Thảm kịch
Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986, khi lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (Liên Xô) bị nổ. Đây được coi là thảm họa trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân, phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Khoảng 190 tấn chất phóng xạ đã bay vào khí quyển; đám mây bụi phóng xạ lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinavie, Anh, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người; khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống lãnh thổ Belarus.
Truyền thông phương Tây thông báo với cả thế giới về thảm kịch vào tối 26/4 nhưng tại Liên Xô, chính quyền đã giữ im lặng về chủ đề này trong một thời gian dài. Khi các đám mây phóng xạ bao phủ ngày càng nhiều vùng lãnh thổ ở phương Tây thì ở Liên Xô, chỉ vào ngày 29/4 báo chí đưa tin "rò rỉ nhẹ chất phóng xạ" tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Các tài liệu liên quan đến thảm họa Chernobyl ngay lập tức được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bảo mật, Gorbachev im lặng trong hơn hai tuần. Trên thực tế, nhà nước Liên Xô chưa sẵn sàng để khắc phục kịp thời hậu quả của thảm họa - hầu hết các liều kế phóng xạ không hoạt động, không có viên kali iodide, mọi việc giải quyết bị động và kém hiệu quả.
Vụ nổ làm lò phản ứng số 4 bị phá hủy hoàn toàn; Nguồn: theatlantic.com
Mức độ thảm họa vượt quá khả năng đối phó của các quan chức địa phương không có sự chuẩn bị cũng như sự thiếu thốn thiết bị thích hợp. Các cán bộ kỹ thuật phải đi xuống lò phản ứng của nhà máy sau vụ tai nạn không có bộ đồ bảo vệ đáng tin cậy và thậm chí thiếu cả các thiết bị cần thiết. Họ bước trong nước chứa chất phóng xạ với mặt nạ bình thường và mũ vải.
Ngay sau vụ tai nạn, những người lính cứu hỏa tới giúp dập lửa, nhưng không được thông báo về mức độ nguy hiểm của những đám khói phóng xạ và các loại mảnh vụn ở đó. Khi ngọn lửa được dập tắt, nhiều lính cứu hỏa đã bị nhiễm phóng xạ liều cao.
Ban đầu, các đơn vị bộ đội phòng hóa của Lục quân Liên Xô được phái đến giúp nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, họ được huấn luyện tốt, nhưng theo điều kiện của một cuộc chiến tranh hạt nhân và làm việc với các nhóm bức xạ khác.
Do đó, người ta đã quyết định trưng dụng các "nhà hóa học" hải quân - những người đã nhiều lần phải đương đầu với tai nạn phóng xạ trên tàu ngầm hạt nhân.
Kinh nghiệm của các nhà hóa học hải quân đã giúp sớm ổn định tình hình. Hàng ngàn tấn đất đã được đưa ra khỏi khu vực nhiễm xạ, máy móc và thiết bị bị ô nhiễm đã được chôn cất trong khu chôn cất đặc biệt. Một khu vực cách ly 30km đã được tạo ra xung quanh nhà máy, dân chúng đã được sơ tán.
Vụ nổ đã gây nhiễm xạ một khu vực rộng lớn; Nguồn: wikipedia.org
Theo nhiều nhà khoa học hiện đại, nguyên nhân của vụ tai nạn là do những khiếm khuyết trong thiết kế lò phản ứng, đặc biệt là các thanh điều khiển; và không tuân thủ các quy tắc an toàn của nhân viên nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên, một số chuyên gia độc lập hiện nay tin là không một giả thiết nào trong số hai giả thiết trên là hoàn toàn chính xác.
Nhưng tất cả điều đó đã được giấu kín, để không gây nguy hại cho ngành công nghiệp hạt nhân của Liên Xô. Cùng với thông tin về vụ tai nạn, kết quả kiểm tra y tế của nạn nhân và thông tin về mức độ ô nhiễm phóng xạ của các vùng lãnh thổ cũng được bảo mật.
