Báo cáo tại buổi điều trần được thực hiện bởi ba nhà khoa học khi họ chung lo ngại TQ luôn chơi theo luật của mình. Họ là Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á; tiến sỹ Oriana Skylar Mastro, Viện Doanh nghiệp Mỹ; và tiến sỹ Andrew S. Erickson, Đại học Havard. Họ nhấn mạnh trở thành “cường quốc hàng hải” là khát vọng không lay chuyển của TQ để phục hưng dân tộc.
Họ luận chứng tham vọng của TQ ở vùng biển gần TQ là đe dọa hiện hữu cho bản mặt của Mỹ. Các vùng biển gần được định nghĩa trước hết là Biển Đông, kế đến là Hoa Đông, và cuối cùng là Ấn Độ Dương. Nếu tham vọng biển xa cơ bản để quảng bá hình ảnh, quan tâm hàng đầu của TQ ở vùng biển gần là chủ quyền và bá quyền khu vực.
Đôi khi thách thức không phải là tham vọng mà là cách thức TQ thực hiện. Hồi tháng 4, họ thành lập hai quận hành chính trên các đảo ở Biển Đông dù Việt Nam đã phản ứng quyết liệt đúng tinh thần luật pháp quốc tế. Cũng tháng 4, tàu hải giám TQ đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam gần Hoàng Sa như thể truyền thông điệp sẵn sàng dùng vũ lực.
Xung đột quân sự mà các nước có tranh chấp với TQ luôn muốn tránh bởi TQ có vũ khí vượt trội. Cũng khó kêu gọi các nước vùng biển xa hỗ trợ ít nhất về ngoại giao bởi nhiều trong số ấy bị kẹt bởi bẫy nợ TQ.
Tố cáo tham vọng chưa đủ mà phải khắc chế thủ đoạn của TQ. Ba nhà khoa học cho rằng chiến lược hợp tác và thuyết phục TQ “nhiều khả năng thất bại”. TQ chỉ thay đổi suy nghĩ về mức độ theo đuổi các mục tiêu của mình chừng nào ai đó khiến họ thấy bị trả giá quá đắt.