển năng lực AI quân sự.
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đẩy mạnh "quân đội thông minh" cho Trung Quốc (ảnh: xinhua)
Theo Adam Ni, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc đến từ Đại học Macquarie, Sydney, Australia, tham vọng áp dụng trí thông minh nhân tạo trong quân đội Trung Quốc hướng về mục tiêu tận dụng công nghệ đang ngày càng phát triển, để mở rộng quyền lực quốc gia.
"Những hoạt động mô phỏng và các cuộc tập trận khác có sự hỗ trợ từ AI, là yếu tố quan trọng để cải thiện khả năng huấn luyện và năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc; đồng thời hình thành một mạng lưới phòng thủ có khả năng gây nguy hiểm cho các đối thủ muốn phá hoại các chiến dịch quân sự [của Trung Quốc]", ông Ni cho hay.
Tờ báo của quân đội Trung Quốc PLA Daily từng nhiều lần đưa ra các kịch bản khác nhau về một cuộc chiến trong tương lai có sự tham gia của AI.
Trung Quốc muốn thu hẹp khoảng cách về công nghệ quốc phòng với Mỹ? (ảnh: AFP)
Tháng Mười một năm ngoái, PLA Daily đề cập tới một nhóm các máy bay không người lái - do một "bộ óc" đám mây điện toán điều khiển – có thể phát hiện mục tiêu kẻ thù và tự động tấn công. Một kịch bản khác liên quan tới một mã nguồn độc có thể thâm nhập mạng lưới của đối thủ, tìm hiểu về các hệ thống của nó và đánh cắp bí mật tối thượng.
PLA Daily nhấn mạnh, những cuộc chiến "thông minh" trong tương lai sẽ kết hợp cùng lúc các chiến trường trên mặt đất, biển, bầu trời và mạng Internet. Chúng sẽ có sự tham gia của các vũ khí và hệ thống thông minh với sự hỗ trợ của AI, và có khả năng phân tích tình huống cũng như tự mình thực hiện các nhiệm và sứ mệnh riêng.
Ngoài việc sử dụng vũ khí thông minh trên chiến trường, Trung Quốc cũng khuyến khích những cuộc thảo luận lý thuyết về các cải tiến khác, có thể dẫn tới những đột phá trong cuộc chinh phục mục tiêu về một lực lượng quân đội tối tân.
Hồi tháng Một, cây bút Li Minghai của PLA Daily đã giới thiệu về "trò chơi thuật toán", có khả năng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra trên chiến trường, từ đó đem tới lợi thế nhận thức cho quân đội Trung Quốc.
Trong các cuộc chiến tương lai, bên nào nắm được lợi thế của thuật toán sẽ có thể dự đoán một cách nhanh chóng và chính xác tình huống trên chiến trường, thay đổi biện pháp tấn công tối ưu và đạt được mục tiêu tối thượng của chiến tranh là "chiến thắng trước khi chiến tranh xảy ra"
Li Minghai
"Trong các cuộc chiến tương lai, bên nào nắm được lợi thế của thuật toán sẽ có thể dự đoán một cách nhanh chóng và chính xác tình huống trên chiến trường, thay đổi biện pháp tấn công tối ưu và đạt được mục tiêu tối thượng của chiến tranh là 'chiến thắng trước khi chiến tranh xảy ra'", Li viết.
Theo các chuyên gia quân sự, các lực lượng quân đội hiện đại đã đang khám phá nhiều cách khác nhau để tận dụng năng lực siêu nhanh của máy vi tính và thuật toán, nhằm đẩy nhanh tốc độ và gia tăng tính hiệu quả của các quyết định và hành động trên chiến trường. Điều này khiến Trung Quốc e ngại bị bỏ lại phía sau.
"Nếu quân đội Trung Quốc không phát triển năng lực tiến hành 'các chiến dịch thông minh', họ sẽ không đưa được AI vào nền quân sự một cách tối ưu, và điều này sẽ đặt Trung Quốc vào thế bất lợi", Timothy Heath, nhà phân tích cấp cao về phòng thủ quốc tế tại tổ chức tư vấn chính sách Rand, chỉ ra. Ông khẳng định, nếu thành công coi "các chiến dịch thông minh" là một học thuyết, quân đội Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ và nguy hiểm hơn.
Còn Bates Gill, một chuyên gia về chiến lược và phòng thủ tại Đại học Macquarie đánh giá, mặc dù việc thúc đẩy phát triển AI có thể giúp quân đội Trung Quốc hoạt động một cách hiệu quả hơn, nhưng Trung Quốc vẫn còn một quãng đường rất dài trước khi thực sự trở thành một lực lượng quân đội "thông minh".
"Khi quân đội Trung Quốc trở nên 'thông minh' hơn, họ sẽ ngày càng cần phải dựa nhiều hơn vào các hệ thống trên không gian mạng và vũ trụ.
Điều này cũng giống như các nước phát triển khác, có thể là điểm dễ tổn thương trước đòn tấn công chiến lược nhằm vô hiệu hóa các công nghệ tối tân", ông Gill cảnh báo.
Ngoài ra, theo cả Heath và Gill, trong khi Trung Quốc tăng tốc quá trình vận dụng AI, các nước láng giềng cũng sẽ buộc phải "gia cố" kho vũ khí của mình, khiến an ninh khu vực trở nên bất ổn hơn.
"Một hệ quả gần như chắc chắn là các nước láng giềng có nguồn lực, nổi bật là Nhật Bản, sẽ tìm cách thực hiện các hoạt động thông minh để đối phó với Trung Quốc. Một số nước khác có thể mua thêm vũ khí", ông Heath nói.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia Gill chỉ ra: "Nếu Bắc Kinh trở nên mạnh hơn trong lĩnh vực này, các đối thủ tiềm năng của họ trong khu vực sẽ cần phải phát triển năng lực phòng thủ hơn nữa để đương đầu với họ… Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chạy đua vũ trang phòng thủ tấn công trong khu vực sẽ vẫn tiếp diễn".