Hậu quả
Theo dữ liệu chính thức, sau thảm họa Chernobyl, các vùng lãnh thổ của 17 quốc gia châu Âu với tổng diện tích là 207,5 nghìn km² được ghi nhận ô nhiễm phóng xạ bởi caesium-137; ở Ukraine - 37,63 nghìn km²; ở Belarus - 43,5 nghìn km², ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga - 59,3 nghìn km². 19 khu vực của Liên bang Nga nằm trong vùng ô nhiễm phóng xạ bởi caesium-137, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các tỉnh Bryansk, Kaluga, Tula và Oryol.
Theo thống kê chính thức, ngay sau vụ tai nạn, 31 người chết, 600 nghìn người xử lý hậu quả của vụ nổ Chernobyl đã nhận được liều phóng xạ cao; tổng thể, khoảng 8.4 triệu người Nga, Belarus và Ukraina đã được ghi nhận phơi nhiễm phóng xạ.
Theo ước tính gần đúng nhất (kể từ khi Liên Xô sụp đổ), khoảng 30 nghìn người đã chết vì hậu quả của thảm họa Chernobyl, và hơn 70 nghìn người bị tàn tật. Một tác động kinh tế đáng kể vào thời điểm đó là loại bỏ 784.320 ha đất nông nghiệp và 694.200 ha từ rừng sản xuất.
Liên Xô đã không được chuẩn bị tốt để đối phó với sự cố; Nguồn: theatlantic.com
Trong thực tế, rất khó để thống kê chính xác số người đã thiệt mạng trong thảm kịch Chernobyl, bởi vì sự che đậy thông tin thời Xô viết.
Theo một bản báo cáo năm 2005 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 56 người chết ngay lập tức (47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp), và ước tính có khoảng 9.000 người, trong số gần 6.6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.
Riêng tổ chức Hoà bình xanh ước tính, tổng số người chết là 93.000, nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ rằng "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ 1990 đến 2004."
Về kinh tế, theo Gorbachev, Liên Xô đã chi 18 tỷ rúp (tương đương 18 tỷ USD vào thời điểm đó) để ngăn chặn và tẩy xạ. Tại Belarus tổng chi phí khắc phục hậu quả trong 30 năm ước tính khoảng 235 tỷ USD (năm 2005).
Chi phí liên tục những năm sau đó đều được công khai, trong báo cáo 2003-2005, Diễn đàn Chernobyl nói rằng từ 5% đến 7% chi tiêu chính phủ ở Ukraine vẫn liên quan đến Chernobyl, trong khi ở Belarus hơn 13 tỷ USD được cho là đã được chi tiêu từ năm 1991 đến năm 2003, với 22% ngân sách quốc gia có liên quan đến Chernobyl năm 1991, giảm xuống 6% vào năm 2002.
Phần lớn chi phí hiện tại liên quan đến việc chi trả các lợi ích xã hội liên quan đến Chernobyl cho khoảng 7 triệu người tại 3 quốc gia. Thảm họa Chernobyl dấy lên những lo ngại về sự an toàn trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Xô viết, làm đình trệ sự phát triển của ngành này trong nhiều năm, đồng thời buộc chính phủ Liên Xô phải công bố một số thông tin.
Về mặt chính trị, vụ tai nạn đã tác động to lớn đối với chính sách Glasnost của Liên Xô, và giúp thúc đẩy quan hệ Xô-Mỹ gần gũi hơn vào cuối Chiến tranh Lạnh, thông qua sự hợp tác về mặt sinh học.
Dân Pripyat đã phải sơ tán, bỏ lại thị trấn hoang tàn; Nguồn: wikipedia.org
Lãnh đạo Liên Xô và các nước cộng hòa ngay lập tức bảo mật chặt chẽ thông tin về những gì đã xảy ra, vì vậy, nhiều học giả tin rằng sự thực của thảm kịch đó đến nay vẫn chưa được nói ra.
Nhiều hãng truyền thông phương Tây nhận định, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là một trong những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991- một hệ thống được xây dựng dựa trên sự dối trá và quan liêu từ Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, sẽ không thể tồn tại lâu bởi vì theo thời gian, hậu quả của thảm họa hạt nhân được cảm nhận bởi hàng trăm nghìn dân các nước cộng hòa của “liên minh không thể phá hủy"; và là một ảnh hưởng lớn trong việc hình thành các nước Đông Âu mới.
Vào năm 1997, Quỹ Mái ấm Quốc tế Chernobyl được thành lập để thiết kế và xây dựng một vỏ bọc lâu dài hơn cho chiếc “quan tài” bằng beton phủ kín lò phản ứng số 4 không ổn định và kém an toàn.
Nhận được hơn 810 triệu euro và được quản lý bởi Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), quan tài mới có tên là New Safe Confinement được bắt đầu xây dựng vào năm 2010.
Đó là một vòm kim loại cao 105m dài 257m được xây dựng trên đường ray liền kề với tòa nhà lò phản ứng số 4, hoàn thành vào năm 2016. Không giống như kết cấu cũ, New Confinement được thiết kế để có thể tháo dỡ an toàn lò phản ứng bằng thiết bị hoạt động từ xa.
Những bài học xương máu
Sai lầm đã phải trả giá quá đắt, trên thực tế, một vùng diện 1.600 dặm vuông xung quanh vị trí cũ của nhà máy điện là không thể ở được, trong khi tổng số sinh mạng bị mất và bị ảnh hưởng là không xác định, hàng ngàn trường hợp ung thư được cho là do bức xạ phát ra từ tàn dư của lò phản ứng. 23% lãnh thổ cũ của Belarus mức phóng xạ hiện đang ở trên ngưỡng; chi phí ước tính cho việc dọn dẹp sẽ không bao giờ có con số cuối cùng...
“Quan tài” mới của lò phản ứng số 4; Nguồn: wikipedia.org
Nhìn lại sự kiện bi thảm Chernobyl, nhiều học giả và chuyên gia cho rằng, thảm họa là một điều tất yếu đối với Liên Xô thời bao cấp, khi mà kỷ luật lao động lỏng lẻo, cán bộ tắc trách, các điều kiện đảm bảo kỹ thuật cho một ngành quan trọng và nguy hiểm như kỹ thuật hạt nhân không được chú trọng…
Sự kiện đau thương này đã cho thấy nhiều kinh nghiệm quý là không bao giờ cắt giảm kinh phí cho công tác an toàn; phải huấn luyện cho những người thực hiện các bài kiểm tra các kỹ năng cần thiết; nhân viên khẩn cấp được phái đi để dọn dẹp các địa điểm hạt nhân phải được thông báo trước về rủi ro; việc che đậy thông tin và sự thật gây hại nhiều hơn lợi trong cả ngắn hạn và dài hạn…
Và trên tất cả, thảm họa Chernobyl cũng chỉ ra, điều cực kỳ quan trọng là phải áp dụng mọi biện pháp, mọi giải pháp để ngăn chặn mọi khả năng xảy ra sự lặp lại của vụ Chernobyl trong tương lai; mọi quốc gia đều vẫn phải cân nhắc nghiêm túc, toàn diện mọi vấn đề khi xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân; có các giải pháp đối phó với mọi rủi ro mà một trong những rủi ro cao của các nhà máy điện hạt nhân là nguy cơ của các cuộc tấn công khủng bố và và việc lùng mua lại vật liệu phân hạch; bản chất khép kín và bí mật của ngành công nghiệp điện hạt nhân góp phần rất lớn vào những khó khăn và ứng phó một khi có sự cố, vì vậy, đòi hỏi mức độ minh bạch cao nhất có thể.